Câu chuyện cá nhân của bé Kiệt (9 tuổi) và cha nuôi của cậu - người bạn của gia đình Kiệt - thu hút những ý kiến quan tâm của đông đảo độc giả.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
Trò chuyện với cậu bé 9 tuổi không đến trường
Trò chuyện với bố nuôi cậu bé 9 tuổi không đến trường

Trước những quan điểm được cho là "không thuận chiều" với giáo dục nước nhà, kiến trúc sư Phó Đức Tùng nói giản dị, anh không cần tìm sự chia sẻ vì  không làm nghề giáo dục nên cũng không có nghĩa vụ và quyền hạn gì để bàn về vấn đề này. "Tôi cũng chẳng cần bảo vệ quan điểm của tôi và không có tham vọng thay đổi nền giáo dục Việt Nam. Với giả thiết nếu có quyền trong ngành giáo dục, anh nói không cần thay đổi độ tuổi đến trường mà cái cần phải là sự đa dạng về nội dung chương trình. Quan trọng là phải có sự lựa chọn, trong đó có cả sự lựa chọn không phải đến trường đúng độ tuổi.

Đã có nhiều thảo luận khác nhau xoay quanh quan niệm mang tính chất cá nhân của vị kiến trúc sư từng học kinh tế, kiến trúc, triết học tại Đức này.
Loại hình "học tại nhà" khá phổ biến ở một số nước châu Âu, châu Mỹ và Úc (Ảnh: sưu tầm)

Bao giờ giáo dục của ta mới vượt qua được chính mình?

Họ tên: Hoàng Dũng
Tiêu đề: Bài viết hay quá

Tôi thấy quan điểm của anh Vũ Tuấn Kiệt hay quá. Giá như nền giáo dục Việt Nam có những con người như anh thì đất nước này sẽ khác hẳn. Chỉ tiếc rằng những người làm công tác trong ngành giáo dục Việt Nam lại thiếu đi cái tầm nhìn như vậy. Những điều anh đưa ra luôn đúng từ khi có ánh bình minh của nhân loại. Đây có thể xem là chân lý. Giáo dục là cách mà một con người tự hoàn thiện mình chứ ko phải do kẻ khác áp đặt vào con người.

Họ tên: Hoàng Hà
Tiêu đề: Nói đúng

"Tôi thấy giáo dục ở nhà trường là vô ích", nghe thì có vẻ nặng lời nhưng có vẻ cũng không sai: mười hai năm học phổ thông học sinh không thể nghe nói đọc viết được ngoại ngữ, văn học bỗng hóa thành môn học thuộc lòng, luật giao thông được học thường xuyên để rồi mọi người từ bé đến lớn cứ cố tình vi phạm, và trên hết là vấn nạn học thêm - bởi giờ học ở nhà trường là không đủ (?!). Bao giờ giáo dục của ta mới vượt qua được chính mình?

Nguyen Van Nhan
Tiêu đề: Thực tế là đây

Tôi thấy bài này phản ánh đúng thực trạng giáo dục hiện nay. Ngành giáo dục nên thay đổi. Trẻ con chủ yếu là vui chơi thôi. Đằng này, bắt chúng học nhiều. Phải chăng các thầy cô vì tiền mà dạy học trước?

Họ tên: Huy
Tiêu đề: Nhiều điều hay

Nhiều điều hay, riêng tôi thích cái này: "Đa số mọi người nghĩ rằng kiến thức của mình rất quan trọng, có cơ hội để áp đặt cho ai thì áp đặt ngay." Trong tiếng Việt, áp đặt có ngụ ý ngu xuẩn.

Họ tên: Ngoc Quang
Tiêu đề: Tôi thích cách nghĩ của anh

Gửi anh Tùng! Tôi đồng tình với cách nghĩ của anh về giáo dục, mặc dù ở đâu đó hơi cực đoan. Giáo dục theo cách hiện tại là "phổ thông", nghĩa là áp dụng cho số đông trong xã hội. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh khác nhau cần có cách riêng cho phù hợp. Điều quan trọng là phát huy được cái tiềm năng, cái bản năng sống còn, bản năng sáng tạo và đam mê trong mỗi con người. Nhồi nhét kiến thức cũng chả giải quyết được vấn đề. Nếu cần tìm hiểu gì đó, đã có thầy "Google", cung cấp cho bạn kiến thức ở nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh để bạn tự đánh giá (còn tốt hơn là chỉ có một luồng kiến thức từ người thầy). Cảm ơn anh!

Họ tên: Sang
Tiêu đề: Hãy bình tĩnh

Tôi rất bình tĩnh để nói rằng nền giáo dục nước nhà hàng năm tạo ra khá nhiều phế phẩm. Hãy làm một cuộc khảo sát nho nhỏ về thanh thiếu niên thì khắc biết.
Tôi rất bình tĩnh để nói rằng cũng chỉ muốn tìm một nơi tốt hơn cho con em mình được giáo dục và phát triển nhưng lực bất tòng tâm.
Tôi rất bình tĩnh để chia sẻ với anh Tùng về sự hủy diệt tâm hồn và ước vọng của em vì nền giao dục nhồi nhét hiện nay. Ai cũng hiểu mà không chống lại được.

Họ tên: olo
Tiêu đề: Ủng hộ bác Tùng 2 tay


Các ý kiến phản đối cho thấy đầu óc các bác còn quá cổ hủ và không quan tâm đúng mực đến con trẻ, không biết chúng cần gì, nghĩ gì, không biết cách định hướng đúng đắn mà chỉ biết áp đặt theo quy chuẩn chung, mọi người sao thì ta làm vậy. Nếu cần kỷ luật thì cho chúng tham gia quân đội ấy, rồi muốn nhồi gì thì nhồi.

Họ tên: dothihanh
Tiêu đề: Chia sẻ thông tin


Phẩm chất và tính cách và trí tuệ cũng như năng lực con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, việc học chỉ giúp một phần. Vậy nên tùy theo quan điểm và nhận thức và hoàn cảnh mà tạo điều kiện cho con được phát triển và được tự do hạnh phúc.

Họ tên: Nam
Tiêu đề: Khách quan

Khách quan mà nói, anh Tùng cũng có cái lý lẽ đúng, nhưng vì là anh đang ở Việt Nam với thực trạng của một nền giáo dục - thực trạng chỉ nói mà không biết làm. Nếu anh ở một nước có nền giáo dục phát triển thì tôi tin chắc sẽ không phát biểu như vậy.

Họ tên: Thu Le
Tiêu đề: Đây đúng là sự khuyết điểm giáo dục phổ thông


90% kiến thức phổ thông hiện tại là kiến thức thiên về não trái (những môn học địa lý, toán, hóa, ngoại ngữ, kỹ thuật...). Nên những đứa trẻ phát triển não phải (năng kiếu về âm nhạc, hội họa, sáng tạo,mơ mộng,tưởng tượng...) thì cho là ngu ngốc, chậm tiêu, thiếu khả năng tập trung...Dần dần sẽ tạo cho những đứa trẻ suy nghĩ nó đúng là như vậy. Nếu ai cũng được như gia đình Kiệt thì giúp cho cháu thoải mái và phát huy khả năng của cháu. Tôi cũng giống như anh Tùng thì không hoàn toàn nói giáo dục phổ thông là không tốt nhưng nên dạy ý thức và khơi dậy niềm đam mê cho học sinh thì hiệu quả hơn là áp đặt.

"Cái ta cần là kỷ luật"

Họ tên: Nguyễn Huy Thông
Tiêu đề: Tôi phản đối

Trước tiên, tôi đồng ý với quan điểm của anh ở khía cạnh: nhà trường dạy nhiều cái không thực tế. Nhưng tôi không đồng tình với phần lớn bài phỏng vấn của anh. Xin hỏi anh đã biết mình thích, cần gì và tương lai hướng tới đâu chưa? Tại sao anh bắt 1 đứa bé 9 tuổi phải biết nó cần gì? Thứ 2 xin hỏi anh trẻ thích đi chơi hơn HAY HỌC hơn, và cuối cùng nhà trường dù xấu nhưng cũng là nơi tốt nhất cung cấp cho trẻ một kiến thức toàn diện về tự nhiên và xã hội. Kiệt sẽ thế nào trong 10 năm nữa nếu cứ như hiện nay?

Họ tên: Nguyễn Duy
Tiêu đề: Cái ta cần là kỷ luật

Việc cho trẻ đến trường là việc tạo thói quen học tập cho chúng. Như một võ sinh thường ngày luyện tập một bài quyền, khi đánh nhau thì tiện tay vung ra. Học cũng vậy, một đứa trẻ không đến trường, không ai gò ép rất dễ phát triển lệch hoặc không có thói quen học. Chúng ta cần tạo cho trẻ thói quen học, hứng thú với kiến thức và chủ động trong công việc mà không phải định ra một đống cái ta thấy có ý nghĩa rồi nhồi vào đầu chúng. Nhà trường nên là nơi hướng dẫn học sinh cách tự lập, sống có kỷ luật trong học tập và sinh hoạt. Cái gì ép quá cũng sẽ phản tác dụng, nhất là đạo đức con người ngày càng xói mòn trong hiện đại.

Họ tên: Vũ Tiến Long
Tiêu đề: Phiến diện

Tùng đã từng học ở Đức thì phải biết rằng trẻ em ở Đức phải đến trường học. Nếu trẻ không đi học thì bố mẹ (người có nghĩa vụ nuôi dưỡng) sẽ bị phạt nặng đấy. Đừng nói và viết những điều phiến diện khi chưa hiểu rõ và nắm chắc về cuộc sống xã hội của nước khác.

Họ tên: Thắng
Tiêu đề: Kiệt còn có tiến sĩ Tùng còn con tôi thì không

Tôi chỉ chấp nhận ở chi tiết là giáo dục của chúng ta chưa tốt nhưng nếu ai đó so sánh với Đức, Mỹ, hay nhưng nước phát triển là quá khập khuyễn cũng như Kiệt còn có tiến sĩ Tùng dạy chứ con tôi thì không có người để trông nói gì tới dạy ở nhà cho có tốt hơn đến trương không ?!

Họ tên: Anh
Tiêu đề: Tôi phản đối

Không biết ông bố bà mẹ nào mà sống thiếu trách nhiệm với con cái thế nhỉ? Cả xã hội hiện đại lẫn xã hội chưa phát triển, đang phát triển đều cho trẻ đến trường để phát triển khả năng, kỹ năng, hội hoạ, ca hát ...chỉ tô điểm cho cuộc sống mà thôi, con người cần có 1 lượng kiến thức nhất định giống như xây nhà phải có móng. Bản thân "bác Tùng" chưa phải là một vĩ nhân để có thể làm thay đổi thế giới. Tôi phản đối việc này kịch liệt.

Họ tên: Dương Nam Việt
Tiêu đề: Ông thầy của Kiệt khiếm khuyết về nhận thức


Hãy nhìn nhận nhà trường là một xã hội thu nhỏ. Ông thầy của bé Kiệt cũng khiếm khuyết khi nhìn nhận nhà trường là để dạy "chữ" đơn thuần! Tôi đồng ý giáo dục hiện nay của chúng ta có quá nhiều vấn đề. Điều này không có nghĩa ông thầy của Kiệt có thể thay nhà trường vì ông ta không thể là một "xã hội thu nhỏ". Đổi mới toàn diện nhà trường.     
    
Họ tên: Duy Tuấn
Tiêu đề: Có nên nói thế không?


Tôi cho rằng quan điểm của Tiến sĩ Tùng đại diện cho quá ít người. Đành rằng giáo dục của ta có vấn đề nhưng xã hội nào cũng thế trẻ cần phải được đi học ở đó chúng có được kiến thức tổng hợp, có mối quan hệ xã hội chứ không thể để trẻ sống với vài người được, sau này ra đời chúng biết sống ra sao liệu có hoà nhập nổi không?

Họ tên: Đào Anh Dũng
Tiêu đề: Học ở nhà là bất thường hay bình thường?


Chẳng phải ngẫu nhiên khi chuyện “học mà chơi, chơi mà học” của bé Kiệt và anh Đức Tùng lại thu hút sự quan tâm và bình luận của đông đảo độc giả. Mừng vì còn những trăn trở trước khó khăn chung, nhưng tất nhiên phải lo, lo hơn nữa bởi thực trạng giáo dục vẫn ảm đạm, thậm chí trở thành bó buộc, gánh nặng hoặc nỗi ám ảnh với không ít người.

Quan điểm của anh Đức Tùng không phải “xưa nay chưa từng thấy”, bởi “độc lập, tự do” vốn là mong ước chung của nhân loại. Chẳng hạn trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” có mục tiêu “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Hay như trong “Hệ tư tưởng Đức” của K.Marx và F.Engels lại có hình dung về một xã hội “trong đó không ai bị hạn chế trong một phạm vi hoạt động độc chuyên, mà mỗi người đều có thể tự hoàn thiện mình trong bất kỳ lĩnh vực nào thích,…, thành thử tôi có khả năng hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, buổi sáng đi săn, quá trưa đi đánh cá, buổi chiều chăn nuôi, sau bữa cơm thì làm việc phê phán, tùy theo sở thích của tôi mà chẳng bao giờ trở thành người đi săn, người đánh cá, người chăn nuôi hoặc nhà phê phán.”. Nhưng rõ ràng hơn cả, trực tiếp hơn cả thì lựa chọn của anh Đức Tùng nằm trọn trong “Emile: hay là bàn về giáo dục” của J.J.Rousseau.

Lựa chọn này gặp phải khá nhiều sự phản đối, mà theo tác giả bài viết là vì anh Đức Tùng đang cố gắng thực hành, thử nghiệm một phương pháp giáo dục lý tưởng tới mức đóng vai trò như là đích đến; còn những người không đồng tình lại nhấn mạnh cái thực tế đòi hỏi một kỷ luật (hay pháp quyền) của thời đại ngày nay, với tư cách là đường dẫn buộc phải qua. Nói cách khác, anh bị phê phán vì “đốt cháy giai đoạn”, vì theo thuyết “không tưởng”.

Anh thắc mắc “Xã hội thị trường dựa trên mong muốn của bản thân cá nhân mới đi lên được. Ai cũng bị triệt tiêu ý muốn của bản thân thì xã hội đi lên bằng cách nào?”, và anh bức xúc “người ta chạy theo cái đơn giản nhất là tiền, lao vào kiếm tiền một cách mù quáng, bằng mọi giá.”. Ở đây, anh đã quên một thực tế rằng bên cạnh thị trường còn có luật pháp, có sức mạnh cưỡng bức của quân đội và cảnh sát; rằng cả loài người đang phải đội chiếc vòng kim cô do chính mình tạo ra. Anh tán đồng quan niệm “Nhân chi sơ tính bản thiện” của Mạnh Tử, chẳng ngờ là không chỉ cái tốt, cái đẹp mà cả cái ác, cái xấu cũng có mong muốn, ý chí của nó.

Trong xã hội này, bản thân anh Đức Tùng, gia đình anh, và bé Kiệt cũng không thể tồn tại (chứ chưa kể phát triển tự do, đi du lịch Hội An và tắm biển thỏa thích) nếu thiếu… tiền! Và đấy lại là một sự thật “phũ phàng” nữa mà anh chưa tính đến hoặc thi vị hóa vấn đề một cách ngây thơ, vội vàng. Nhiều người trách anh không thử đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn của họ, bởi sống trong nhà cao cửa rộng thường nghĩ khác với sống ở nhà tranh vách đất. Trách vậy cũng thỏa đáng lắm chứ?!

Thực ra, quá trình phát triển về ý thức của nhân loại có thể chia thành ba giai đoạn từ trình độ thấp lên trình độ cao: tùy tiện (hoang dại, vô tổ chức), rồi tự do (trong khuôn khổ pháp luật) và tự giác (pháp luật trở thành thừa thãi). Tuyệt đại đa số chúng ta mới qua giai đoạn đầu, vẫn chậm chạp ở giai đoạn thứ hai.

Thử nghiệm phương pháp giáo dục thuần túy cá nhân của anh Đức Tùng (như chính anh thừa nhận) có thể nói là bình thường về mục tiêu, chỉ bất thường về đường lối. Tác giả bài viết hy vọng nó sẽ tiến tới giai đoạn thứ ba chứ không phải quay về giai đoạn đầu (bởi ranh giới giữa chúng rất mong manh). Dẫu sao, bé Kiệt có thể còn nhỏ nhưng anh Đức Tùng thì đã lớn rồi!

Họ tên: Hồng Anh
Tiêu đề: Mỗi gia đình tự quyết định


Cách nhìn và phương pháp giáo dục của anh Tùng nhìn chung có nhiều điểm hay. Tuy nhiên chưa thể phù hợp với nước ta hiện nay. Nếu các bậc phụ huynh ai đó quen với anh Tùng hoặc một người như anh Tùng thì có thể gửi gắm con mình như gia đình cháu Kiệt. Số này chắc không nhiều. Về cơ bản, chúng ta thống nhất với nhau rằng giáo dục ở nước ta đã và đang có vấn đề về phương pháp, mục tiêu, chất lượng và công nghệ. Trong ngành giáo dục không phải mọi người không biết về sự tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên, phải nói rằng thay đổi tư duy không phải chỉ ở một người, một trường hay một bộ mà phải là hầu hết xã hội.

Họ tên: Nguyễn Thanh
Tiêu đề: Qủa bóng đã vào chân ngành giáo dục

Việc tiến sĩ Tùng đề cập thao tôi là một vấn đề mới và rất quan trọng . Tôi chưa khẳng định là đúng hay sai , nhưng khi mà một sự việc đã nêu lên công luận rồi thì rất cần những phản biện , nhất là từ những chuyên gia hoặc những vị có trách nhiệm tầm cỡ ngành giáo dục bày tỏ thái độ để hướng dẫn công luận .Quả bóng đã vào chân ngành giáo dục rồi đấy!    

  • Phong Vân (tổng hợp)