Vì mưu sinh, vì sự nghiệp, vì nhu cầu quan hệ xã hội, vì sức khỏe… có hàng vạn lý do đẩy phụ nữ ra khỏi cánh cửa nhà. Nội tướng bây giờ không chỉ là “thiếp trong cánh cửa” mà đã thành thiếp đi làm nhà nước, thiếp ngược xuôi giữa chốn thương trường…
Cũng vì thế, các bà nội trợ đơn thuần ít nhiều cảm thấy mình thua chị kém em khi chỉ có mỗi việc nhận tiền chồng phát và đi chợ nấu cơm, lau nhà rửa chén, đưa đón con đi học… Hoặc khi phải giã từ đời sống xã hội, về hưu hay nghỉ việc, người phụ nữ cảm thấy mình cũng phần nào “rớt hạng”.
Dần dần, “ở nhà” kèm thêm nghĩa bóng là ăn bám chồng, vô tích sự, không làm được gì, chỉ giữ cháu/con… Người ở nhà cảm thấy mình thua thiệt nhưng người không ở nhà lại bảo “sướng quá rồi, còn đòi gì nữa!”. Cứ vậy mà đi đến chỗ trách cứ nhau, người ở nhà chờ người khác về để kể lể, xả cơn bực bội quanh quẩn, người đi về nhà thấy mình đã về đến nhà vẫn không được yên. Và như thế, người ta lại khuyến khích các “nội tướng” nhào ra đường. Trẻ thì cà phê, spa, thể dục, yoga, học thêm ngoại ngữ, nhận thêm công việc; già thì thể dục dưỡng sinh, câu lạc bộ các kiểu, rồi cũng ăn sáng, uống cà phê, hội thơ, du lịch…
Khi đã không còn ai vui với việc được ở nhà, tổ ấm sẽ thành tổ lạnh, tổ tạm và nhiều khi thành tổ trống.
Khi T.U. nộp đơn xin nghỉ việc, nhiều bạn bè đã bảo cô… khùng. Đang sắp được thăng chức, các chuyến công tác nước ngoài thường xuyên, lương cao, sao tự nhiên lại “off”? Mất bao nhiêu công sức để đi được quãng đường chừng ấy, thế mà… T.U. cười, cái sắc sảo thường ngày trong công việc vẫn không hề giảm sút: “Thế tớ đang chuyển từ chỗ là cái máy đẻ sang chỗ là cái máy in tiền à? Tớ làm ra chừng ấy tiền chưa đủ à?”.
Trong một lần tâm sự với bạn bè, T.U. mới thủ thỉ: “Xét kết quả đi nào! Mẹ mình buôn bán một thời gian rồi sau đó chỉ ở nhà thôi, ba mình đi làm công chức. Mẹ mình nuôi được ba bác sĩ, một kỹ sư, một thạc sĩ - là mình - năm đứa con! Còn mình, không biết sắp tới nuôi được hai thằng tướng con mình ra người không đây. Càng đi sâu vào giới trung lưu bây giờ càng thấy ngại. Nhiều người - bạn bè mình cả đấy thôi, cha mẹ làm việc quần quật hay ít ra cũng có vẻ thế, tiền bạc dư dả, nhưng con cái học hành chẳng ra sao, tệ hơn, còn đua đòi ăn chơi, hút chích.
Làm sao biết được đời này ai hơn ai! Bà mẹ ở nhà của mình hay các chị một bước lên xe hơi, là người tài giỏi? Tiền này xe nọ nhưng cuối cùng con mình không nên người thì thật sự là cái đau của mình, mình sinh nó ra mà. Có ai thương con bằng mẹ? Khi con hư, nỗi đau ấy còn là của cả gia đình, giấu nó đi được không? Thà cứ thiếu thốn một chút, mà còn có điều kiện nuôi dạy được con, lao mãi vào con đường kiếm tiền này, có lúc muộn mất. Mà cũng phải để cho các ông ấy kiếm tiền nữa chứ, đó là việc “thuận tay” của họ mà!”.
Bà ngoại M.H. lại có quan điểm khác: Các chị bây giờ giỏi hơn chúng tôi ngày xưa. Thế hệ tôi vất vả, chiến tranh rồi hòa bình, đận nào cũng cực nhọc. Suốt một đời nuôi con, cắm mặt xuống mà nuôi con, này thì ăn ăn, bú bú, này thì học học, trường trường, này thì cháo cháo cơm cơm, nào con lớn con bé, nào mẹ chồng mẹ mình đủ kiểu. Đến lúc ngẩng mặt lên được thì mình đã già lúc nào chẳng biết! Thời tôi, việc cơ quan cũng là phiên phiến, còn các chị bây giờ lúc nào cũng việc, cũng họp hành, cũng đối tác... Sang cả hơn mà cũng vất vả hơn. Lắm khi các chị về đến nhà cũng như đang còn ở cơ quan, quát chồng quát con náo loạn. Khổ vì công việc lắm khi nhiều hơn khổ vì gia đình!
Hiện tượng “thế hệ gối ôm”, “thế hệ gấu bông” ích kỷ và yếu đuối chắc chắn phải có một tiền đề xã hội từ trước đó. Có thể, tiền đề đó chính là không còn “thiếu thốn một chút” trong gia đình, nói cách khác là sự đầy đủ thừa mứa về mặt vật chất. Có thể, tiền đề đó chính là sự vắng mặt của một vị “nội tướng” đúng nghĩa, sự thiếu hụt bầu không khí của tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc đúng cách. Không có gì thay thế được hơi ấm của người mẹ, người vợ trong cái “tổ” gia đình. Một khi mẹ đã vắng, đã bị hút vào công việc, khoảng trống để lại sẽ là mênh mông. Sự bù đắp bằng vật chất chỉ làm rộng thêm, lạnh thêm khoảng trống ấy mà thôi.
Minh họa: NOP |
Thả ra bớt khi tay mình không ôm được hết có lẽ cũng là điều chị em nên nghĩ đến. Mỗi người ai cũng chỉ có 24g một ngày mà thôi. Đừng để mình bị công việc bắt giam triền miên, đến khi trả về nhà chỉ còn là một bà cô cáu kỉnh và kiệt sức!
- Theo Hà Mai (Phụ nữ TP.HCM)