- “Lớp học đặc biệt” chỉ có 10 học sinh khiếm thính đến từ Hà Tĩnh và Nghệ An nhưng có đến 3 giáo viên. Lớp học nằm khuất sâu cuối con ngõ nhỏ số 4 đường Nguyễn Xuân Ôn (phường Hưng Bình, TP. Vinh, Nghệ An).

Gặp cô Phạm Thị Thu Mai vào cuối buổi chiều, lúc cô vẫn còn say sưa với những “học trò” khiếm thính. Thấy chúng tôi, cô quá bất ngờ, và dùng ký hiệu tập trung các em lại để “đón khách”...

Cô dạy em tập viết…

Khi trò đã ngồi ngay ngắn vào vị trí, cô Mai lại tập cho từng học sinh đứng lên chào khách. Lớp 10 học sinh thì có 8 em bị khiếm thính và 2 cháu bị viêm não.

Gần 2 năm về trước, lớp học đặc biệt này ra đời. Khi đó chỉ có cô Mai và cô Bùi Thị Ánh Tuyết đảm nhiệm. “Lớp học” lúc đó cũng chỉ vọn vẹn có 3 cháu bé tật nguyền.

“Chúng tôi thuê hội trường khối Tân Quang ở phường Lê Mao làm phòng dạy học. Được 1 thời gian, người dân truyền tai nhau về lớp học nên có nhiều gia đình muốn gửi con. Sau đó, chúng tôi chuyển xuống thuê căn nhà này để các cháu có chỗ ăn chỗ ngủ” – cô Tuyết tâm sự . Ở đây chúng tôi cố gắng dạy dỗ tất cả, từ ăn uống, phát âm đến nói và viết. Các bé đều bị đa khuyết tật nên việc tiếp tiêp thu rất khó khăn. Chúng tôi vừa dạy vừa phải chăm sóc các em.

Anh Trần Anh Sơn, trú ở phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh cũng đưa con gái ra Vinh gửi cho lớp học này. Bé Trần Lê Phương Thảo – con gái anh Sơn – đã 5 tuổi nhưng trông bé còm nhom. Phương Thảo bị bệnh tim, khiếm thính, cặp mắt em bị viễn thị rất nặng (14 độ)....

Hỏi chuyện "bén duyên" với lớp học đặc biệt này, cô giáo Phạm Thị Thu Mai trải lòng: “Thực ra tôi đến với các em rất tình cờ. Lúc đầu, có vài gia đình ngỏ ý nhờ tôi kèm cặp dạy dỗ cho những trẻ bị khuyết tật. Sau đó thì lớp đông lên, tôi có thêm 2 chị em nữa đẻ cùng nhau chăm sóc các em nhỏ bất hạnh”.

Còn cô giáo Phạm Khánh Phương (24 tuổi) thì lại có 1 lý do khác: “Tôi rất thích công việc này. Mới đầu tôi chỉ đến xem cho biết nhưng rồi hình ảnh các em cứ ám ảnh tôi mãi. Có lẽ duyên số đã sắp đặt tôi được chăm sóc cho những em bé bất hạnh”.

Cứ thế, gần 2 năm qua, 3 cô giáo trẻ Mai – Tuyết –Phương vẫn đều đặn dạy dỗ, trông nom những học sinh đặc biệt này. “Dạy dỗ các cháu khuyết tật luôn rất vất vả. Nhiều lúc thấy các em bằng tuổi con mình mà nói không ra tiếng, khóc không nên lời, lòng tôi quặn thắt và càng muốn cưu mang các em nhiều hơn” – cô Mai xúc động.

Hiện lớp vẫn tồn tại dựa vào nguồn kinh phí các cô tự kiếm, sự ủng hộ của phụ huynh cũng như sự giúp đỡ của một số tổ chức từ thiện. Từ những nguồn kinh phí ít ỏi đó, các cô cũng đã sắm được đồ dùng dạy học, từ tranh ảnh, bảng màu cho đến sách vở. “Những cháu lớn và đã hiểu biết căn bản, chúng tôi sẽ cố gắng liên hệ để xin cho các cháu vào học lớp 1”- cô Tuyết mong muốn.

Trò chuyện được một lúc, cô Mai giục giã chị em chuẩn bị tổ chức liên hoan kỷ niệm ngày 1/6 cho các em. Buổi liên hoan hết sức giản dị chỉ với một ít bánh kẹo trải ra giữa chiếu, mấy cô trò ngồi quây quần bên nhau. Nhiều phụ huynh đến đón con có người đã không cầm được nước mắt vì cảm động....

Một số hình ảnh ghi từ "lớp học đặc biệt":

Viêc dạy dỗ những em bé tật nguyền luôn rất khó khăn.

Anh Trần Anh Sơn và con gái Trần Lê Phương Thảo.

Tết thiếu nhi ấm cúng ở “lớp học đặc biệt”.

  • Cao Nam - Duy Tuấn