Người xưa từng nói “Đại ẩn tại triều, trung ẩn tại thị, tiểu ẩn tại lâm tuyền”, ý nói: người ở ẩn giỏi là người ẩn giữa chốn quan trường; kế đến là người sống giữa phố xá mà lòng vẫn giữ được thanh sạch, bình thản; người ở ẩn kém nhất chính là người tìm chốn non xanh nước biếc để trốn đời.

Thời nay, cái sự đi tìm bình yên còn khó hơn. Làm “tiểu ẩn” cũng không xong, vì thói quen đòi hỏi tiện nghi, hoặc thấy người khác có tiện nghi mà thèm… đã thấm vào máu mỗi người.

Tôi không phải là kẻ ham ở ẩn. Trong mắt những người quen biết, tôi là kẻ ưa xung sát, tranh đấu, tự đày ải mình bởi những trách nhiệm đôi khi không chắc nhất định phải gánh lấy.

Rồi một ngày, tôi bỗng nhận ra những năng nổ, những tả xung hữu đột… chỉ mang lại mỗi ngày nhiều thêm những muộn phiền, những điều bất như ý. Tôi tự hỏi mình: thực ra tôi là ai? Tôi muốn gì?

Hoá ra điều tôi muốn giản dị vô cùng: một tri âm tri kỷ. Chỉ cần người tri âm hiểu mình, là mọi cơn bão lòng, mọi cay đắng hờn tủi đều lắng hết. Thậm chí cả lúc trắng tay, cả lúc tai tiếng đến không muốn gặp ai nữa, chỉ cần một ánh mắt đầy tin tưởng của người tri âm, là tôi lại mỉm cười, lại thấy đời đáng sống.

Nhưng ai là tri kỷ của mình?

Tôi thường nghĩ nếu có ai đó tìm được người tri âm tri kỷ, thì đó phải là kẻ được trời ban phước. Nhưng ngẫm lại, nếu mình không mở lòng để người khác hiểu mình, thì làm sao giữa biển người mênh mông kia thấy được một ánh mắt tri kỷ? Vậy là trước hết ta lại phải tin cậy cuộc đời đã. Phải mở lòng cảm thông, chia sẻ với nhân quần. Và trong muôn vàn cái “cho đi”, thế nào cũng có ít nhất một trái ngọt để “nhận về”.

Tôi tạo dựng góc bình yên cho mình trong ánh mắt tri âm ấy. Và kỳ diệu thay, tôi có không chỉ một người tri âm. Góc bình yên của tôi là ở đó, với nguyên tắc bất di bất dịch: ai đó ngoài kia có thể hiểu sai một hành vi của tôi, còn những người tri âm thì không bao giờ nghi hoặc về tấm lòng cũng như sự chân thành mà tôi dành cho cuộc đời này, và cho chính họ.

Đã chớm bước vào dốc bên kia cuộc đời, trong tôi vẫn ngập tràn năng lượng sống, chính nhờ cái bình yên mà tôi đang thụ hưởng.

  • Trịnh Thanh Nhã (biên kịch)
  • Theo Sài Gòn Tiếp Thị