Mẹ tôi gọi điện, giọng nghèn nghẹn: “Nếu bận rộn khách khứa, tàu xe khó khăn thì Tết này con không đưa mấy đứa nhỏ về thăm quê cũng được. Để dành tiền lo cho chúng ăn học”.


Tôi biết mẹ tôi đang cố nén nước mắt để nói với tôi điều đó. Tôi biết ba mẹ đang ngóng từng ngày vì cả năm chỉ mỗi dịp Tết để quây quần cùng con cháu. Đó là cơ hội để mẹ trổ tài nấu nướng, nhất là món thịt đông. Cạnh cửa ra vào nhà ông bà có một góc riêng, trước đây cho các con, sau này là các cháu. Mỗi lần con cháu về là bà đo chiều cao và đánh dấu. Bà rất thích “bị chê” là thấp nhất, và sung sướng nhìn những đứa con, đứa cháu lớn nhanh như thổi. Bà mong chúng tôi về, nhưng lại sợ con cháu mình vất vả.

Thực lòng, có những lúc tôi không còn thích Tết. Suốt cả năm làm việc, chỉ mong đến Tết để nghỉ ngơi. Tôi sợ cảnh tàu xe, chợ búa và bếp núc suốt ngày. Tôi sợ cả sự ồn ào của ba ngày Tết nên đã có những năm tôi không về quê. Lúc đầu, tôi gửi quà bánh về cho ba mẹ và vài tấm vải để ba mẹ may đồ diện Tết. Tôi nghĩ, ngày Tết ba mẹ cần có áo mới, cần có mâm cỗ để cúng ông bà. Rồi đơn giản hơn, tôi gửi tiền để mẹ tự mua, vì nghĩ ở quê bây giờ cái gì cũng có. Cuộc sống bận rộn, nên tôi càng muốn đơn giản mọi nghi thức. Tôi nghĩ rằng, mẹ cũng hiểu và sẽ không trách móc.

Những năm không về, tôi lại thấy thèm cảm giác những ngày Tết của tuổi thơ. Nhớ nhất là lúc gói bánh chưng, cả nhà xúm quanh bếp lửa, trong cái lạnh buốt của tiết trời miền Trung. Rồi những lúc làm mứt gừng mứt bí, tự khen ngon, nhưng… để dành tiếp khách. Cái Tết xưa tất bật mà vui.

Năm nay, tôi quyết định đưa cả nhà về quê đón Tết. Mẹ tôi lo lắng, nhắc nhở từng chi tiết nhỏ. Tôi thấm được nỗi mong chờ của mẹ. “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Có thể bây giờ không phải vất vả với những bữa ăn, không phải dọn nhà, đón chờ ba ngày Tết; có thể không đến thăm, mà nhắn tin, hay gọi điện chúc Tết, nhưng không thể nào thay thế được nụ cười rạng rỡ của niềm hy vọng những điều tốt lành trong năm mới, cảm giác bùi ngùi của những trăn trở năm qua. Và cho dù mâm cao cỗ đầy đến mấy, cũng không thể cho ta một cảm giác ấm áp tuyệt vời khi nắm tay mẹ tay cha. Bàn tay chai sạn của tuổi già, của những năm tháng nhọc nhằn vất vả. Bàn tay đó đã cho ta tất cả, cuộc sống, buồn vui và nghị lực phi thường. Bàn tay đó, ấm áp tình thương, cho ta cả tình yêu để sống. Những lời dặn dò, giản dị mà chứa bao điều gửi gắm, cùng ta lớn lên và đi suốt cuộc đời.

Có thể nhiều điều, nhiều dịp ta chúc tụng, nhưng lời chúc Tết không giống bất cứ lời chúc nào trong năm, sự sum họp đầu năm không thể nào thay thế được.

Điều mà tôi tìm thấy là sự bình yên khi đón Tết ở nhà ba mẹ. Tôi thấy mình không còn phải lo toan. Hai đứa con tôi, khi về bên ông bà, bỗng trở nên ngây thơ và nhỏ bé rất nhiều. Bên ông bà, chúng ngập tràn trong hạnh phúc được yêu thương.

Đầu năm, cả nhà sum vầy, người lớn dặn dò, trẻ con nhận lì xì, hứa năm sau cố gắng. Đó là những phút giây để cả nhà ôn kỷ niệm, nhớ về ký ức tuổi thơ, nhớ về những ngày gian khó. Và tất cả mọi người cầu mong may mắn cho nhau. Đón Tết cùng gia đình là một phong tục từ bao đời nay và luôn cần được duy trì; nó thể hiện sự tri ân của con cháu đối với bố mẹ, ông bà; để thế hệ trẻ biết về nguồn gốc sinh thành và mảnh đất đã nuôi dưỡng mình khôn lớn. Không có món quà nào thay thế được sự ấm áp sum vầy của các thành viên trong ngày Tết cổ truyền.

Tôi nghẹn ngào khi con trai lên tám ríu rít: “Tết này mẹ đưa con về thăm ông bà nhé. Khi nào mẹ già con sẽ đưa con trai con về thăm mẹ”. Tôi thu xếp xong công việc cuối năm, chuẩn bị cho chuyến nghỉ Tết của mình. Tết cho tôi cảm giác háo hức đón chờ những điều tốt đẹp. Tết cho tôi cảm giác bình yên khi được về bên mẹ cha. Và Tết giúp tôi lấy được cân bằng trong cuộc sống.

(Theo Phụ nữ TP.HCM)