- Trao đổi với VietNamNet ngay sau buổi thi môn Ngữ văn kết thúc, TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Văn, Trường THPT Chu Văn An cho rằng: "Đề thi môn Ngữ văn an toàn tức không đánh đố học sinh nhưng vẫn có những điểm hay. Với đề thi này học sinh có thể đạt từ 7 điểm trở lên...".

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Đề không đánh đố

"Đề thi đã đảm bảo kiến thức cơ bản và cũng yêu cầu ở học sinh khả năng toàn diện. Câu I của đề thi tốt nghiệp THPT cách đây 5-7 năm chủ yếu hỏi học sinh cần phải thuộc lòng. Ví dụ hỏi về phong cách, sự nghiệp văn học, hoàn cảnh sáng tác của tác gia, tác phẩm,...." - cô Tuyết nhận xét.

Xem lại đáp án sau thi (Ảnh Phạm Hải)

Năm nay, đề thi có bất ngờ nho nhỏ ở chi tiết được hỏi trong câu I. Nó đã chạm đúng giá trị nhân đạo của tác phẩm “Số phận con người” của nhà văn M. Sô-lô-khốp. Hình ảnh hai hạt cát đầy ám ảnh về số phận con người.

Câu hỏi có 3 ý rõ ràng vừa yêu cầu học sinh nắm được tác phẩm vừa đòi hỏi học sinh hiểu được ý nghĩa xã hội, nhân đạo mà nhà văn muốn gửi gắm. Đây là câu hỏi tôi thích nhất trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm nay.

Câu II hỏi về vấn đề muôn thuở là cái tốt và xấu, sự dối trá. Vấn đề không mới nhưng vẫn thiết thực. Từ chuyện chạy trường, chạy lớp, mua bán công danh....đều có sự dối trá của con người.

Câu hỏi không làm cho học sinh bất ngờ và không khó. Nếu biết quan sát và suy ngẫm sẽ làm bài tốt mà lại không rỗng mòn.

Câu III yêu cầu kiến thức cơ bản. Phân tích đoạn thơ Tố Hữu nói về nỗi nhớ Việt Bắc. Câu hỏi về hình tượng Người lái đò sông Đà cũng vậy.

Tôi cho rằng đề an toàn tức không đánh đố học sinh nhưng vẫn có những điểm hay như đã nêu ở trên. Với đề thi này học sinh có thể đạt từ 7 điểm trở lên”.

Kết thúc buổi thi tốt nghiệp THPT môn Văn sáng 2/6, hầu hết học sinh đều khá phấn khởi và cho biết có thể đạt từ 6 điểm trở lên.

Đề không khó

Đó là nhận xét của thí sinh sau buổi thi tốt nghiệp môn Ngữ văn sáng nay. Em Giang Vân Trang, Trường THPT Quang Trung, quận Đống Đa cho biết: “Đề thi phù hợp nội dung ôn tập, không có câu nào quá sức. Em đã ôn hết. Trong phòng các bạn làm bài nghiêm túc và hoàn thành. Khoảng 15 phút cuối giờ em kiểm tra lại bài. Em tự tin được khoảng 6 đến 7 điểm. Với lực học khá em nghĩ nếu ôn tập tốt các bạn có thể đạt điểm cao hơn”.

Tương tự dù thi khối H nhưng Đỗ Duy Quân, học sinh lớp 12D3, Trường THPT Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội cười tươi cho biết: “Đề không khó, không có vướng mắc gì. Đề ra đơn giản. Câu I: 2 điểm chỉ hỏi về nhân vật. Câu II là câu nghị luận xã hội hỏi về thói dối trá và sự suy đồi đạo đức của con người. Em nghĩ nó rất thiết thực. Học sinh không cần suy nghĩ nhiều mà có thể viết ngay.

Những nụ cười thoải mái của thí sinh sau môn thi đầu tiên (Ảnh Hiểu Minh)

Với câu III: 5 điểm em lựa chọn phân tích đoạn thơ của bài Việt Bắc. Nói chung tất cả các câu hỏi đều nằm trong phần học sinh được ôn tập. Em nghĩ chắc mình được khoảng 7 điểm trở lên”.

“Đề thi đều trong chương trình lớp 12. Tùy vào điểm mạnh mà các bạn lựa chọn câu hỏi. Câu III em lựa chọn câu hỏi về tác phẩm Người lái đò sông Đà (hình tượng người lái đò) vì đó là sở trường và niềm yêu thích của em. Các câu hỏi giúp học sinh dễ dàng phân bố thời gian.

Về câu hỏi nghị luận, em thấy khá thú vị và có đôi chút lạ. Tất cả trong bài viết là suy nghĩ của em. Theo câu hỏi này em nghĩ các bạn cũng phải tự suy nghĩ là chính mình nữa” – Một nữ sinh lớp 12A3, Trường THPT Quang Trung cho biết.

Thí sinh Thùy Trang – Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM nhận xét: “Đề thi môn Văn năm nay không khó cũng không dễ. Câu 1 hỏi về tác phẩm Số phận con người của nhà văn Sô – lô – khốp không có trong chương trình ôn nhưng không khó, không đánh đố học sinh, chỉ cần nhớ tên nhân vật và hiểu được câu nói đó là làm được. Những câu còn lại cũng bình thường”.

Tán thành với nhận xét của trang, thí sinh Thế An – Trường THPT Hiệp Bình, TP.HCM nói thêm: “đề thi Văn không đòi hỏi phải học thuộc lòng, chỉ cần học sinh hiểu được ý nghĩa cốt lõi của tác phẩm và vận dụng kiến thức thực tế vào phân tích là có thể đạt điểm trung bình”. 

Theo nhận định của một số học sinh, đề Văn năm nay không đòi hỏi kiến thức xã hội nhiều, chủ yếu xoay quanh nội dung ôn tập, thậm chí nhiều thí sinh vui vẻ khoe "trúng tủ". Rất nhiều thí sinh bước ra khỏi cổng trường với khuôn mặt vui vẻ cà khẳng định "không ôn cũng kiếm được 4 điểm". Bạn Giáng My (THPT Ernst Thalmann) tự tin nói: "Đề thi năm nay khá dễ, em tự tin mình sẽ đạt điểm cao".

Bạn Khánh Ngân (THPT Trần Đại Nghĩa) chia sẻ: "Em cảm thấy đề thi như vậy là vừa tầm với học sinh, với đề thi này nếu không học bài cũng có thể lấy được điểm".

Đặng Văn Khánh (THPT Trường Chinh) cho biết: "Em cảm thấy đề thi năm nay rất vừa sức, tất cả đều nằm trong nội dung ôn tập mà thầy cô đã cho ôn. Em rất mong các môn thi tiếp theo cũng cho đề thi như môn Văn".

Đối với khối trung tâm giáo dục thường xuyên, các thí sinh cũng nhận định đề bình thường đối với những thí sinh từ trung bình trở lên. Tại địa điểm thi trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), thí sinh thi môn Văn ra khỏi phòng muộn hơn. Tuy nhiên, thí sinh cũng có những nhận định tương tự về đề thi Văn năm nay.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2012 môn Ngữ văn

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Trong phần cuối tác phẩm Số phận con người, nhà văn M. Sô-lô-khốp viết: Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ…

(Ngữ văn 12, Tập hai, tr. 123, NXB Giáo dục – 2008)

Hai con người được nói đến ở trên là những nhân vật nào? Vì sao tác giả gọi họ là hai con người côi cút? Hình ảnh hai hạt cát trong câu văn có ý nghĩa gì?

Câu 2. (3,0 điểm)

Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội.

Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (5,0 ĐIỂM)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:

Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

(Ngữ văn 12, Tập một, tr.111, NXB Giáo dục – 2009)

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Phân tích hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân (phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục -2009).

  • Văn Chung - Bích Phượng - Hiểu Minh