Trưởng phòng GDTX-TCCN Nguyễn Đức Trọng và Phó GĐ Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Trường đã có trao đổi với VietNamNet xung quanh việc một số trường THPT trên địa bàn không cho HS kém thi ĐH.




Mỗi học sinh khi có đủ điều kiện các em có quyền được dự thi ĐH,CĐ,TCCN.

Phóng viên: Thưa ông, những con số đặt ra được nêu trong công văn của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc có nhắc tới con số 30-35% học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề, ổn định khoảng 40-45% các năm sau đó có liên quan gì đến việc đánh giá xếp loại thi đua của các trường?

Ông Nguyễn Đức Trọng: Đây là chỉ tiêu bên UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao. Chúng tôi chưa có động tác tính đến thi đua hay hành chính. Công tác chính hiện nay là vận động, tuyên truyền.

Sau công văn số 176, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đã có 2 hội nghị: một là hội nghị hiệu trưởng các trường THPT. Gần đây nhất là hội nghị giữa đánh giá tổng kết năm học 2011-2012, phương hướng, nhiệm vụ triển khai năm học 2012-2013 giữa Sở GD-ĐT và lãnh đạo các huyện thị thành cùng trưởng phòng GD-ĐT các đơn vị này. Nội dung liên quan đến việc phân luồng học sinh cũng được bàn tới.

- Theo công văn này, khi thực hiện, các trường có được gây sức ép cho học sinh như đặt ra barie điểm trung bình qua các lần thi sát hạch nếu quá thấp sẽ  không ký hồ sơ đăng ký dự thi ĐH?

Mỗi học sinh khi có đủ điều kiện thì sẽ có quyền được dự thi ĐH,CĐ,TCCN. Các hội nghị giao ban, giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cũng đã có nhắc nhở các đơn vị trực thuộc lưu ý vấn đề này. Các trường không có quyền thực hiện việc đó.

Nếu biết trường nào học sinh bị gây khó khăn Sở sẽ nhắc nhở và chấn chỉnh. Người đứng đầu mỗi trường sẽ trách nhiệm trước giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc.

- Hiện nay nhiều học sinh lớp 12 phản ánh ở trường các em theo học có tình trạng trên. Vậy Sở có biện pháp gì để các em sớm được nộp hồ sơ dự thi ĐH?

Việc nộp hồ sơ thi ĐH,CĐ ngày càng thuận lợi cho HS. Nếu các em gặp khó khăn có thể ra Sở trình bày, thậm chí khi hết hạn nộp hồ sơ chúng ta vẫn có thể giải quyết để đảm bảo quyền được thi của các em. Việc các trường làm không đúng, tôi nghĩ chỉ cần một cú điện thoại chỉ đạo trường sẽ phải xác nhận cho các em thôi.

- Nếu không vì thành tích tỷ lệ "thi ĐH là đỗ" thì công tác phân luồng học sinh đặt ra hướng đến mục tiêu gì, thưa ông?

Học sinh sẽ biết phải lựa chọn trường nào cho phù hợp khả năng, năng lực sở trường của mình. Như thế cũng là tránh lãng phí cho gia đình, bản thân các em và xã hội cho một kỳ thi ĐH,CĐ.

Hơn nữa, nếu làm tốt phân luồng sẽ góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà. Đặc biệt là nếu hướng mạnh cho các em sang học nghề, tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay. Theo tinh thần của đề án 5178, học sinh sẽ được hỗ trợ nhiều nếu theo học CĐ, TCCN nghề hay bổ túc văn hóa.

Cơ chế hỗ trợ từ 2011-2015 đối với người học CĐ nghề là 400.000 đồng/tháng, trung cấp nghề: 350.000 đồng /tháng, bổ túc văn hóa và nghề: 350.000 đồng /tháng (hỗ trợ thêm 100.000 đồng/tháng để mua sách vở, đồ dùng học tập với các đối tượng).  Thời gian hỗ trợ với hệ trung cấp nghề tối đa 20 tháng, CĐ nghề, bổ túc văn hóa và nghề tối đa 30 tháng...

Đây là chủ trương lớn của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Và ngành GD-ĐT phải thực hiện việc này.

-Cảm ơn ông!

Chiều cùng ngày, trong cuộc trao đổi ngắn với VietNamNet, Phó GĐ Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Trường cũng nhắc lại quan điểm chỉ “tuyên truyền, vận động”, không tạo sức ép và trường THPT “không được không ký xác nhận hồ sơ dự thi ĐH của học sinh....”.

Văn Chung (thực hiện)