Sinh ra trong một gia đình làm chính trị, Aung San Suu Kyi – trong mắt bạn bè - từ một cô gái trầm tính, giản dị trở thành một phụ nữ tự tin, quyết đoán, một biểu tượng của phong trào đấu tranh bất bạo động của Myanmar.
Là lãnh đạo Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Myanmar, bà từng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2011 và từng bị quản thúc tại gia suốt 15 năm.
Là lãnh đạo Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Myanmar, bà từng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2011 và từng bị quản thúc tại gia suốt 15 năm.
Bà Suu Kyi trong một cuộc phỏng vấn với Reuters năm 1989 tại nhà bà ở Rangoon, Myanmar. Ảnh Reuters |
Không bao giờ nói về chính trị
Malavika Karlekar là một trong những người bạn lâu năm nhất của Aung San Suu Kyi ở Ấn Độ. Họ quen biết nhau từ năm 1960 khi học cùng trường Convent of Jesus and Mary. Họ tiếp tục học cử nhân Khoa học chính trị ở Lady Shri Ram College, rồi sau đó học Chính trị, Triết học và Kinh tế cùng nhau ở St Hugh’s College, Oxford. Bà Karlekar hiện là giảng viên đại học, nhà nghiên cứu kiêm biên tập viên Tạp chí Nghiên cứu giới tính Ấn Độ.
Khi bà Suu Kyi làm nên lịch sử ở Myanmar bằng cách trúng cử vào quốc hội nước này sau gần 3 thập kỉ đấu tranh vì dân chủ, người bạn Karlekar đã kể về bà và tình bạn của họ khi Suu Kyi còn là một cô gái trẻ.
“Tôi nói chuyện với Aung San Suu Kyi vào ngày 15/11/2010 – vài ngày sau khi cô thoát khỏi án quản thúc tại gia. Tôi hiếm khi liên lạc với cô ấy trong suốt 22 năm qua. Lần cuối cùng tôi nói chuyện với Suu qua điện thoại là khi chồng cô ấy qua đời vào năm 1999. Trong tâm trí tôi, đó là sức mạnh của một tình bạn đã kéo dài nhiều thập kỉ, bất chấp những thăng trầm và đổ vỡ trên chặng đường đó.
Năm 1960, khi chúng tôi còn là những cô bé, ngoài thời gian ở trường, chúng tôi thường gặp nhau vào cuối tuần. Tôi nhớ Suu là một cô gái trầm tính và ngoan ngoãn với năng khiếu viết tuyệt vời. Cô tới trường trong chiếc Mercedes của Đại sứ quán, mái tóc tết 2 bên gọn gàng. Bà Aung San (hay còn gọi là Daw Khin Kyi) là đại sứ Miến Điện tại Ấn Độ. Suu và bà sống ở số 24, đường Akbar. 5 người bạn thân chúng tôi thường dành những buổi chiều Chủ nhật để thưởng thức món Khao Suey ngon lành.
Tôi thường được hỏi là Suu có thể hiện bất cứ phẩm chất nào cho thấy cô là một phụ nữ dũng cảm và nguyên tắc của năm 1988 và sau đó hay không. Thực sự, chúng tôi - những người bạn thân của cô ấy đã nhiều lần nói về điều này và chúng tôi đi đến kết luận rằng, trong khi chúng tôi luôn biết cô là con gái của nhà sáng lập Miến Điện hiện đại, thì cô không bao giờ nói về một cuộc sống liên quan nhiều tới chính trị. Thực ra, nếu tôi nhớ đúng thì mối quan tâm của cô là văn học. Nhưng điều làm tôi nhớ hơn về cô là thái độ chính trực và niềm tự hào lớn về dòng giống. “Tôi sẽ không bao giờ được phép quên tôi là con gái của ai” – Suu Kyi thường nói. Lịch sử đã chứng minh cô ấy đúng.
Khi chúng tôi tiếp tục học cùng nhau ở Lady Shri Ram College, rồi sau đó là St Hugh’s College, Oxford, tôi chứng kiến cô ấy trở thành một phụ nữ tự tin, hấp dẫn với những dự định rất rõ ràng và một nụ cười không tắt. Sau đó, chúng tôi dành nhiều ngày cùng nhau khi tôi ở cùng gia đình cô ở Oxford hay khi cô ấy tới Ấn Độ. Chúng tôi nhớ lại những kỉ niệm cũ, nói về những điểm chung của cả hai cũng như nói những câu chuyện tầm phào. Chúng tôi hiếm khi nói về Miến Điện hay về chính trị Miến Điện.
Đến năm 1988, Suu Kyi nổi lên như một chính trị gia. Vào một ngày – một trong những dịp hiếm hoi tôi có thể liên lạc được với Rangoon qua điện thoại. Chúng tôi nói về bản thân mình và cuộc sống đã đưa chúng tôi đến đâu.
Suu nói: “Mình tới gặp bác sĩ để kiểm tra, ông ấy đã rất ngạc nhiên về sự thon thả của mình. Mình nghĩ rằng những năm bị ép buộc nghỉ ngơi đã giúp mình có ngoại hình đẹp”. Tôi không nói được gì, chính trị gia nào có thể nói về việc bị quản thúc tại gia, giam giữ và cô lập là sự ép buộc nghỉ ngơi? Chỉ có những người có khiếu hài hước kì quặc và sự lạc quan – cả 2 phẩm chất mà Aung San Suu Kyi đều có rất nhiều.
Bà Suu Kyi được chúc mừng sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ngày ¼. Ảnh AP |
Margaret MacMillan – hiệu trưởng St. Anthony’s College đã nói về thời gian Aung San Suu Kyi theo học tại Oxford – nơi bà gặp người chồng quá cố Michael Aris.
Giáo sư MacMillan nói: “Tất cả chúng ta ở Oxford có liên kết với một con người đặc biệt”
“Đó là một câu chuyện tình yêu thực sự. Chỉ tới khi cô trở về Miến Điện, mang theo công việc của cha mẹ – điều đã khiến cuộc sống của cô thay đổi” – giáo sư MacMillan nói.
“Khi kết hôn với Aris, cô luôn nói với anh rằng cô phải đặt Miến Điện lên trên hết, và tôi nghĩ rằng anh ấy hiểu điều đó” – ông nói thêm.
“Chúng tôi hi vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi có thể gặp lại cô ấy. Cô ấy là người mà tôi nghĩ có thể là Nelson Mandela của Miến Điện”.
- Nguyễn Thảo - Bình Trọng (Tổng hợp)