- Để có được chức tổ phó, một cô bé lớp 1 đã bỏ ra 2.000 đồng để mua lại của cậu bé. Còn cậu bé thì ngây ngô nhận và sẵn sàng nhường lại chức đó của cô bạn cùng lớp.
Anh bạn tôi trong một buổi “trà dư tửu hậu” đã kể cho mọi người nghe câu chuyện mà mới nghe tưởng là đùa nhưng là sự thật 100%. Chuyện là, một hôm, vợ anh, khi chuẩn bị đem quần của cậu con trai lớp 1 đi giặt, đã phát hiện trong túi quần của cháu có tờ tiền 2.000.
Bình thường ba mẹ không cho cháu tiền, dù là 500 đồng, vậy mà không hiểu sao trong túi lại có đến những 2.000 đồng!? Thấy lạ, ba cháu mới hỏi thì cháu cũng rất vô tư “khai” hết.
"Nhân chi sơ tính bản thiện...". (Ảnh minh họa: Bảo Anh) |
Nguyên do xuất hiện của tờ 2.000 kia là của một bạn gái trong lớp “lót tay” để cậu “nhường”chức… tổ phó cho cô bé. Ở lớp của cháu có quy định là, sẽ luân phiên làm tổ trưởng, tổ phó. Sắp đến lượt cậu con trai bạn tôi được làm tổ phó, cô bạn học kia mới dùng tiền để “mua” cái chức đó của cậu con trai mà đáng lý ra cu cậu sẽ được đảm nhận. Là trẻ con nên còn vô tư, được cho tiền, dù chỉ 2.000 đồng nhưng cu cậu đồng ý “nhường” chức ngay cho cô bé.
Vậy đó, mới có lớp 1 mà đã có tình trạng chạy chức” như vậy rồi! Trong trường hợp này, những ai có trách nhiệm về tương lai con em mình không thể bàng quan được. Ở đây vai trò của các bậc phụ huynh có ảnh hưởng rất lớn, nếu không có người lớn “làm gương” thì các em khó biết được cách “chạy” đó.
Ngoài ra, cũng phải tính đến một phần trách nhiệm của giáo viên khi đồng ý cho cháu gái kia được làm tổ phó trong khi đáng ra là đến lượt cậu học trò kia, hoặc ít ra cũng phải tìm ra nguyên nhân của sự “nhường nhịn” đó để kịp uốn nắn, răn đe, giáo dục các em.
Nêu lên câu chuyện có thật kia để thấy rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”... Trẻ em như tờ giấy trắng nhưng nêu người lớn vô tình để con cháu nhiễm thói xấu từ nhỏ mà không quan tâm, uốn nắn thì sau này lớn lên sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lượng và khi đó, muốn giáo giáo dục thì đã muộn.
Diệp Dân Hùng (VP UBND TP Đà Nẵng)