- Một bất ngờ lớn năm nay tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học TP.HCM là giáo viên đạt giải xuất sắc nhất lại đến từ trường tiểu học rất xa trung tâm, ở một trường tiểu học không có tên tuổi ở TP.HCM.

Khen ngợi giúp trẻ ngoan và học tốt

Cô giáo Phạm Thị Thùy, giáo viên dạy lớp 4, Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp, Q. Tân Bình đã vượt lên hàng trăm giáo viên để đứng đầu về nghiệp vụ sư phạm. Phần đông các em ở lớp cô chủ nhiệm là con nhà lao động (trong 43 em, thì 32 phụ huynh là người lao động).

Trường Nguyễn Văn Kịp nằm trong một con ngõ nhỏ, không thuộc hàng “tiếng tăm”, nơi có phần đông học sinh là con nhà lao động, không có hộ khẩu ở TP.HCM. Cô hiệu trường và các giáo viên trong trường phần lớn từ các trường khác chuyển về đây để xây dựng ngôi trường.

Cô giáo Phạm Thị Thùy trong một giờ lên lớp. Ảnh: Hương Giang

Trong bài viết dự thi về sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học, cô Thùy đã đưa ra một số biện pháp giúp trẻ vui học. Để trẻ thích thú đi học thì phải tạo ra điều mới mẻ mỗi buổi học, điều đó buộc giáo viên phải lao động rất nhiều trước mỗi tiết dạy để chuẩn bị.
Theo cô Thùy, để trẻ nghe lời dạy dỗ của cô thì phải đến với trẻ bằng trái tim của một người mẹ. Không hạn chế khen ngợi trẻ. Chỉ cần tiến bộ rất nhỏ của trẻ thôi đã khen rồi.

Cô Thùy cũng không chấm điểm yếu kém. Khi phát hiện thấy học sinh làm bài chưa tốt, cô giảng lại, cho bé làm lại rồi mới chấm.
Đầu năm học, cô phát một tờ phiếu cho cha mẹ để họ ghi đề nghị đối với giáo viên và cô thực hiện mọi yêu cầu của họ. Ví dụ “cho con ngồi trên vì mắt kém, hay cháu bị thiếu máu, cô để ý cháu thường xuyên”.

Khi trẻ mất trật tự, không nghe lời thì cô dùng biện pháp khen. Trong lớp bao giờ cũng có một nhóm ngoan hơn các bạn khác, chẳng hạn, cô đề nghị cả lớp vỗ tay khen nhóm bạn Trang vì trật tự, như vậy, các nhóm khác tự động không gây ồn ào nữa.
Bây giờ, các trường tiểu học ở TP.HCM không dùng thước gõ xuống bàn để các em trật tự mà cô giáo dùng một chiếc chuông làm hiệu lệnh, như thế đỡ phản cảm hơn.

Có những em nghịch ngợm và quậy phá nhưng cô hiểu là các em đang cần cô chú ý, chỉ cần cô quan tâm đến là hết nghịch ngợm. Hiểu được tâm lý trẻ thì sẽ hạn chế được biểu hiện tiêu cực của trẻ.

Cô Thùy khen bằng nhiều hình thức, tặng bông hoa điểm 10, tặng món quà nho nhỏ (có gói lời khen của cô) hay món quà rất ít tiền như cái chuốt bút chì, nhưng gói cho thật đẹp. Những món quà tuy nhỏ nhưng các con rất thích.

Khi học sinh tả gà “không có lông”

Cô Thùy rất tâm đắc với chuyên đề dạy học theo hướng cá thể hóa của thầy Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Phòng GD quận Tân Bình cũng như Ban giám hiệu trường Nguyễn Văn Kịp rất chú trọng đến vấn đề đó.

Trả lời câu hỏi với sĩ số đông, 43 em HS thì dạy học cá thể hóa như thế nào? Cô Thùy cho biết, GV làm việc rất nhiều và thay đổi hình thức dạy đa dạng. Có thể dạy các em ghi nhớ bằng trò chơi. Dạy bài về Tây Nguyên thì làm bình rượu cần, tất nhiên là cho nước vào để các em uống. Hay cho bé chơi trò đánh cồng chiêng.

Với môn văn, theo cô dạy bằng trực quan rất quan trọng. Những người giỏi văn là người giỏi quan sát và học cách dùng từ hay của người khác. Khi giảng bài cô hết sức lưu ý việc chau chuốt về lời nói. Cô hướng dẫn cho các em đọc nhiều tác phẩm văn học. Cô sưu tầm nhiều tác phẩm hay để cuối lớp cho các em đọc.

Cô Thùy đang hướng dẫn các em chơi trò chơi dân gian. Ảnh: Hương Giang

Nếu các em đọc văn mẫu, cô hướng dẫn các em thấy từ hay thì gạch chân, ghi nhớ, sử dụng làm tư liệu để áp dụng sau này.
Cô hướng dẫn các em viết văn hay bằng cách tự viết rồi cô chữa. Cô dạy không nên chép bài của người khác. Khi các bé làm chưa tốt lắm, nhưng chỉ cần một ý hay cô cũng vẫn khen.

“Phải tôn trọng sự sáng tạo của các em. Các em nhìn sự vật qua lăng kính của trẻ thơ nên không bao giờ được cho rằng các em nhìn như thế là sai, như vậy sẽ làm mất đi sự sáng tạo”, cô Thùy cho biết.

“Ví dụ nhiều em ngày nay quan sát các con vật qua hoạt hình, như vậy nó rất khác rồi, mình không chê, chỉ hướng dẫn cho các em viết lại.”

Cô Thùy nhớ mãi một kỷ niệm: Có một em học sinh tả con gà nhưng không thấy tả màu lông. Cô giáo hỏi thì bạn trò nhỏ cho biết: Thưa cô, mẹ em thường mua con gà không có lông! Đó là một kỷ niệm rất vui nhưng cũng đặt ra vấn đề cho những người làm giáo dục. Trẻ em thường không thích nhìn tranh để tả, mà thích tả những gì các em nhìn thấy trong đời thực.

Tạo bài giảng như trò chơi

Trong hội thi vừa qua, cô Thùy đã để lại ấn tượng với ban giám khảo về tiết giảng mẫu vui tươi về môn Toán và môn Địa lý. Tiết Toán được cô Thùy tổ chức dưới dạng trò chơi mô phỏng cách tổ chức chơi Đường lên đỉnh Olympia. Lớp học hứng thú, sôi nổi vì cô giáo đóng vai trò là một MC điều khiển cuộc chơi, vui học toán nên rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, cô vẫn phải chốt lại một số vấn đề cơ bản chứ không để HS mải chơi trò chơi rồi quên mất.

Giờ Địa lý về Dải đồng bằng duyên hải miền Trung được tổ chức dưới dạng một chuyến đi du lịch, cho HS lên đường, khám phá, tìm hiểu rồi trở về. Khi trở về các em đóng vai hướng dẫn viên du lịch để nêu lại những gì ghi nhớ được. Có em mang đến con ốc biển và nói đây là món quà mang về từ một chuyến đi biển. Rồi em giới thiệu về món ăn ngon ở vùng em đến. Đó là điều làm cô rất bất ngờ.

Cô Thùy rất tâm đắc với một chuyên đề dạy học tích cực của một thầy giáo, thạc sĩ tâm lý của Mỹ, đó là việc chuyển đổi trạng thái trong một tiết học. Ví dụ đang nghe giảng thì chuyển đổi sang thực hành, nghe nhạc, hoạt động chân tay, nhảy múa, cứ 8 phút thay đổi trạng thái một lần.

Đây là điều mà theo cô Thùy, trình độ giáo viên tiểu học hiện nay đều có thể làm được, nhưng khó khăn là sĩ số HS và cơ sở vật chất. Nếu khắc phục được điều này, việc giảng dạy theo phương pháp của nước ngoài hoàn toàn có thể làm được trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp, cô Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà nhận xét: Cô Phạm Thị Thùy làm việc không biết mệt mỏi, không bao giờ kêu khó khăn với nhà trường. Thùy đạt giải nhất trong cuộc thi giáo viên giỏi cấp trường và cấp quận. Cô xứng đáng được giải vì có một phong cách giảng bài rất riêng, cuốn hút, tự tin khi lên lớp, có những tiết học cô còn hát cho học trò nghe, cô hát rất hay, làm cho học sinh rất vui thích.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, Sở sẽ có một phần thưởng cho cô giáo Thùy, đó là một chuyến thăm quan một ngôi trường tiểu học ở nước ngoài trong thời gian tới.


Hương Giang