Từ trước tới nay, giáo dục Hàn Quốc vẫn được nhiều quốc gia đánh giá cao. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng lấy Hàn Quốc ra làm ví dụ và cho rằng Mỹ nên học hỏi một số khía cạnh trong hệ thống giáo dục của nước này. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, một số trường đại học hàng đầu lại đang phải đối mặt với những chỉ trích về rất nhiều trường hợp gian lận. Một số người trong cuộc cũng phải thừa nhận rằng tình trạng này rất phổ biến.
Ở một trong những tổ chức giáo dục uy tín nhất Hàn Quốc – ĐH Quốc gia Seoul, 2 giảng viên đang bị cáo buộc bịa đặt nghiên cứu về tế bào gốc trong tài liệu gửi tới các tạp chí quốc tế.
Vụ việc tương tự cũng từng xảy ra ở ngôi trường này vào năm 2005 khi giảng viên cấp cao Hwang Woo-suk bị lên án kịch liệt vì ngụy tạo thí nghiệm sinh sản vô tính.
Trong vài tháng gần đây, 2 nhà lập pháp của nước này cũng phải đối mặt với những cáo buộc sao chép trong luận án tiến sĩ của họ. Trong vài năm qua, đã có Hiệu trưởng một trường đại học uy tín và một Bộ trưởng Giáo dục từng mất việc sau khi những hành vi gian lận học thuật của họ bị phanh phui.
Một cựu sinh viên ĐH Hàn Quốc nói rằng anh nhận thấy khi anh đăng kí vào các trường trung học và đại học ở Mỹ, khái niệm đạo văn cũng đã xuất hiện.
“Ở Hàn Quốc, lịch sử đạo văn có lẽ là chưa lâu. Vì thế, nhìn chung người Hàn Quốc vẫn chưa có sự đồng thuận lớn về khái niệm đạo văn” – anh nhận xét. “Mức độ đạo văn là gì và liệu bản thân việc đạo văn có thể chấp nhận được hay không?”
Tại ĐH Sư phạm quốc gia Seoul, giảng viên giáo dục đạo đức Lee In-jae cho rằng những tiết lộ này đã ngay lập tức làm sụp đổ những tiếng tốt trước đó của giáo dục Hàn Quốc. Và, nếu môi trường học thuật của Hàn Quốc muốn vươn tới đẳng cấp thế giới thì họ phải tự giải thoát khỏi những vấn đề về đạo đức.
Khi được hỏi về việc đánh giá vấn đề này nghiêm trọng đến mức nào, Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho cho rằng tình hình hiện tại không tồi tệ như trước kia.
Ông cho biết những vụ việc này nổi đình đám cách đây 7, 8 năm, song đã lắng xuống kể từ khi công tác đào tạo và nhận thức được nâng cao. Tuy vậy, ông cho biết vẫn muốn nỗ lực nhiều hơn trong việc dẹp bỏ nạn này.
Kim – một sinh viên ĐH Hàn Quốc cho rằng những nỗ lực ít ỏi đang được tiến hành để giáo dục sinh viên về vấn đề này thực sự không hiệu quả lắm.
“Các trường đại học Hàn Quốc thường có ít nhất một lớp học hoặc một vài hội thảo mỗi đầu kì học để nói về đạo văn. Tuy nhiên, như tôi biết những hội thảo này không bắt buộc phải tham gia. Vì thế, có nhiều người đã không tới”.
Giảng viên Lee tới từ ĐH Sư phạm quốc gia Seoul cho biết việc giáo dục cho sinh viên hiểu rằng chỉ phạm một lỗi nhỏ thôi cũng là sai lầm, ví dụ như việc không trích dẫn tài liệu tham khảo. Điều đó cần phải được dạy ngay ở trường tiểu học.
Các nhà giáo dục đạo đức nói rằng, nếu học sinh nhỏ tuổi biết rằng sao chép bài tập về nhà là sai thì chúng có thể làm những tài liệu trung thực khi học đại học hoặc đưa ra những nghiên cứu trung thực khi trở thành các chuyên gia.
Những sinh viên như Kim nhận thấy rằng các giảng viên tới từ Vương quốc Anh và Mỹ trong trường cậu đang có tác động tích cực.
“Một giảng viên trong trường của tôi khi phát hiện ra một sinh viên đạo văn sẽ ngay lập tức cho 0 điểm. Và tôi càng ngày tôi càng nghe thấy nhiều vụ việc như vậy”.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sinh viên không ngần ngại vi phạm đạo đức học thuật, và từ đó một ngành công nghiệp được sinh ra để phục vụ nhu cầu của họ. Luận án Thạc sĩ được viết thuê với giá 1.400 USD, trong khi luận án Tiến sĩ có giá 2.700 USD.
Một bài viết trên tờ JoonAng trích lời một người môi giới nói rằng những khách hàng chính của họ là doanh nhân và nhân viên văn phòng – những người không có thời gian để làm các nghiên cứu học thuật, nhưng lại muốn nhanh chóng có bằng cấp cao để vượt trội so với các đồng nghiệp trong một xã hội có tính cạnh tranh cao như Hàn Quốc.
- Nguyễn Thảo (Theo VOANews)