Một HS lớp 12 kiện nhà trường; trường ngoài công lập ở TP.HCM kêu cứu vì thiếu đất; Hà Nội chỉ đạo không để tái diễn cảnh xếp hàng đêm xin học; sẽ kiểm định riêng trường ngoài công lập...là những thông tin giáo dục nổi bật hôm nay.

Trò kiện trường

Cho rằng mình bị đuổi học oan, Hiếu khởi kiện quyết định đuổi học của nhà trường (Ảnh: Khắc Lịch, Bee.net.vn).

Ngày 26/4, TAND TP Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết đã nhận được đơn khởi kiện của em Lê Trọng Hiếu, học sinh lớp 12B3, Trường THPT Yersin Đà Lạt vì vừa bị nhà trường đuổi học 1 năm. Cho rằng, bị nhà trường đuổi học 1 năm là trái với thông tư số 08/TT ngày 21/3/1998 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật đối với học sinh của các trường phổ thông. Học sinh Lê Trọng Hiếu đã làm đơn khởi kiện quyết định đuổi học 1 năm của hiệu trưởng trường THPT Yersin Đà Lạt đối với em trên lên TAND TP Đà Lạt.Thông tin trên báo điện tử Kiến thức.
 

Không để tái diễn cảnh xếp hàng đêm xin học
 

Trang điện tử của báo Nhân dân ngày 26/4 thông tin: UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo công tác tuyển sinh đầu cấp. Thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Ðào tạo và các quận, huyện tổ chức phân tuyến hợp lý, thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh; không để phát sinh điểm bức xúc, nhất là không để xảy ra tình trạng phụ huynh phải xếp hàng qua đêm để xin học cho con em.
 

Trường ngoài công lập xin đất
 

Ngày 26-4, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức hội nghị các trường THPT ngoài công lập. Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục có cuộc bàn thảo dành riêng cho Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), hiệu trưởng các trường nhằm nhìn nhận, phân tích những đòi hỏi và yêu cầu bức thiết của hệ thống các trường ngoài công lập.
 

Theo Sở GD-ĐT TPHCM trong tổng số 85 trường ngoài công lập (chiếm 47% các trường phổ thông tại TPHCM) thì bên cạnh một số trường xây mới đạt chuẩn, vẫn còn nhiều trường ở trong hoàn cảnh tạm bợ thuê mướn. Thậm chí có trường thành lập đã 20 năm nay nhưng vẫn chưa làm đúng cam kết ban đầu. Trong khi đó, khi thành lập, phần lớn các trường đều đưa ra một đề án “hoành tráng” cam kết bảo đảm chất lượng với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên có trình độ cao.
 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong vòng 5 năm, các trường phải xây dựng cơ sở vật chất tương ứng với quy mô, như đề án ban đầu. Trong khi đó lãnh đạo các trường ngoài công lập lại than thở vì quy hoạch không có quỹ đất cho trường mình. Nội dung thông tin vừa được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải phóng.
 

Mầm non ngoài công lập nhận trẻ gấp 3 lần quy định
 

Liên quan đến cuộc họp ngày 26/4, thông tin trên báo Thanh Niên bổ sung: "Hiện có tình trạng chủ cơ sở giáo dục sai phạm bị đóng cửa trường ở quận này chạy sang quận khác đăng ký mở trường mới. Đặc biệt, vì lợi nhuận chủ nhiều nhóm trẻ nhận học sinh nhiều hơn từ 3-4 lần so với quy định. Quy định không nuôi giữ quá 60 cháu/nhóm nhưng nhiều nhóm có tới 200-250 cháu trong khi điều kiện cơ sở vật chất không đủ..."
 

Dồn sức cho HS yếu trước thi tốt nghiệp THPT
 

Bài viêt trên báo Tuổi trẻ cho hay: Chỉ còn một tháng nữa học sinh (HS) lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mọi nỗ lực của các trường được dồn lên HS trung bình và yếu nhằm “thay đổi cục diện”, giảm tỉ lệ rớt tốt nghiệp tối đa. Ngoài kèm sát HS bằng phương pháp nhắn tin, chat, trò chuyện..., các hình thức truyền thống khác như thi thử, vấn đáp cũng được áp dụng triệt để nhằm vực dậy HS yếu.
 

Hiệu trưởng một trường THPT tại Bình Tân, TP.HCM có tới 30% HS yếu tâm tư: “Giá như công tác phân luồng tốt hơn để những em không có lực học tìm được hướng đi đúng cho mình ở các trường nghề. Tránh tình trạng mỗi năm trường phổ thông nhận thêm hàng trăm HS nhưng có những em không học nổi, bỏ học, rớt tốt nghiệp. Trong khi đó, áp lực từ trên xuống luôn đặt nhà trường vào tình thế phải hạn chế tối đa số rớt tốt nghiệp. Ai cũng mong con em ở địa phương mình có một tương lai tốt đẹp hơn nên thầy cô cũng cố gắng rất vất vả, nhưng hiệu quả thì... hên xui”.
 

Chuẩn chung hay chuẩn riêng?
 

Báo Lao động dẫn lời ông Trần Hồng Quân - Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập cho biết sắp tới hiệp hội sẽ tập trung hỗ trợ các trường ngoài công lập thực hiện công tác kiểm định chất lượng trong hệ thống.
 

Cũng ủng hộ, song còn e dè hơn, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Quốc tế Hồng Bàng - ông Nguyễn Mạnh Hùng - cho rằng: “Đây là một ý tưởng đẹp. Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm thực tế chỉ chừng chưa đầy 30 năm của khối trường NCL hiện nay, thì thực lực chưa thể xây dựng được một chuẩn riêng cho mình. “Có chăng, chúng ta phải tác động để chuẩn chung của hệ thống giáo dục quốc dân được xây dựng hoàn tất nhanh hơn, để từ đó khối trường NCL “nương theo” cùng phấn đấu. 
 

Theo ông Hùng, thời điểm để ý tưởng này được xem là “chín muồi” thì còn phải chờ ít nhất 20 năm nữa.

Học sinh nghỉ lễ 4 ngày

Ngày 25-4, Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo kế hoạch nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cho cán bộ, giáo viên và HS trên địa bàn TP. Cụ thể, đối với các đơn vị, trường học được nghỉ cuối tuần vào thứ bảy, chủ nhật, cán bộ, giáo viên, HS được nghỉ 4 ngày (từ ngày 28-4 đến hết ngày 1-5). Đối với các đơn vị, trường học chỉ được nghỉ cuối tuần vào ngày chủ nhật thì được nghỉ 3 ngày (từ ngày 29-4 đến hết ngày 1-5), tin trên báo Hà Nội mới.

Giáo dục liêm sỉ cho công chức

Cũng trong ngày hôm nay có một thông tin liên quan tới giáo dục, nhưng là "giáo dục liêm sỉ cho công chức". Trả lời trên báo điện tử Kiến thức, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ quan điêm: "Tôi nghĩ rằng người tốt vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, kẻ vô liêm sỉ cũng không ít, đáng lo nhất trong số đó có một bộ phận có chức quyền.


Nó dẫn đến một xã hội thiếu đi sự văn minh, công bằng và minh bạch. Cho nên cần phải giáo dục tính liêm sỉ cho mọi người. Phải giáo dục từ trong nhà trường, phải làm thường xuyên. Trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thì người đứng đầu phải nêu gương. Người làm công vụ phải có liêm sỉ trước tiên. Muốn vậy thì phải làm tốt từ khâu tuyển chọn cán bộ, viên chức". Theo ông Hùng: "Khó đấy nhưng không có nghĩa là không làm được".


P.Đăng (tổng hợp)