- Không bao giờ ngủ trước 2h sáng nhưng luôn đến lớp đúng giờ. Ngày nào cũng vậy, ngoài những tiết học ở trường, thầy Hoàng Song Hào (Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật – ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội) đều “trực” Facebook từ đêm tới tờ mờ sáng vừa vẽ thiết kế cho các nhà hát vừa giải quyết mọi thắc mắc cho sinh viên xung quanh bài học. Với người thầy U60 này, Facebook là “cẩm nang giáo án”, phương tiện truyền đạt kiến thức và quản lý học trò hữu hiệu.


Chân dung thầy giáo 5x “mê” dạy học qua facebook.

“Mê” công nghệ

Nhiều người thế hệ 5x như thầy Song Hào thường ngại tiếp xúc với công nghệ, hay các thiết bị máy móc hiện đại, phức tạp nhưng thầy thì ngược lại. Kỹ thuật càng tân tiến thầy càng “mê”....

Theo thầy Hào, lúc mới bắt đầu biết đến vi tính, mọi cái đều rối tinh rối mù, phải nhờ người chỉ giúp. Càng mò mẫm, thầy càng thấy máy tính rất hay.

“Vẽ bằng máy tính không chỉ nhanh, tiện, tôi còn nuôi cả nhà bằng nghề thiết kế sân khấu. Sau đó, tôi quyết định cho con trai đi học IT rồi về dạy mình. Muốn làm sân khấu, phải học công nghệ trước vì kỹ thuật là nền tảng tốt của nghệ thuật.” – Thầy chia sẻ.

"Nắm tâm tư" qua mạng xã hội

Luôn trăn trở tìm "đường" truyền lửa đam mê cho các thế hệ học trò, thầy Song Hào có nhiều cách dạy và quản học sinh rất lạ và độc. Thầy tham gia Facebook từ khi nó là khái niệm xa lạ với rất nhiều người và xem đây là phương tiện truyền đạt kiến thức, quản lý học trò.

Đêm nào cũng như đêm nào - thầy lướt Facebook từ 19h tối tới 3h sáng. Việc lướt web ngoài trao đổi những thắc mắc của sinh viên về bài giảng - thầy tìm ra các “tụ điểm” tập trung, hội họp, bàn bạc kế hoạch xao nhãng học hành của sinh viên để “dẹp loạn”. Đặc biệt, những lúc gần mùa thi, mạng xã hội là nơi các “băng đảng” chuẩn bị “phao”, bài kiểm tra tập thể, nhờ “thầy Google” làm bài đối phó…. Mọi “đường đi, nước bước” tinh quái của học trò thầy Hào đều nắm rõ và ngăn chặn, khuyên bảo giải tán kịp thời.

Facebook: Cẩm nang giáo án

Facebook cũng là cuốn “cẩm nang giáo án” của thầy giáo U60, mọi thông tin về bài giảng như: tiểu luận mẫu, kịch bản sân khấu, maket (bản thiết kế) sân khấu, những buổi triển lãm hay, các công trình nghệ thuật tiêu biểu…. cho đến quy chế, lịch thi, danh sách sinh viên học lại, thi lại, hồ sơ sinh viên các khóa, và họp giao ban khoa đều hoạt động hết trên đó.

Tấm hình cờ thêu sai thầy Song Hào sưu tầm cho sinh viên học cách nhìn nhận, quan sát thực tế từ những điều nhỏ nhất.

Ngoài những kiến thức cần thiết, thầy Hào còn trang bị cho sinh viên những bài học cuộc sống ý nghĩa. Có khi thì thầy in lại một bài báo hay, lúc thì đưa những bức ảnh khôi hài, tếu táo để giáo dục ý thức, cách nhìn nhận cuộc sống cho sinh viên.

Gần đây nhất, khi qua phòng ban giám hiệu trường, thấy trong phòng treo chiếc cờ thêu với dòng chữ khen thưởng đơn vị dẫn đầu trong “phong tráo thi đua” năm 2011 của Bộ Văn hóa. Ngay lập tức, thầy chụp lại, đăng lên Facebook cho sinh viên xem để thấy được lỗi sai cơ bản trên chiếc cờ thêu bằng tay mà cả người thêu, người trao, người nhận không hề phát hiện ra, điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại biến một phần thưởng danh giá thành chuyện hài hước để bàn luận. Môi trường đào tạo không thể chấp nhận những sai sót về văn hóa...

"Mỹ thuật cũng vậy, rất cần quan sát, sự tinh tế và quan trọng nhất là tính chính xác trong từng chi tiết" - thầy Hào căn dặn sinh viên.

Không gây khó cho sinh viên

Theo thầy, sinh viên thời nay thông minh, năng động, cá tính hơn nên phải biết cách và đồng hành cùng họ thì mình nói trò mới nghe. Một đồng nghiệp cùng phòng và là cấp dưới đánh giá: "Hầu hết sinh viên của trường, của khoa khi nhắc tới tên thầy Song Hào vừa quý, vừa sợ bởi đó là cách quản lý “quỷ sứ” của thầy.

"Cách để sinh viên dốc bầu tâm sự là phải làm bạn với sinh viên để lắng nghe, thấu hiểu và dìu dắt chúng. Nhưng khi cần vẫn phải kiên quyết, nghiêm nghị, thậm chí khắt khe với tư cách một người thầy, người cha" - lời thầy Hào.

Rồi thầy kể: “Có rất nhiều sinh viên không nộp học phí do tiêu hết tiền hoặc hoàn cảnh khó khăn. Đến gần ngày thi, phòng tài vụ gửi danh sách xuống nếu không nộp thì không được thi. Tôi lại gọi hết chúng ra rồi đưa mỗi đứa 2 triệu lên đóng. Hoặc học trò ốm đi viện, cấp cứu nhưng không có tiền tôi toàn phải lo cho. Tôi không bao giờ gây khó dễ cho sinh viên, nhưng nếu học hành không đến nơi đến chốn tôi sẵn sàng cho trượt tốt nghiệp, không nương tay. Vừa rồi tôi mới quyết định cho 10 sinh viên dừng tốt nghiệp vì bài vở nhố nhăng, học nhưng không biết mình đang học cái gì…”

Thầy cho rằng, cuộc sống thật rất giả, cuộc sống ảo lại rất thật. Những chia sẻ, tâm sự của sinh viên trên trang cá nhân tưởng chừng là ảo nhưng lại xuất phát từ chính suy nghĩ thực của chúng. Thầy luôn lưu ý để điều chỉnh, và giúp đỡ tận tình nếu em đó gặp khó khăn, rắc rối mà chưa giải quyết được.

"Bắt" được điểm yếu của sinh viên

“Tôi thích cách giáo dục ở phương Tây, muốn tự do phải tự giác” – thầy giáo thế hệ 5X bày tỏ.

Nhận xét về phương pháp giáo dục con phổ biến ở các gia đình Việt Nam, thầy cho biết, nhiều em 12 năm ở nhà bị quản thúc chặt chẽ. Bố mẹ không chịu học mà cứ ép con học, không học được thì mắng: “Sao mày ngu thế?". Cuộc sống của chúng bị kìm nén như một chiếc lò xo, càng ép thật chặt khi thả ra càng bật mạnh khỏi quỹ đạo vốn có.

Vì thế, lên ĐH, sinh viên mới đua nhau chơi thả ga, lười học, và rất thiếu tinh thần tự giác.

Một điểm yếu nữa là học sinh hiện nay phần lớn đều chẳng hiểu gì về đất nước, về dân tộc, văn hóa. Giới trẻ hầu hết thích “vọng Tây” trong khi nền tảng xã hội chính là nguồn cội của mình thì không rõ. Có những cuốn rất đáng để đọc như “Mẫu Thượng Ngàn” và “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh nhưng có mấy người trẻ đã từng đọc nó?

“Tôi yêu cái đẹp và muốn sinh viên mình đẹp”

Thẻ sinh viên độc đáo do chính tay thầy Song Hào thiết kế.

Không chỉ cởi mở, hòa đồng, thầy trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật (ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) còn rất tâm lý với sinh viên.

Để có được những tấm thẻ đẹp mắt, ấn tượng thầy Hào đã phải bỏ tiền đầu tư một chiếc máy in lazer của Mỹ và tỉ mỉ thiết kế thẻ sinh viên cho học trò.

Nếu một số em làm mất, hỏng thẻ chỉ cần báo qua mạng là thầy in ngay, miễn phí cả vỏ bao, dây đeo chứ không phải mòn mỏi chờ đợi, xin xỏ hết thầy này, cô kia mới được cấp lại.

Thầy chia sẻ: “Tôi yêu cái đẹp và muốn sinh viên của mình đẹp. Làm thẻ phải đẹp sinh viên mới đeo, mà chụp ảnh không nhất thiết phải đứng nghiêm như chào cờ mà thoải mái tạo dáng, điệu đà một chút mới hay, giới trẻ mới thích, chỉ cần không quá lố lăng là được”.

Càng “hâm dở” càng làm nghệ thuật hay

“Rất nhiều sinh viên ngành Mỹ thuật khi chân ướt chân ráo vào trường thì ham học, nhưng đến năm thứ 2, biết vẽ một chút đã tung tẩy đi làm ăn, vẽ thuê kiếm tiền, khi bắt đầu học đến tư duy, triết học thì bỏ bê, đến năm cuối cuống cuồng tốt nghiệp nên kém, trình độ năm thứ 2 thì sao mà khá được.” – Thầy Song Hào tâm sự.

Bởi thế, thầy khuyến khích sinh viên không tụ tập, cái nghề này càng tách riêng ra càng hay, "hâm dở" càng tốt.

Theo thầy, nghệ thuật là tư duy vào trong, nghĩa là người ta khóc thì mình cười, người ta cười mình lại khóc, phải khác biệt, phải làm chủ được tình cảm của mình.

Bên cạnh sự cá tính, muốn làm nghệ thuật phải học văn hóa (cách ăn mặc, đi đứng, ứng xử…), phải trải nghiệm cuộc sống. Có nhiều em về nhà không chịu làm gì giúp đỡ bố mẹ vì sợ hỏng tay vàng búp ngọc. Nhưng thầy Hào cho rằng đó là phi nghệ thuật, càng chăm chỉ rửa bát quét nhà hay đánh dậm mò cua bắt ốc càng vẽ đẹp.

Thêm vào đó, phải “biết tuốt” nhờ quan sát thực tế, từ con kiến có mấy lông chân, con voi nặng bao nhiêu ký để vẽ, vẽ là đưa những cái cụ thể trong thực tế qua lăng kính của mình vào tác phẩm. Suy cho cùng, làm nghệ thuật đầu tiên phải học và biết thưởng thức nghệ thuật.

Dạy con phải học cách xin phép con

Mấy chục năm đứng trên bục giảng, rèn “bút nghiên” cho biết bao thế hệ học trò nhưng với thầy Hào, những kinh nghiệm đó chưa bao giờ là đủ trong việc dạy con.

Cũng như cách quản lý sinh viên của mình, thầy luôn thoải mái trong khuôn khổ với các con. Con thích học gì, thích chơi gì, đam mê môn nghệ thuật nào đều được thầy ủng hộ.

Đối với đời sống riêng tư của con, thầy luôn tôn trọng một cách tuyệt đối. Khi chúng đã đủ lớn để sống tự lập, trong môi trường riêng thì người cha, người mẹ không nhất thiết phải xen vào. Trước khi bước vào phòng con, thầy luôn phải xin phép. Đó là nguyên tắc và cũng chính là cách dạy con cách cư xử hợp lý trong cuộc sống qua tấm gương của cha mẹ.

  • Thu Thảo - Ngọc Anh (Báo mạng khóa 28, Học viện Báo chí Tuyên truyền)
  • ************************************
  • Mời các bạn chia sẻ thông tin, câu chuyện, hình ảnh về giáo dục, đời sống giới trẻ theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn