|
HS trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1. TP.HCM đang tìm cách giải quyết bài toán khó là đạt mục tiêu chất lượng các trường tiểu học đồng đều nhau. Ảnh minh họa: Hương Giang |
“Chạy” vào lớp 1 vì nhiều lý do
Đua vào trường tốt không chỉ dành cho cư dân có hộ khẩu lâu đời ở TP.HCM mà còn là cái đích nhắm đến của những người nhập cư vào TP.HCM từ những thành phố lớn khác.
Có kế hoạch chuyển từ Hà Nội và TP.HCM sinh sống năm nay, chị Bạch Hà đã lo chuyện hộ khẩu từ hai năm trước. Không có họ hàng, chị phải xin nhập hộ khẩu vào nhà một người quen và tốn một khoản chi phí không nhỏ. Chị Hà bật mí, để được đồng ý cho nhập hộ khẩu nhờ là điều không dễ dàng, cái giá cho nhập nhờ hộ khẩu tùy theo mức độ thân quen mà cao hay thấp, “cỡ vài chục triệu là chuyện thường”.
Tuy nhiên, theo chị Hà, đó vẫn là cái giá rẻ so với việc con chị sẽ có hộ khẩu để con đi học ở trường tốt nhất trong quận. Cuộc đua vào trường tốt của quận, nghe nói người ta còn mất hàng chục triệu, đằng này chị vừa có hộ khẩu, con vừa được học trường tốt thì vài chục triệu vẫn là rẻ!
Chị Thanh Thảo có hộ khẩu ở quận Gò Vấp nhưng lại tạm trú ở quận Phú Nhuận. Theo quy định, với tuyển sinh lớp 1, các em có hộ khẩu thường trú ở quận, huyện nào thì sẽ được mời ra lớp theo quận, huyện đó. Chị Thảo than phiền: “Năm nay đưa con vào học lớp 1 để học theo đúng tuyến thì phải mất 20 km mỗi ngày đưa đón con đi học từ Phú Nhuận đến Gò Vấp. Giá mà “chạy” cho con đi học ở quận Phú Nhuận thì mất bao nhiêu tôi cũng chịu, nhưng không quen biết ai thì đành phải chấp nhận”.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền và vận động đủ mọi mối quan hệ cho con học trường mà họ mong muốn, không phải vì lý do trường tốt mà để học gần nhà, do hộ khẩu một nơi, sinh sống và làm việc một nẻo. Đây vẫn là một bài toán khó với ngành giáo dục TP.HCM. Việc quy định học đúng theo hộ khẩu chỉ là biện pháp dễ thực hiện chứ chưa hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.
Những “đại gia” lắm tiền thì luôn mơ ước cho con học ở quận 1, với hai trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Ngọc Hân là hai điểm ngắm không thể bỏ qua. Tuy nhiên, nhiều đại gia cũng thất bại trong việc xin học vì không phải cứ có tiền là xin được, bởi những “suất đặc biệt” của mỗi “trường điểm” là một con số rất hạn chế.
Với nhiều “đại gia”, mặc dù có tiền cho con học trường quốc tế, nhưng họ không mặn mà lắm với loại trường này vì con sẽ không giỏi tiếng Việt. Hơn nữa, các “trường điểm” (uy tín do phụ huynh tự đánh giá) ở các quận thì được các phụ huynh truyền nhau rằng chất lượng hơn hẳn, giáo viên giỏi, cơ sở vật chất khang trang, dạy tiếng Anh tốt, trong khi đó, các trường khác thì cơ sở vật chất nhiều nơi xập xệ, giáo viên không giỏi, thành tích thi cử kém hơn.
Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, ông đang chú trọng đến việc bồi dưỡng cho hiệu trưởng các trường tiểu học thuộc diện “trung bình”, để nâng chất lượng các trường tiểu học cho đồng đều. Nếu chất lượng mọi ngôi trường tiểu học là như nhau thì mới hết tình trạng chạy trường. Cách bồi dưỡng là đưa các hiệu trưởng đi thăm quan, học tập ở nước ngoài. Đồng thời, hàng năm, các trường phải tổ chức Ngày hội giới thiệu ngôi trường tiểu học của em, các trường tiểu học khó khăn đã vươn lên cần tổ chức với quy mô rộng để tạo niềm tin cho nhân dân, cha mẹ học sinh ở địa phương biết được hoạt động giáo dục, giảng dạy của trường.
Đua vào trường chuyên để nhắm đích du học
Sở dĩ cuộc đua của các học sinh vào lớp 6 vẫn căng thẳng vì các em cần đạt tới đích là vào trường chuyên và trường có tiếng đếm trên đầu ngón tay. Vào được lớp chuyên từ cấp hai, các em sẽ nắm chắc phần thắng khi vào trường chuyên cấp THPT như Trường phổ thông năng khiếu (thuộc ĐHQGTP.HCM) và trường chuyên Lê Hồng Phong. Mà đã vào các trường này thì cầm chắc đỗ ĐH cũng như có nhiều hy vọng hơn cho việc đi du học ở bậc đại học.
Để vào được lớp 6 chuyên ở trường Trần Đại Nghĩa, Trường Trung học Thực hành Sư phạm (thuộc ĐHSP TP.HCM), thực ra các học sinh đã phải nỗ lực từ…lớp 1. Năm nay, Trần Đại Nghĩa tuyển 360 học sinh lớp 6 tiếng Anh tăng cường, điều kiện để thi vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa là HS phải có có học lực môn Tiếng Việt và Toán năm lớp 5 đạt loại giỏi.
Điều kiện thi vào lớp 6 Trường Trung học Thực hành Sư phạm còn “chát” hơn, đó là phải 5 năm liền đạt học sinh giỏi. Năm ngoái, có nhiều em thi được 10 Toán, 10 Tiếng Việt vào trường này mà vẫn rớt vì có những em được cộng thêm điểm do được cộng thêm điểm HS giỏi cấp thành phố, giải năng khiếu… Năm ngoái, trường này có 114 HS trúng tuyển dạng đúng tuyến (có hộ khẩu quận 5 theo quy định) và 94 ngoài tuyến (HS có hộ khẩu tại quận 1, 3, quận 10).
Trong cuộc đua vào lớp 10, có nhiều cơ hội mở ra hơn vì có nhiều trường chuyên, trường điểm hơn.
Năm nay, Trường Trung học Thực hành Sư phạm tuyển 3 lớp chuyên Toán, Văn, Anh, mỗi lớp 30 HS, điều kiện dễ dàng hơn là xếp loại tốt nghiệp từ khá trở lên. Tuy nhiên, do lấy số lượng quá ít nên cuộc đua vào trường không hề đơn giản.
Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) năm nay tuyển các lớp 10 chuyên Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, tiếng Anh, Ngữ văn và 4 lớp không chuyên, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 450 học sinh.
Khi ĐH Quốc gia TP.HCM tháng 5 vừa qua công bố quyết định xét tuyển thẳng HS Trường Phổ thông năng khiếu (điều kiện HS giỏi trong 3 năm liền và đạt kết quả thi tốt nghiệp loại giỏi, hoặc là thành viên đội tuyển thi HS giỏi quốc gia, Olympic quốc tế và có kết quả thi tốt nghiệp loại khá trở lên) vào các trường, khoa thành viên của ĐHQG, càng làm cho quyết tâm thi vào trường này của các HS tăng cao.
Với trường chuyên Lê Hồng Phong, với số lượng khoảng 300 em đi du học giữa chừng hoặc học xong là đi du học hàng năm cũng khiến cho trường cũng là mục tiêu nhắm đến của HS thành phố. Năm nay trường Lê Hồng Phong tuyển 485 HS vào các lớp chuyên lớp 10.
Chia sẻ với VietNamNet, Trần Thị Bảo Trân, vừa đạt giải nhất Anh văn quốc gia bật mí, bạn từ chối đi học thêm, không chạy đua vào trường chuyên từ cấp hai, chỉ học trường bình thường ở quận Tân Bình nhưng đã đỗ thủ khoa vào Trường Phổ thông Năng khiếu. Như vậy, cuộc đua vào trường chuyên có căng thẳng hay không phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh “biết chính mình” của mỗi HS.
Chủ trương năm nay của TP.HCM là: Khuyến khích xây dựng trường tiên tiến
tiếp cận với khu vực và quốc tế ở mỗi bậc học và cấp học. Mỗi quận,
huyện xây dựng từ một đến hai trường chất lượng cao. Xây dựng thêm 2
trường THPT chất lượng cao (Trường THPT Nguyễn Du, Trường THPT Nguyễn
Hiền). Khuyến khích các trường trung học tổ chức dạy môn toán và các môn
tự nhiên bằng ngoại ngữ, tiếp tục thực hiện ở các trường THPT chuyên Lê
Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT
Lê Quý Đôn, THPT Lương Thế Vinh và mở rộng thêm ở trường THPT Gia
Định, THPT Bùi Thị Xuân, THPT Hùng Vương, THPT Nguyễn Thượng Hiền, nhằm
thực hiện chủ trương chủ động hội nhập và thực hiện chương trình đào tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Tiến Đạt cho biết, việc chọn 2 trường Nguyễn Du và Nguyễn Hiền làm trường chất lượng cao được dựa trên nguyên tắc: các trường trên địa bàn phải đủ chỗ học cho học sinh không ảnh hưởng đến số lượng tuyển sinh chung vào lớp 10 của toàn thành phố. Năm học này, chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công lập trên toàn thành phố tăng hơn 1.000 học sinh so với năm học trước. Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 1 là 102.697 HS, vào lớp 6 là 88.842 HS, vào lớp 10 là 59.547 HS. |
- Hương Giang