- “Anh ơi! Cho em hỏi đường đến Viện mắt Trung ương đi như thế nào?” – Câu hỏi lặp đi lặp lại của người thanh niên khiếm thị hút sự chú ý của nhiều người trên phố Bà Triệu chiều 23/4. Chia tay mấy người bạn - tôi bảo: “Anh lên xe, em đưa anh qua Viện mắt”. Đi cùng mới hay - anh đến đó để tìm người yêu...


'Làm sao anh ngồi yên được'


Tên đầy đủ của anh là Đỗ Minh Tuấn (quê ở Lý Thường Kiệt, Yên Mỹ, Hưng Yên). Năm nay, Tuấn 33 tuổi. Từ lúc mới 21 tháng tuổi, anh đã phải sống trong bóng tối. Bạn gái của Tuấn là một người sáng mắt, tên là T.D, là sinh viên năm thứ năm của Đại học Y Thái Nguyên. Quê T.D ở Lục Ngạn, Bắc Giang, nhưng bố mẹ đi làm ăn ở tít tận miền Nam.

Cách đây 3 ngày, trong thời gian thực tập ở Tuyên Quang, T.D chạy xe máy đi qua một cánh đồng đang phun thuốc trừ sâu. Vô tình, gió đã tạt thẳng vào đôi mắt tinh anh của cô cái thứ chất độc ghê gớm ấy. Chiều 23/4, cô đang có mặt ở bệnh viện mắt Trung ương, với nỗi lo mù lòa cận kề.

Đến cổng Viện mắt, Tuấn liền rút điện thoại trong túi ra, ghé sát vào tai, ngón tay mò mẫm bấm phím gọi cho T.D. Cô không nghe máy. Chẳng còn cách nào khác, anh khẩn thiết “mượn” đôi mắt của tôi để nhắn tin cho cô. Anh giải thích: Cô ấy giận mình rồi, vì cô ấy bảo mình không thấy đường thì không cần đến. Cô ấy có thể tự lo được. Nhưng làm sao mình có thể làm vậy được chứ. Người yêu bị vậy làm sao mình có thể ngồi yên ở nhà được.

Nói đoạn, anh đọc to nội dung tin nhắn, còn tôi dùng điện thoại của anh nhắn tin cho T.D. "Em à! Anh đang đợi em ở cổng Viện mắt chỗ 85 Bà Triệu. Anh rất lo cho em. Lẽ nào người mù lòa không thể lo cho người sáng mắt được ư?".


Tin nhắn gửi đi. Nhưng T.D không nhắn tin lại. Anh lại bảo tôi nhắn tiếp tin thứ hai. “Em à. Lúc này anh không thể lo cho em, thì sau này khi trở thành trụ cột gia đình, anh làm sao có thể lo cho các con của chúng mình. Anh đang ở 85 Bà Triệu. Em ra với anh đi. Anh rất yêu em!” – giọng Tuấn lạc hẳn đi. Tuấn khóc. Đáp lại sự mong đợi của anh, chỉ là sự im lặng.

Tôi đưa anh qua quán nước đối diện bệnh viện mắt để chờ. Tuấn liên tục gọi vào máy T.D nhưng không được. Tôi liền lấy điện thoại của mình gọi cho T.D. Sau 3 lần mày mò, lần thứ tư, cô bắt máy. Nhưng cô bảo: Cô đang trên xe taxi. Chuẩn bị ra sân bay để vào Nam chữa mắt. Bố mẹ cô đang chờ trong đó. Cho nên không thể gặp Tuấn được. Rồi cô tắt máy.

Khi tôi truyền đạt lại những điều T.D nói, Tuấn cuống quýt bật dậy như lò xo nhờ tôi chở đuổi theo ra… sân bay. Tôi thuyết phục, rồi chở Tuấn về một nhà thờ trên trên phố Nguyễn Lương Bằng. Ngồi trên xe, anh liên tục hỏi tôi: “Đi máy bay vào Nam thì bao giờ đến nơi?”.


Anh lẩm nhẩm: “Tối nay không gọi được cho cô ấy, mình không ngủ được mất. Không biết mắt cô ấy có làm sao không? Thuốc sâu vào mắt như thế thì còn gì là mắt nữa. Nếu cô ấy mà bị như mình, thì cô ấy sẽ thế nào đây. Mình bị mù từ nhỏ thì không sao. Mình quen với cuộc sống này rồi. Nhưng bạn mình chưa quen, không may bị như thế thì bạn mình có chịu nổi không. Mình lo lắm…”


Tình yêu bắt đầu từ ...chat


Ngày 11 tháng giêng năm nay, Tuấn và T.D quen nhau qua dịch vụ chat trên điện thoại. Tuấn kể: Từ đó, T.D sợ gọi qua chat thì tốn tiền, nên gọi điện. Qua điện thoại, Tuấn cũng nói rõ luôn mình là người khiếm thị.

Trò chuyện lâu dần, Tuấn nảy sinh tình cảm lúc nào chẳng rõ. Rồi ngỏ lời yêu... Lúc đó bạn mình không trả lời vì còn đang ngại một anh làm giáo viên ở Đắc Lắc.

Cuối cùng, cô ấy gọi cho mình và nói một câu làm mình nhớ mãi: “Em có nói với anh ở Đắc Lắc là “anh có mắt, có mũi, anh là một giáo viên, anh lấy đâu cũng được vợ. Còn anh ấy là một người khiếm thị. Để mà có được một người thật lòng yêu anh ấy thì rất là khó....”.

Được T.D nhận lời yêu - Tuấn lên Trường ĐH Y Thái Nguyên gặp một nửa của mình. Tuấn nói: "từ lúc yêu nhau - T.D đã dọa bỏ mình 2 lần rồi đấy...” Rồi luôn miệng dành những lời ca ngợi: “Cô ấy can đảm hơn những người phụ nữ khác. Mình dám nói như vậy. Bởi vì không can đảm sao người ta đang yêu một người mắt sáng khỏe mạnh người ta lại bỏ để yêu người khiếm thị.”

Lần này T.D vào Nam chữa mắt, nhanh nhất 5 tháng nữa mới có thể ra Hà Nội. Tôi hỏi “Anh có sợ chị ấy sẽ không trở lại không?”. Tuấn khẳng định: "Không. Mình tin bạn mình sẽ không bao giờ bỏ mình. Người ta yêu nhau người ta tin ở nhau. Yêu nhau không tin tưởng nhau thì yêu nhau làm gì”.

“Mình tin cô ấy sẽ quay lại" - Tuấn tự tin.

Đỗ Minh Tuấn (sinh ngày 24/9/1980). Tuấn bị mù từ lúc 21 tháng tuổi. Từ lớp 6, Tuấn lên Hà Nội học ở trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Tốt nghiệp lớp 12, Tuấn dự thi vào Học viện Y học Cổ truyền dân tộc và đã đỗ. Sau khi ra trường với tấm bằng khá, Tuấn bắt đầu làm việc xoa bóp, bấm huyệt tại gia cho những người có nhu cầu. Hiện nay, Tuấn đang làm việc cho một cơ sở xoa bóp của người khiếm thị trên đường Nguyễn Lương Bằng.
  • Lương Bằng