- Ngày 25/5, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Vang trao đổi với VietNamNet xung quanh việc dừng Đề án 322 và những lý do phải "thông báo lại" với ứng viên học bổng đi học ĐH ở nước ngoài nhưng cũng phải lui lại.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Đối thoại giữa Cục trưởng và ứng viên 322
Đoạn kết buồn của đề án 322
Dừng giải quyết thủ tục cho ứng viên học bổng 322
Bộ không ép Chính phủ
- Xin ông cho biết những lí do phải dừng hoạt động đề án 322?
Đề án 322 đã thực hiện từ năm 2000, đã kéo dài 1 lần từ 2006 đến 2014 (giai đoạn 2) và chỉ được gửi 2.000 người đi học trong giai đoạn 2 này.
Đến nay, tổng hợp số liệu lưu học sinh đi học đã đạt 2000 người nên không có cơ sở để được Bộ Tài chính cấp kinh phí cử thêm người đi học mới nữa còn những người đang đi học thì vẫn được cấp kinh phí bình thường cho đến khi hết khóa học ở nước ngoài.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Vang giải đáp thắc mắc của ứng viên ngày 21/5 |
- Tại cuộc họp tổng kết 10 năm thực hiện đề án 322 diễn ra cuối năm 2011 - Bộ GD-ĐT đặt vấn đề xin kéo dài thời gian thực hiện đề án, tuy nhiên không được Chính phủ hậu thuẫn. Và mới đây, ông khẳng định đề án nào rồi cũng kết thúc...Nói như vậy, ông đã sớm biết sự sống của đề án này là không thể kéo dài. Vậy tại sao Bộ vẫn chiêu sinh đến mức vượt chỉ tiêu không phải hàng trăm, mà đến hàng ngàn người?
Trong quá trình thực hiện Đề án, căn cứ nhu cầu đào tạo chung của đất nước trong những năm cuối thực hiện Đề án 322, đồng thời với mong muốn không làm gián đoạn việc cử người đi học nước ngoài, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT có chủ trương “gối” việc tuyển sinh đào tạo tiến sĩ của Đề án 322 vào Đề án 911 (cho đối tượng học tiến sĩ làm giảng viên, đã được phê duyệt xong chưa được cấp kinh phí) và do đó đã tăng số lượng ứng viên đi học tiến sĩ để chuyển tiếp sang Đề án 911.
Việc xác định tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ là có mục đích nối tiếp sang Đề án 911 - xong do một số thủ tục cho Đề án 911 chưa hoàn tất nên các chỉ tiêu đi học tiến sĩ “gối đầu” đã “chiếm dụng” bất đắc dĩ chỉ tiêu chung của Đề án 322.
Tổng số người đã đi học của giai đoạn 2 là 2598 người (trong đó có hơn 1000 giảng viên đi học trình độ tiến sĩ), vượt 598 người so với chỉ tiêu theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng. Số 598 người vượt chỉ tiêu này đã được Chính phủ cho phép chuyển sang Đề án 911.
Việc tuyển sinh đi học nước ngoài thông thường được thực hiện vào cuối hoặc đầu năm. Ứng viên trúng tuyển cần có thời gian chuẩn bị ngoại ngữ và tìm cơ sở nước ngoài chấp nhận vào học, đặc biệt là đối với ứng viên tiến sĩ, cần có thời gian tìm giáo sư hướng dẫn đúng đề tài nghiên cứu của ứng viên. Sau khi tuyển sinh, Bộ GD-ĐT ra quyết định phê duyệt danh sách ứng viên đủ điều kiện theo quy định của Đề án để đi học nước ngoài nhưng không phải 100% ứng viên đều được phía nước ngoài chấp nhận.
Do vậy, hàng năm, Bộ GD-ĐT thường phải tuyển sinh dôi ra để cử đủ người đi học theo chỉ tiêu của Đề án. Tại thời điểm tổng kết Đề án 322 tháng 12/2011, Đề án 322 đã chấm dứt tuyển sinh từ trước đó nhiều tháng rồi nhưng số lượng ứng viên đã trúng tuyển năm 2010-2011 còn chưa đi học là 47 sinh viên ĐH và hơn 100 ứng viên thạc sĩ chứ không có hàng nghìn người đã tuyển vượt như câu hỏi của nhà báo.
- Cũng có ý kiến cho rằng,để "ép" Chính phủ cho kéo dài đề án 322 nên Bộ GD-ĐT đã chiêu sinh vượt chỉ tiêu?
Bộ GD-ĐT không dùng giải pháp để “ép” Chính phủ cho kéo dài Đề án 322 vì lý do tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Chính phủ đã dành cho ngành giáo dục một ngân sách đáng kể để đào tạo nhân lực trong khi đất nước đang gặp khó khăn và còn có nhiều ưu tiên khác.
Như đã trao đổi ở trên, số vượt chỉ tiêu là là do kế hoạch tiếp nối sang Đề án 911 của Bộ thực hiện đào tạo giảng viên tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ chưa thể chuyển tiếp kịp thời như mong muốn. Chính phủ đã đồng ý giao cho Bộ xây dựng một đề án mới thay thế cho Đề án 322. Đề án 322 được xây dựng từ năm 2000 và sau hơn 10 năm thực hiện cần rút kinh nghiệm để xây dựng đề án mới phù hợp hơn.
Nhiều tỉ phú Mỹ còn sang Cu ba chữa bệnh
- Trao đổi với ứng viên học bổng 322 ngày 21/5, ông đưa ra giải thích cho việc tuyển vượt là để gối sang Đề án 911. Tuy nhiên nhiều ứng viên thắc mắc Đề án 911 - đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020. Còn số ứng viên có nguy cơ bị dừng học chủ yếu đi học ĐH ở các nước Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ....Như vậy cách "chữa cháy" của Bộ là không hợp lí?
Vấn đề ở đây là chỉ tiêu của Đề án 322 chỉ có 2000 người. Việc tăng chỉ tiêu đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ gối đầu Đề án 911 là để nhanh chóng có số lượng cán bộ giảng dạy có trình độ cao làm máy cái cho các trường ĐH. Nếu chúng ta càng có sớm đội ngũ này thì nhiều thế hệ sinh viên ở trong nước sẽ được thụ hưởng.
Ứng viên phải thay đổi nguyện vọng phút chót bức xúc |
Tuy nhiên, do Đề án 911 còn có những thủ tục phải hoàn tất nên chưa có kinh phí để cử người đi học. Những người chưa đi học chủ yếu là số sinh viên ĐH. Tôi đã trả lời nhiều lần về các phương án lựa chọn cho đối tượng này. Cơ hội đi học theo đúng nguyện vọng của họ vẫn còn, vấn đề là thời gian có thể không như họ mong muốn.
- Cũng tại buổi đối thoại, một phụ huynh đặt vấn đề, 322 là một đề án được nghiên cứu kỹ và Bộ GD-ĐT được giao hướng dẫn lập hồ sơ, chỉ tiêu khớp với kinh phí nhà nước giao. Vậy tại sao lại có thể tuyển vượt, thưa ông?
Nếu cứ làm đúng chỉ tiêu khớp với kinh phí được nhà nước giao như giai đoạn 1 của Đề án 322 thì hàng năm thừa kinh phí và số lượng đi học ít hơn chỉ tiêu được giao vì không phải tất cả những ứng viên trúng tuyển đều đi học do lý do cá nhân, do không đủ trình độ ngoại ngữ, do cơ sở nước ngoài không nhận, do đã đi học theo học bổng khác,....
Mặt khác, để có thể gửi nhiều người đi học nước ngoài bằng nhiều nguồn học bổng khác nhau, trong đó có những học bổng khác do Cục Đào tạo với nước ngoài khai thác thêm, Bộ Giáo dục luôn luôn phải có sẵn ứng viên đủ điều kiện đã trúng tuyển học bổng 322 để giới thiệu cho phía nước ngoài với số lượng hàng trăm người/năm.
- Ở góc độ làm quản lý đào tạo với nước ngoài ông đánh giá thế nào về nền giáo dục ĐH của Ma-rốc, Xri Lan-ca, Cu ba...Nếu cử ứng viên xuất sắc được tuyển chọn từ các trường ĐH của Việt Nam sang đó học thì các lĩnh hội được những kiến thức gì phục vụ đất nước?
Đừng nghĩ rằng cứ đi nước ngoài học là hơn học trong nước. Có rất nhiều người chỉ học trong nước nhưng đã đóng góp cho xã hội rất nhiều. Nền giáo dục ở bất kỳ nước nào đều có những cái được và chưa được.
Nếu đi Cu Ba học về y thì chắc chắn sẽ hơn nhiều nước vì nền y học của Cu ba rất phát triển, nhiều tỉ phú Mỹ còn sang Cu ba chữa bệnh. Chúng ta đi ra nước ngoài học những gì mà họ mạnh nhất mà Việt Nam chưa có khả năng.
Gần đây, Ma-rốc bắt đầu cấp học bổng cho Việt Nam và theo phản hồi của những sinh viên đang học ở đó thì điều kiện học tập, sinh hoạt và rất tốt. Nếu sinh viên mong muốn và có ý thức phục vụ đất nước thì học ở bất cứ nước nào trong kỷ nguyên của công nghệ và internet thì họ đều có thể thành công.
Học về y tôi sẽ đầu tư cho con đi Cu ba
- Nếu ông là phụ huynh có con được chọn đi học ĐH ở Ma-rốc, Xri Lan-ca, Cuba...ông có đầu tư?
Nếu con tôi muốn học về y, dược hoặc công nghệ sinh học, một số ngành khác mà Cuba có thế mạnh thì tôi sẽ đầu tư cho cháu đi Cuba. Có nhiều phụ huynh đã bày tỏ nguyện vọng với Cục Đào tạo với nước ngoài rằng muốn đăng ký cho cho con đi học ở Cuba. Năm ngoái số lượng ứng viên đăng ký đi Ma-rốc, Cuba khá nhiều và không có đủ chỉ tiêu để gửi hết ứng viên đi học.
- Xin được gửi ông thắc mắc của số đông ứng viên đang khóc dở, mếu dở vì không biết phải làm sao: Các em đều không muốn đăng ký nguyện vọng đi Ma-rốc, Xri Lan-ca, Cuba.. Như vậy nếu đề án mới chưa được thông qua trong năm nay thì các em sẽ bị lỡ nhịp, không còn cơ hội đi học ĐH ở nước ngoài nữa?
Ứng viên có quyền lựa chọn các phương án đã đưa ra. Hiện nay, chỉ vướng nhất là ứng viên đại học thôi. Đối với đối tượng này, nếu ứng viên không đồng ý đăng ký đi các nước này thì có thể chờ Bộ GD-ĐT được cấp kinh phí bổ sung, được phê duyệt Đề án mới có kinh phí sẽ giải quyết cử ứng viên đi học.
Đối với ứng viên thạc sĩ, những người này đều đang làm việc ở các trường ĐH, CĐ cơ quan nhà nước, nếu năm nay họ không đi được thì năm sau họ có thể đi khi có đề án mới. Thời gian chuẩn bị ngoại ngữ của họ đâu có uổng phí và lại có thêm thời gian để hoàn thiện các kỹ năng ngoại ngữ của mình. Trường hợp ứng viên đã, đang hoặc có nguyện vọng học thạc sĩ trong nước, sau đó mới đăng ký lại để xử lý thủ tục đi học tiến sĩ bằng NSNN thì Bộ GD ĐT sẽ phối hợp và hướng dẫn giải quyết cụ thể.
Đối với ứng viên tiến sĩ (giảng viên) thì không hề ảnh hưởng gì vì tất cả đối tượng này sẽ được chuyển sang đi học theo Đề án 911 năm 2012 và các năm tiếp theo.
- Cảm ơn ông!
- Kiều Oanh (thực hiện)
Mong ứng viên chia sẻ - Một số sinh viên được tuyển chọn từ Trường ĐH Ngoại thương cho biết, nếu phải chọn đi Ma-rốc, Xri Lan-ca, Cu Ba… thì các em sẽ ở nhà. Ông có lời khuyên nào cho các ứng viên lúc này không? Ứng viên có quyền lựa chọn các phương án đã đưa ra. Nếu các em chọn ở nhà thì sẽ quay lại trường ĐH Việt Nam học tiếp và Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ về các thủ tục cần thiết. Thời gian vừa qua, họ đã mất thời gian học ngoại ngữ nhưng nhà nước cũng đã bỏ khá nhiều kinh phí cho họ học ngoại ngữ và họ cũng đã được trang bị đủ kỹ năng ngoại ngữ cần thiết. Cơ hội học ở nước ngoài đối với những đối tượng này vẫn còn đó khi có những chương trình học bổng khác kể cả học bổng ngân sách nhà nước khi Đề án mới được phê duyệt. Sau này khi họ tốt nghiệp ĐH, họ có thể đăng ký đi học thạc sĩ ở nước ngoài theo nhiều chương trình học bổng khác nhau mà Bộ GD-ĐT quản lý và sẽ được ưu tiên khi xem xét vì họ đã một lần trúng tuyển đi học ĐH nước ngoài. Hiện nay, Chính phủ nước ta cũng gặp nhiều khó khăn về kinh tế và Chính phủ còn rất nhiều ưu tiên phải làm trong bối cảnh cả thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta cần phải chia sẻ gánh vác trách nhiệm với đất nước, với Bộ GD-ĐT trong tình hình hiện nay. |