- "Sáng hôm đó, chúng tôi thực sự bất ngờ khi anh Trọng lại tới trường bằng xe máy" - nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, nơi tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học thuở thiếu thời kể lại ấn tượng cách đây gần 10 năm, khi trường tổ chức buổi gặp mặt cựu học sinh để tới mừng thọ thầy giáo.
Nhà giáo Đại kể thêm, trong khi nhiều cán bộ, cũng
từng là học trò của người thầy đã 75 tuổi, đề nghị đi ô tô để mời thầy về
trường thì ông Trọng kiên quyết đi bộ, dẫu quãng đường từ trường đến nhà riêng
của thầy không gần.
Trong bài báo hơn 2.000 chữ của 4 tác giả được VTC News đăng tải
ngày 19/1, những người thầy dạy cấp 3 đã nhắc lại câu chuyện thuở đi
học của tân Tổng Bí thư.
Tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và
các thầy giáo: Nguyễn Duy Ninh, Đoàn Thanh, Vũ Huy Đông, Trần Thái Bình (Ảnh:
TL)
Thầy Lê Đức Giảng, về trường, làm giáo viên chủ nhiệm lớp 9B khi trò Trọng
vừa là Bí thư Chi đoàn, vừa là lớp trưởng. "Người học trò này rất giỏi quán
xuyến tình hình của lớp, đặc biệt các bạn trong lớp rất “nể” vì cách nói
năng và truyền đạt rất tốt" - thầy Giảng cho hay.
Thầy Đoàn Thanh, nay đã 84 tuổi, nguyên là hiệu trưởng của trường "còn
nhớ rất rõ, do nhà nghèo lại ở xa, nên trò Trọng - khi đó phụ trách khối thanh niên - phải trọ học trong một ngôi chùa".
“Điều làm tôi nhớ nhất về trò, chính là sự cẩn trọng trong
học tập và mọi công việc. Với trò này, chúng tôi chưa một lần phải nhắc nhở
trong chuyện học hành hay trong cách cư xử”, thầy Thanh chia sẻ.
Năm 1963, ngành giáo dục chỉ thị là khuyến khích học sinh không cần phải thi
đại học mà ở quê nhà phục vụ quê hương hoặc đi bộ đội. Trường đã truyền đạt ý
này cho HS 3 lớp 10 và không có ai đăng ký thi. Nhưng sau đó, khi Bộ Giáo
dục có văn bản đề nghị phải có người thi, thì học trò Nguyễn Phú Trọng
và một số học sinh lại đăng ký, và đỗ vào khoa Ngữ văn của Trường ĐH Tổng
hợp.
Ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), cậu học trò Nguyễn Phú Trọng cùng với Ngô Bá Dục là lứa học sinh đầu tiên của xã học hết cấp 1.
Người bạn cùng học đến hết cấp 3, cụ Dục - từng là hiệu trưởng Trường cấp 3 Cổ Loa - nhớ lại, hồi học lớp 4, học trò Trọng được đánh giá là 1 trong 3 học sinh giỏi nhất lớp. Lên cấp 2 - 3, đi học xa nhà, Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nổi trội về môn văn.
Sau này, khi điều hành Quốc hội những ngày đầu, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã lẩy Kiều về bản thân mình và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ông cũng vận dụng thơ Hồ Chí Minh và ca dao khi trả lời tại buổi họp báo sau khi đắc cử Tổng Bí thư.
- Vân Phong (tổng hợp)