- Việc mất tiền, điện thoại, máy tính, xe đạp, xe máy…đang rất phổ biến xảy ra với sinh viên, đặc biệt là những bạn sinh viên thuê trọ ngoài. Vấn đề không chỉ an ninh tại các dãy trọ kém, mà thái độ chủ quan, tin người của sinh viên đã vô tình "tiếp tay" cho những kẻ xấu đạt được mục đích.

Vờ ở trọ, cướp laptop

Ngọc Anh, sinh viên Trường CĐ Phát thanh truyền hình 2 Hà Nam kể lại: “Chỗ mình, trộm cắp phải gọi là liều và rất nhiều mưu mô. Giả làm người bán tăm nhân đạo, bán hàng, buôn đồng nát….để tiếp cận phòng trọ của sinh viên, tiện thể thấy họ hở ra cái gì là “chôm” mất luôn. Mình biết vậy nên rất đề phòng thế mà lần đó còn bị mất cái điện thoại, cũng may giá trị của nó không cao lắm”.

Sinh viên than thở trên facebook

Chưa hết bức xúc, Ngọc Anh tiếp lời: “Tháng trước có người đến chỗ mình thuê trọ, nói là sinh viên cùng trường, cũng mang đồ đến như thật, còn mua cả bánh kẹo về liên hoan gọi là cái “lễ ra mắt”, ai cũng khen là chu đáo. Tối đến anh ta sang phòng đứa bạn mình mượn cái máy tính nói là cần check mail gấp. Đứa bạn thật thà cho mượn, rồi mãi không thấy anh “hàng xóm mới” mang trả, vội vàng chạy sang thì cửa phòng vẫn mở, đồ đạc còn, nhưng người thì đã chuồn mất từ bao giờ. Cả dãy xúm lại kiểm tra mới biết trong cái vali mang đến chả có gì ngoài cái màn rách và mấy bộ quần áo cũ. Chả ai biết tung tích gì về anh ta, còn đứa bạn thì chỉ biết khóc tức tưởi”.

Anh Biên, sinh viên Trường ĐH Xây dựng Hà Nội lên facebook bức xúc vì chuyện hai em khóa sau, ở trọ phòng bên cạnh vừa bị mất 2 chiếc latop, còn bản thân thì mất chiếc điện thoại và chút nữa cũng đi luôn “em” latop thân yêu của mình: “Mấy thằng em mình ở cạnh phòng vừa mất 2 con “lap”. Giờ đang thu dọn phòng để chuyển qua chỗ khác ở. Mình cũng dính chưởng mất em điện thoại, cũng tí nữa mất em “lap””. Được hỏi để kiểu gì lại mất thì anh Biên trả lời: “Nhà có máy tính thì không dùng, mấy anh em lại rủ nhau ra quán nét để ngồi, cứ yên tâm là đã khóa cửa cẩn thận, nó cắt cả khóa để vào lấy trộm, đúng là bá đạo hết chỗ nói”.

Cho bạn mượn xe - “một đi không trở lại”

Trường hợp, nạn nhân và kẻ trộm đều quen biết nhau, thậm chí là yêu nhau thì thế nào?. Thảo, sinh viên Trường CĐ Kinh tế kĩ thuật công nghiệp Thái Bình tức tưởi bắt xe bus từ thành phố về quê nhờ người thân hỗ trợ lấy lại chiếc xe máy mà cô nàng đã trót tin tưởng cho người bạn cùng lớp mượn. Rồi …xe đi mãi không trở lại.

Một khu nhà trọ của sinh viên

Tin bạn, Thảo không do dự đưa toàn bộ giấy tờ xe cho cậu bạn mà không chút đắn đo. Đã qua mấy ngày trôi qua mà cậu bạn vẫn chưa lên, gọi điện không bắt máy, Thảo chỉ nhận được một dòng tin nhắn với nội dung làm cô ngã ngửa “tớ có mượn xe của bạn bao giờ đâu, bạn nhầm à”.

"May nhờ ông bác hiểu lí lẽ tìm đến nhà thuyết phục đúng sai thì cậu bạn mới chịu trả xe" - Thảo kể trong hoảng sợ.

Cảnh giác với người yêu

Thu, Nam Định, làm công nhân trong một ty dệt may, tích cóp mấy tháng lương cô mới đủ số tiền mua một chiếc điện thoại mà lâu nay cô ao ước. Dùng được vài ngày thì anh người yêu ngỏ ý muốn mượn dùng thử xem tốt xấu thế nào. Vì là bạn trai, đã yêu nhau được hơn 1 năm, lại cùng quê nên Thu không ngần ngại cho anh người yêu mượn.

Do hai người ở cách xa nhau (anh người yêu đi làm ở Hà Nội, Thu làm ở TP Nam Định), bẵng đi cả tháng trời vẫn chưa thấy người yêu nói trả lại, Thu ngỏ lời muốn lấy lại thì anh nói chia tay với lý do không tin tưởng nhau, cắt đứt liên lạc và đồng thời cuỗm luôn chiếc điện thoại.

***

Việc mất tiền, điện thoại, máy tính, xe đạp, xe máy…đang rất phổ biến xảy ra với sinh viên, đặc biệt là những bạn sinh viên thuê trọ ngoài. Vấn đề an ninh tại các dãy trọ là rất kém, kèm theo đó là thái độ chủ quan, tin người nên đã vô tình tạo điều kiện cho những kẻ xấu đạt được mục đích. Mỗi chúng ta cần nâng cao hơn nữa tính cảnh giác, thận trọng đề phòng để tránh rơi vào những tình cảnh như trên.

  • Nguyễn Yên