Các sinh viên và giảng viên của ĐH Kookmin, Hàn Quốc – trung tâm của vụ bê bối đạo văn liên quan tới 2 nhà lập pháp mới đắc cử - đã cùng các chính trị gia phe đối lập yêu cầu các nhà lập pháp từ chức sau khi bị phát hiện sao chép tài liệu trong luận án tiến sĩ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Nhà lập pháp mới đắc cử Moon Dae-sung, người đã từng đoạt huy chương vàng Olympic môn taekwondo, đã bị buộc phải từ bỏ vị trí trong đảng cầm quyền Saenuri hồi cuối tháng 4 sau khi trường ĐH Kookmin xác nhận ông đã đạo văn trong luận án của mình.

Nhà lập pháp Moon Dae-sung – người từng đoạt huy chương vàng Olympic môn taekwondo đang phải đối mặt với nghi án đạo văn luận án tiến sĩ

“Người ta cho rằng ông Moon không đủ tư cách là một nhà lập pháp sau sự dối trá của ông. Các nhà chính trị nói dối, sao chép tài liệu và lừa dối người dân không nên trở thành thành viên trong quốc hội”- ông Pak Yong-jin, phát ngôn viên của Đảng đối lập Liên minh Dân chủ (DUP) nhận định. Đảng này cũng chính là người đang yêu cầu ông Moon phải rời khỏi Quốc hội.

Trường hợp này đang được ví như vụ việc của Pál Schmitt – một thành viên trong Ủy ban Olympic quốc tế bị buộc phải từ chức Tổng thống Hungary sau khi bị tước bằng tiến sĩ do đạo văn.

Tháng trước, ông Moon đã từ bỏ vị trí phó giáo sư môn taekwondo trường ĐH Dong-A, Busan. Tuy nhiên, ông tiếp tục giữ lại chiếc ghế mà ông có được trong Quốc hội – cơ quan sẽ họp lần đầu tiên sau các cuộc bầu cử ngày 30/5.

Các phương tiện truyền thông trong nước cho biết trước khi có bất cứ hành động nào liên quan tới chiếc ghế của ông trong Quốc hội, ông sẽ phải đợi báo cáo từ Ủy ban Đạo đức của ĐH Kookmin. Ủy ban này dự kiến sẽ hoàn tất một cuộc điều tra kĩ lưỡng về trường hợp đạo văn của ông trong 3 tới 4 tháng.

Năm 2007, sau sự ầm ĩ trong vụ gian lận dữ liệu của nhà nghiên cứu tế bào gốc Hwang Woo-suk, ĐH Seoul và trường hợp đạo văn của các lãnh đạo cấp cao khác, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã soạn thảo hướng dẫn bắt buộc chống lại những hành vi sai trái trong nghiên cứu, bao gồm cả đạo văn.

Bộ này cho biết các trường hợp đạo văn sẽ được Bộ xử lý thông qua một ủy ban điều tra bao gồm cả những thành viên ngoài Bộ.

Tuy nhiên, ĐH Kookmin cho biết trong một cuộc họp báo ngày 20/4 rằng ủy ban đạo đức “đã đi đến một kết luận chưa dứt khoát rằng phần lớn luận án của ông Moon là kết quả của đạo văn”.

“Chủ đề và mục đích trong nghiên cứu của ông Moon cũng giống như luận văn của một sinh viên Cao đẳng Myongji” – giáo sư Lee Chae-sung của ủy ban này cho hay.

“Sự giống nhau đã vượt qua phạm vi được chấp nhận. Chúng tôi kết luận đó là đạo văn” – ông nói.

Ông Moon bắt đầu làm việc ở ĐH Dong-A năm 2005 trước khi nhận học vi tiến sĩ năm 2007. Tuy vậy, trường này cho biết họ cũng đang xem xét các cáo buộc cho rằng dữ liệu trong luận án Thạc sĩ của ông có thể có những phần ăn cắp – hãng thông tấn Yonhap cho hay.

Nghiêm trọng hơn, sự từ chức của ông Moon trong Đảng Saenuri đã khiến Đảng này chỉ còn 150 ghế trong tổng số 300 ghế - thiếu một ghế để trở thành đa số ghế trong Quốc hội. Điều này có thể làm hỏng cuộc bầu cử Tổng thống của Đảng này vào cuối năm nay.

Ông Moon cho biết trong một tuyên bố báo chí hồi tháng trước khi ông đang rút khỏi Đảng này: “Tôi không nên trở thành nguồn gốc của sự mất lòng tin đang ngày càng tăng của người dân đối với chính trị, cũng không nên trở thành một gánh nặng trong công cuộc cải cách và những nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống của Đảng Saenuri”.

Trong khi đó, một Tiến sĩ khác cũng từ ĐH Kookmin vừa đắc cử vào Quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 11/4 Yeom Dong-yeol cũng đang bị cáo buộc đạo văn trong luận án của mình. Ông Yeom bị cho là đã sao chép tài liệu của sinh viên được tải từ một trang web với giá 1.000 won (0,88 USD).

Jeffrey White – người dạy đạo đức tại Viện Khoa học và Công nghệ cấp cao Hàn Quốc nhận định trong một chương trình phát thanh địa phương bằng tiếng Anh hôm 2/5: “Thật đáng buồn, chính những nhà lãnh đạo hàng đầu lại là những người gian dối nhiều hơn”. Bà White nói thêm rằng ông Moon nên từ bỏ chiếc ghế trong Quốc hội.

Một trường hợp quan chức gian lận khác là cựu Bộ trưởng Giáo dục Kim Byong-joon. Ông bị buộc từ chức năm 2006 do đạo văn trong một tài liệu được viết tại ĐH Kookmin. Năm 2007, Hiệu trưởng ĐH Hàn Quốc – ông Lee Phil-Sang cũng phải từ chức vì đạo văn.

Trường hợp của ông Moon được cho là bị phanh phui nhờ sự tố giác mang động cơ chính trị. Điều này khiến một số trường đại học nước này bị chỉ trích khi không kiểm tra cẩn thận các luận án và tài liệu.

  • Nguyễn Thảo (Theo UniversityWorldNews)