- Sáng 23/5, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết thực hành của người học... Kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức từ ngày 2-4/6.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Giáo viên không được chấm bài thi của học sinh trường mình
- Đến thời điểm này công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp của các địa phương nơi ông đã đến kiểm tra có điều gì phải rút kinh nghiệm cho các cơ sở khác không, thưa Thứ trưởng?
Hiện nay Bộ đang chỉ đạo kiểm tra chưa có tập hợp cụ thể mới có rút kinh nghiệm và chấn chỉnh nếu có. Tuy nhiên, đã là kỳ thi thì không coi nhẹ khâu nào từ điện, nước, y tế, giao thông, bảo mật đề thi...Đối với kỳ thi tốt nghiệp năm nay, địa phương được tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển |
Còn có thể đánh giá công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT của Hải Phòng đã sẵn sàng và tương đối tốt. Ban Chỉ đạo thi được thành lập với sự tham gia của các đơn vị Y tế, Giáo dục, Điện lực, Thông tin...và có phân vai cụ thể.
Qua nghe báo cáo thì các ngành đã vào cuộc và triển khai một số công việc cụ thể phụ vụ cho kỳ thi. Đặc biệt ngành GD-ĐT đã có chuẩn bị tương đối tốt nhiệm vụ năm học, tổ chức ôn tập cho học sinh cũng như bố trí giáo viên làm nhiệm vụ thi...
- Một trong những điểm mới trong thi tốt nghiệp năm nay Bộ không yêu cầu các tỉnh tổ chức chấm chéo. Vậy Bộ sẽ giám sát như thế nào để kết quả phản ánh đúng năng lực dạy và học?
Năm nay Bộ GD-ĐT không yêu cầu các tỉnh chấm chéo nhưng trong nội bộ từng tỉnh phải có chấm chéo trường. Giáo viên không được chấm bài thi của học sinh trường mình đối với các bài thi tự luận. Về công tác thanh tra thì Bộ đã giao cho các sở GD-ĐT, UBND tỉnh, TP chịu trách nhiệm thanh tra về chuyên môn, thực hiện quy chế đảm bảo chất lượng trong công tác chấm thi.
Tuy nhiên, trong quá trình thi Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, trong đó có thanh tra đột xuất đối với những nơi trọng điểm sẽ có thanh tra cắm chốt giúp các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi như bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình không được gắn linh kiện điện, điện tử. Ngoài ra, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat Địa lý Việt Nam do NXB Giáo dục ấn hành cũng được phép mang vào phòng thi. |
- Để ngăn ngừa giáo viên chấm bài tự luận của học sinh mình có kỹ thuật xử lý như thế nào khi mà cả tỉnh chỉ có một Hội đồng chấm thi, thưa ông?
Vấn đề này tỉnh có thể phân ra thành 2 hoặc nhiều Hội đồng chấm thi nhưng sẽ tuân thủ theo nhóm phân công chấm chéo. Bài tự luận của học sinh trường A sẽ do giao viên trường B chấm. Tương tự như vậy, Hội đồng chấm thi sẽ có trách nhiệm trong việc phân công giáo viên chấm chéo đảm bảo đúng quy định.
- Như vậy, bài thi sẽ được phân theo khu vực để bố trí giám khảo chấm chéo?
Đúng vậy. Năm nay Bộ cũng đã có chỉ đạo các Hội đồng chấm thi phải giữ tuyệt đối bí mật bài thi trong quá trình chấm. Kết quả chấm từng ngày, từng buổi cũng không được tiết lộ. Công tác coi thi, chấm thi phải hết sức coi trọng, không được lơ là. Đặc biệt là những người có kinh nghiệm càng không được chủ quan.
Tăng cường thanh tra những điểm nóng
- Ngoài bỏ thi theo cụm, chấm chéo bài thi theo tỉnh, năm nay Bộ không tổ chức thanh tra ủy quyền - những giải pháp được Bộ GD-ĐT thực hiện mấy năm gần đây để thấy được chất lượng học thực - dạy thực. Vậy năm nay những giải pháp này đã không còn thực thi, ông có cho rằng kết quả thi tốt nghiệp toàn quốc năm nay sẽ đẩy lên cao?
Việc phân cấp cho địa phương tự chủ trong việc tổ chức và chấm thi giúp cho việc thi được nghiêm túc hơn, dễ dàng phát hiện những sơ xuất giúp cho công tác chỉ đạo thi được tốt.
Đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH tại Hải Phòng (Ảnh K.O) |
Thời điểm này chưa thể dự báo được kết quả thi tốt nghiệp. Chúng tôi đang chỉ đạo và phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thi được an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Dạy và học trong nhà trường là quá trình của cả năm học và từ năm này qua năm khác. Tôi phải khẳng định chất lượng dạy và học phản ánh chất lượng thi. Dạy học tốt thì kết quả thi sẽ tốt. Dạy học tốt thì thí sinh tự tin, giáo viên tự tin thì kết quả thi sẽ tốt. Còn nếu dạy và học không tốt thì khó đạt kết quả cao trong thi. Trong những năm vừa qua thì nhà trường có kinh nghiệm hơn trong việc phát hiện và bồi dưỡng cho học sinh yếu kém để nâng tỷ lệ tốt nghiệp lên.
- Có ý kiến nên phân cấp triệt để cho địa phương trong việc tổ chức thi tốt nghiệp, ông nghĩ sao?
Hiện nay Bộ chỉ ban hành quy chế, Bộ chỉ thanh kiểm tra, còn lại các công việc khác đã phân cấp hết cho địa phương. Còn công tác chỉ đạo thì Bộ GD-ĐT phải sâu sát để kỳ thi diễn ra nghiêm túc.
- Cảm ơn Thứ trưởng!
- Kiều Oanh (ghi)
8 lưu ý tổ chức thi tốt nghiệp Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, đảm bảo tổ chức các kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng, chính xác, đánh giá sát chất lượng học sinh. Nghiêm cấm việc lợi dụng thi cử để bắt ép học sinh học thêm trái quy định. Chuẩn bị các phương án dự phòng, kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, cháy nổ, mất điện... Đảm bảo kỷ cương, tích cực phòng ngừa và ngăn chặn tiêu cực trong thi cử; Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy chế thi của các tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi. Chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các điều kiện về tài chính cho kỳ thi. Bố trí cán bộ, giáo viên đủ tiêu chuẩn tham gia công tác thi... Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi, chấm thi và công bố kết quả các kỳ thi. Tăng cường các phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của thí sinh, có phương án giải tỏa ùn tắc giao thông, không để thí sinh đến muộn do ùn tắc giao thông. Đảm bảo cung cấp điện nước ổn định. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông cần trao đổi kỹ với các cơ quan có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin liên quan đến đề thi như: lộ đề, đề có sai sót...(nếu có). (Lược chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tại công văn số 2986) |