- Tiến Dũng năm nay 9 tuổi, được cưng chiều từ nhỏ. Sẵn
gia đình có điều kiện, lại “cậy” mình là con trai độc tôn trong nhà, Dũng chứng
tỏ cho mọi người thấy phong cách của một “đại gia” nhí.
Dùng tiền để "chi phối" con là sai? (Ảnh Minh Hiền) |
Nếu đi mua hàng mà được trả lại 1.000 hay 2.000 đồng, cậu không bao giờ cầm. Nếu không phải tiền polyme, cậu ấm nhất quyết không chịu chìa tay ra lấy tiền thừa.
Trong một lần đi ăn sáng ở cửa hàng bún đậu. Sau khi thanh toán và được trả lại 10.000 đồng, Dũng ngần ngại rồi đặt tiền ngay tại chỗ, ra vẻ không lấy. Khi bà chủ hỏi sao không cầm, Dũng lắc đầu quầy quậy “Tiền cũ thế, cháu tiêu sao được!”. Bà chủ cầm lại tiền mà ngao ngán bởi phong cách “đại gia”, ngoài việc hơi nhàu một chút thì đồng tiền vẫn còn nguyên mới.
Chuyện của bé Dũng không phải cá biệt. Một bộ phận phụ huynh có suy nghĩ, để con hoàn thành nhiệm vụ theo ý mình thì chỉ dùng tiền chi phối là nhanh nhất.
Sau khi sai cậu con trai học lớp 3 đi mua bao thuốc lá ở đầu ngõ, anh Kiên (Hoài Đức – Hà Nội) không quên “đế” thêm câu “Đi đi rồi bố cho năm nghìn”.
Cậu bé cầm tiền chạy đi mà không hề có phản ứng gì. 5.000 đồng “tiền công” nhận được, cậu bé coi đó là lẽ đương nhiên, theo kiểu “có đi thì phải có lại”.
Khi hỏi về việc “thưởng” công con bằng cách cho tiền, anh Kiên chỉ cười và bảo “Không cho thì còn lâu nó mới đi”. Cứ thế, sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, công lao của cậu học trò lớp 3 được hoán đổi bằng tiền.
Cùng chung “ý tưởng” với anh Kiên, chị Huệ (Thanh Trì – Hà Nội) cũng có cách dùng tiền để “giáo dục” con.
Cứ mỗi lần con khóc hay dỗi cơm, chị lại đưa một mức thưởng hậu hĩnh để dỗ dành. Đứa trẻ quen “vị” tiền, nếu không có tiền làm “động lực” sẽ trở nên khó bảo, quấy khóc.
Chị Huệ chia sẻ “Bé nhà mình lười ăn, mỗi lần dỗ con, mình phải cho nó khoảng hai nghìn thì nó mới chịu ngồi vào mâm. Hôm nào “trái khoáy”, phải nịnh bằng 5 nghìn nó mới “nuốt” hộ bát cơm”.
Khi được hỏi về việc dùng tiền để “giáo dục” trẻ, nhiều bậc phụ huynh đều không tán thành. Ngạc nhiên hơn, ngay cả anh Kiên và chị Huệ cũng đều không đồng tình với cách dạy đó. Tuy nhiên, họ vẫn sử dụng phương thức đó hàng ngày.
Được cho tiền nhiều trở thành thói quen, nhưng những đứa trẻ quen “vị” tiền này không phải cứ “tung” tiền ra là “gật”. Học được cách nhận tiền, tiêu tiền, chúng không ngần ngại “tiếp thu” cách phân biệt giá trị đồng tiền để từ đó, nảy sinh ra cách... chê tiền.
Trong lúc nhậu, ông Hà (Quốc Oai – Hà Nội) sai đứa cháu đi mua bộ tú khơ – lơ để lát ăn xong còn có thứ giải khuây. Thấy cô cháu gái nhõng nhẽo không muốn đi, ông rút thêm tờ 2.000 đồng ra để cho nó mua cây kẹo.
Tưởng rằng cháu mình nhắc đến kẹo thì “sáng mắt”, ai ngờ cô cháu gái học mầm non vừa nhìn thấy 2.000 đồng đã lắc đầu, chu môi: "Hai nghìn thì mua được cái gì? Chú cho thế thà không cho còn hơn!”. Ngạc nhiên trước cách “chê” tiền của cháu, ông Hà đành rút đồng 5.000 mới cứng để trả công thì con bé mới chịu đi.
“ Thay vì dùng tiền làm “động lực”, sao chúng ta không đầu tư thời gian để cho bọn trẻ đi chơi hoặc tự tay mua những món đồ mà chúng thích để làm phần thưởng?”- cô Hường, hội trưởng hội phụ huynh Trường tiểu học Song Phương nêu ý kiến.
Minh Hiền
*******************
Bạn đã từng dùng tiền để chi phối con hoàn thành nhiệm vụ? Theo bạn nên cho con tiếp cận tiền ở lứa tuổi nào? Ý kiến gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi phía dưới.