- Ngày 12/5, các Sở GD-ĐT và đơn vị phía Nam đã bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ cho các trường tại TP.HCM.

 TIN BÀI LIÊN QUAN:

Hồ sơ đăng ký dự thi giảm

Các số liệu từ 30 Sở GD-ĐT và đơn vị phía Nam cho thấy số lượng hồ sơ ĐKDT giảm hơn so với 2011.
Số hồ sơ ĐKDT mà Sở GD-ĐT TP.HCM nhận được là 145.714 hồ sơ, giảm hơn 1.500 hồ sơ so với năm trước. Sở GD-ĐT Đồng Nai cũng cho biết năm nay cũng chỉ thu được 48.530 bộ hồ sơ ĐKDT, giảm hơn 4.000 bộ so với 2011. Tương tự, Sở GD-ĐT Bình Dương, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Long An, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh…cũng thông báo số lượng hồ sơ đăng ký giảm trên dưới 1000 hồ sơ.


Bàn giao hồ sơ đăng ký thi đại học của các đơn vị phía Nam ngày 12/5. Ảnh: HG.

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cho biết: Tổng số hồ sơ mà Sở thu được là  14.253 bộ, giảm khoảng 1.000 bộ so với năm ngoái. Lý do giảm vì công tác tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp của các phương tiện truyền thông, trường học được tổ chức khá tốt và hiệu quả. Do đó trung bình mỗi thí sinh chỉ nộp 1-2 bộ hồ sơ, trong khi các năm trước trung bình là 2-3 hồ sơ trên mỗi thí sinh.
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho rằng, số lượng hồ sơ giảm không phải là tín hiệu đáng lo mà đây là chứng tỏ thí sinh đã cân nhắc kỹ, không nộp hồ sơ tràn lan như các năm trước.
Khối A, D chiếm ưu thế, khối C và A1 èo uột
Số liệu từ các sở GD-ĐT các tỉnh cho thấy, năm nay lượng hồ sơ ĐKDT khối C vẫn lép vế so với các khối thi khác. Khối A1 lần đầu tiên được tổ chức thi cũng có lượng hồ sơ ĐKDT không đáng kể.

Sở GD-ĐT

Tổng hồ sơ (bộ)

Khối A

Khối D/ D1

Khối C

Khối A1

Đồng Nai

48.530

24.086

10.100 (D)

1.448

3.379

Bình Dương

15.000

  6.634

 

   556

1.325

Đăk Lăk

50.000

23.787

 

3.164

1.541

Bến Tre

20.952

10.638

3.233 (D1)

   918

   953

Vĩnh Long

17.397

  9.060

2.684 (D)

1.046

   685

Bình Thuận

29.435

14.347

5.235 (D1)

1.461

 

Ninh Thuận

13.030

 6.036

2.673 (D)

   789

   794

Sở dĩ lượng hồ sơ ĐKDT vào các ngành tuyển khối C ít, theo lý giải của Sở GD-ĐT các tỉnh, là vì số lượng ngành nghề để thí sinh chọn không nhiều. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng phân tích: “Nếu nhìn một cách tổng quát, có thể thấy các trường có đào tạo các ngành khối C không nhiều trong khi đó khối ngành kinh tế, kỹ thuật thì hầu như trường nào cũng đào tạo. Mặt khác, phần đông thí sinh có tâm lý chọn thi vào các khối ngành kinh tế, kỹ thuật để ra trường dễ kiếm việc làm chứ ít chọn khối ngành xã hội”.

Riêng khối thi A1, theo ý kiến của đại diện các sở GD-ĐT thì do là năm đầu tiên tổ chức thi nên các thí sinh còn e dè khi chọn thi khối này. Đồng thời, cũng do thời gian công bố bổ sung khối này muộn nên thí sinh không kịp chuẩn bị ôn luyện để sẵn sàng chọn khối thi này.

Thí sinh phía Nam chuộng trường nào?

Theo nhiều Sở GD-ĐT phía Nam thì năm nay thí sinh có xu hướng chọn trường địa phương vì gần nhà, có nhiều ngành để lựa chọn, cũng như học phí rẻ hơn các trường dân lập, tư thục ở TP.HCM. Một bộ phận thí sinh tiếp tục chọn các trường có tiếng từ nhiều năm nay ở TP.HCM.

Theo văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM, năm nay văn phòng nhận được khoảng 26.044 bộ. Trong đó, ĐH Sài Gòn có lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất. Tiếp đến là ĐH Tài chính – Marketing (1435 hồ sơ), ĐH Y Dược (1325), ĐH Nông lâm TP.HCM (1153), ĐH Công nghiệp (1052). Trong khi đó, ĐH KHXH&NV chỉ có 497 hồ sơ đăng ký.

Trong số 145.714 hồ sơ mà Sở GD-ĐT TP.HCM nhận được thì số thí sinh đăng ký vào ĐH Sài Gòn cũng đông nhất (trên 17.000 hồ sơ).

Tương tự, Sở GD-ĐT An Giang cũng cho biết, trong số hơn 21.000 hồ sơ nhận được thì có tới gần 9.000 bộ đăng ký vào ĐH An Giang. Tiếp đó là ĐH Cần Thơ hơn 5.000 bộ và ĐH Y Dược Cần Thơ hơn 900 bộ.

Toàn tỉnh Đăk Lăk có gần 50.000 hồ sơ, thì ĐH Tây Nguyên thu hút tới hơn 15.000, ĐH Công nghiệp TP HCM với hơn 2.700.

Đại diện các Sở GD-ĐT cho biết: Năm nay số hồ sơ sai sót tăng đột biến so với các năm trước. Nguyên nhân là do thí sinh bị “nhiễu” vì tìm kiếm thông tin từ trang web của các trường hoặc tờ rơi mà các trường phát không trùng khớp với thông tin trên trang web của Bộ GD-ĐT. Thông tin về mã ngành, mã trường của một số ĐH, CĐ trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh 2012" không chính xác. Theo ý kiến chung của các Sở, cần phải duy trì lại cuốn “Những điều cần biết” như các năm trước để tránh việc “loạn” thông tin, gây khó cho thí sinh và Sở trong khâu xử lý hồ sơ.

  • Hương Giang- Phong Trần