Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại hội nghị tổng kết nhiệm kỳ I, triển khai nhiệm vụ nhiệm kỳ II của Hiệp hội. |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết của
các ĐH,CĐ ngoài công lập: “Không ít trường có cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm
bợ, đội ngũ giảng viên cơ hữ thiếu. Cán bộ quản lí ít kinh nghiệm, giáo trình và
giáo án sơ sài, chưa đủ. Có trường chưa chú ý đầu tư với cam kết khi thành lập”.
Nhận thiếu sót trong việc quản lí, giám sát còn tạo sự dễ dãi cho các trường
nhưng theo Bộ trưởng Luận: “Như thế không có nghĩa là các trường không thực
hiện theo cam kết của mình”. Tôi rất lo lắng chuyện các trường mất đoàn kết,
vi phạm và không tôn trọng đạo đức con người...
Bộ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại của các trường cần phải khắc phục - đó là
vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong đội ngũ điều hành của nhà trường. Cá biệt có
trường có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Mất đoàn kết trong nội bộ nhà trường kéo
dài. Thậm chí có nơi đã không còn tình đồng chí, đồng nghiệp với nhau.
"Nếu có vấn đề gì liên quan đến cơ chế, chính sách Bộ sẵn sàng lắng nghe và có
những điều chỉnh" - lời Bộ trưởng. "Nhưng vì sao những cơ sở như Trường ĐH Thăng
Long quản lí tốt như vậy mà các trường không làm được. Yếu kém đó không hẳn do
cơ chế, chính sách" - Bộ trưởng đặt vấn đề.
Nhắc lại quan điểm chỉ đạo chung của Bộ coi các trường ngoài công lập là bộ phận
không thể tách rời của ngành, theo bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Mỗi thành công
của các trường này góp phần vào thành công chung của ngành. Mỗi sai sót, chệch
choạc của các trường cũng là yếu kém của ngành, yếu kém của lãnh đạo”.
Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ có cơ chế khen thưởng, xử lí nghiêm đối với tất cả
các trường không phân biệt trường công, trường tư.
GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam nhìn nhận: "Nhìn tổng quát, tốc độ phát triển các trường ngoài công lập là khá chậm so với mục tiêu chiến lược của nhà nước. Trong khi đó sự phát triển ồ ạt của các trường ĐH, CĐ công lập là sự thực hiện sai lệch quan điểm chỉ đạo của chiến lược phát triển giáo dục đã đề ra.
Điều đó làm phân tán nguồn lực tài chính của nhà nước, làm sai chức năng của hệ thống các trường công lập lẽ ra chỉ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo các ngành nghề cần đầu tư lớn và đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực chuyên biệt, đặc thù mà các trường công lập không thể đảm đương".
Báo cáo kiểm tra của Hiệp hội trong nhiệm kỳ I (từ tháng 9/2004 đến nay) nêu rõ, nguyên nhân khiến cho hoạt động của Hiệp hội kém hiệu quả chính là vấn đề tài chính. Trong 53 thành viên có tới 40% số thành viên tập thể chưa đóng hội phí hoặc đóng hội phí không đều, không đầy đủ. Hội viên chỉ muốn hưởng lợi nhưng quên trách nhiệm; Sự đôn đốc của thường trực chưa thường xuyên, kịp thời...
GS Trần Hồng Quân tái cử chức Chủ tịch Sáng nay, Hiệp hội đã nhất trí bầu ra ban lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ II (2012-2017). GS-TS Trần Hồng Quân tái cử chức Chủ tịch. 8 phó chủ tịch gồm các ông/bà: Trần Xuân Nhĩ, Phan Quang Trung; Lê Trường Tùng (Hiệu trưởng Trường ĐH FPT); Đỗ Hữu Tài (Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng), Lê Công Cơ (Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân), Cao Văn Phương (Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương), Bùi Trân Phương (Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen). |
- Văn Chung - Bình Trọng