Trước Tết, một suất cơm bình dân giá 15.000 đồng, nay tăng lên 25%, tức là 20.000 đồng. Điều đó đồng nghĩa, ăn bên ngoài, các bạn sẽ phải tốn 40.000 đồng/ ngày, tức là 1,2 triệu đồng/tháng. Các khoản chi tiêu còn lại, sẽ càng phải thắt chặt.
|
Sinh viên đau đầu với bài toán chi tiêu khi túi tiền thấp không theo kịp tình hình giá cả tăng. Ảnh: Dân trí |
Một tháng tiền ăn hết bao nhiêu?
Hoa (sinh viên ĐH Sài Gòn) sống trong căn phòng trọ ở Q.5, diện tích 10m2 (3 người). Mâm cơm dọn lên chủ yếu là canh rau củ và đồ hộp. Bữa ăn chỉ khoảng 20.000 đồng cho cả phòng. Hoa chia sẻ: “Để tiết kiệm nhiên liệu, phòng mình nấu một lần, ăn hai bữa. Tụi mình ăn trưa rồi để dành cho bữa chiều”. Còn với Thảo (trường CĐ Phát thành – Truyền hình II), mỗi tháng, khi gia đình gửi lên 1,5 triệu đồng, bạn phải đóng ngay tiền phòng, điện nước và cả vé tập xe buýt. Túi tiền Thảo còn lại đúng 700.000 đồng. Trừ 200.000 phí phát sinh, bữa ăn của Thảo chỉ còn lại 500.000 đồng/ tháng.
Để không phải vay mượn, Thảo hết sức cân nhắc từng khoản đi chợ mỗi ngày. Thảo chia sẻ: “Bạn bè cùng cảnh nghèo phải “cộng sinh”. Tức là gom tiền lại, mua chung cho tiết kiệm. Rau củ và đậu hũ là thực phẩm chủ yếu của tụi mình. Những thức ăn này rẻ hơn rất nhiều so với thịt cá. Để tiết kiệm, thay vì xào rán tốn thêm chi phí dầu mỡ, tụi mình chuyển sang luộc. Đây cũng là cách rất nhiều bạn sinh viên sử dụng”. Tất nhiên, bữa ăn như thế thì dinh dưỡng không thể đảm bảo. Bạn Kim Sang (học cùng trường với Thảo) cười: “Đành liệu cơm gắp mắm, chứ muốn ăn thịnh soạn hơn cũng đâu có tiền. Mà còn phải lo chuyện học trước”.
Một cách nữa để tiết kiệm chi tiêu đang được giới sinh viên áp dụng là mua đồ ăn đóng hộp trong siêu thị. Đồ hộp tiện dụng, ít tốn thời gian và tương đối phù hợp với túi tiền sinh viên. Bạn Trần Thị Giàu (trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Thường vào ngày cuối tuần, tụi mình sẽ góp tiền lại, đi siêu thị và mua thức ăn hộp. Cái lợi của mua đồ hộp là để dành ăn lâu được”. Các thức ăn hộp thường được các bạn chọn nhiều là cá sốt cà, patê gan… Với 3 người ăn, mỗi bạn chỉ cần 70.000 đồng/ tuần. Như vậy, các bạn chỉ mất khoảng 300.000 đồng/ tháng. Với số tiền ít ỏi còn lại, các bạn có thể để dành mua sách, đi lại và vô vàn khoản chi tiêu phát sinh khác.
“Cắn răng” mà tự lo
Với số tiền 1,5 triệu đồng/ tháng, lo trang trải sinh hoạt phí đã thấy chật vật, chi li, chưa kể các khoản dành cho học tập. Để có thêm tiền, nhiều bạn sốt sắng tìm việc làm thêm. Sang (trường CĐ Phát thanh – Truyền hình II) nói: “Đi làm, nhiều khi bị người ta ức hiếp, xét nét từng chút một, tới cuối tháng trừ hết vào lương. Tụi mình vẫn chịu đựng để có thêm đồng nào hay đồng nấy. Với mình, thà nhịn ăn chứ không dám nhấc điện thoại, xin tiền ba mẹ”.
Ăn uống thiếu thốn thì sức khỏe giảm sút, ít nhiều ảnh hưởng đến việc học nhưng các bạn không có lựa chọn nào khả dĩ hơn. Huỳnh (trường ĐH Sài Gòn) tâm sự: “Đi làm về, lên lớp mệt nên mình hay ngủ gật. Nhưng mình không đi làm thì chắc chỉ có nước nghỉ học. Kết quả học đang đi xuống, mình buồn lắm!”. Làm thêm để lo toan cuộc sống mà vẫn duy trì điểm số học tập đang là mong muốn số 1 của nhiều sinh viên hiện nay.
(Theo SVVN)