- “Muốn yêu thì ví phải dày, xe sang, điện thoại xịn. Độ bền của tình yêu do “polime” quyết định, còn sinh viên nghèo như chúng tớ chẳng dám mơ có bạn gái vì sợ bị chê ít tiền, hoặc chỉ yêu được một thời gian ngắn các em lại “chạy” mất hút” – Đức Anh (SV Trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội) chia sẻ.
Văng tục chê bạn trai không đại gia
Mới đây, cư dân mạng xôn xao về việc nữ sinh có nickname B.Y, khoa Giáo dục mầm non tại một trường sư phạm, văng tục chê bạn trai ít tiền trên mạng xã hội facebook. Ít ai tưởng tượng được một cô nàng xinh xắn, dễ thương lại có thể “phun châu nhả ngọc” ra những lời lẽ tục tĩu, khó nghe đến như vậy để miệt thị, khinh thường bạn trai khi bạn này “đi xe SH nhưng trong ví chỉ có 200 – 300 nghìn đồng” (trích status trên trang cá nhân của nữ sinh).
Nữ sinh trường ĐH Sư Phạm Hà Nội văng tục chê bạn trai nghèo trên trang cá nhân. |
Điều đáng ngạc nhiên là phát ngôn phản cảm của bạn nữ này cũng nhận được khá nhiều “like” (người ủng hộ) khi nhìn dưới góc độ giao tiếp xã hội, nó thể hiện cách cư xử thiếu văn hóa, cách suy nghĩ thực dụng, ích kỷ, nhất là đối với một cô giáo tương lai – người được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục văn minh, lịch sự.
Đây chỉ là một minh chứng điển hình cho xu hướng “sính giàu, ham tiền” của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Họ có thể là những nữ sinh xuất thân từ nghèo khó nhưng lợi dụng chút nhan sắc để bám víu, “tầm gửi” các công tử, đại gia chịu chơi tiêu tiền như rác, và tình yêu kiểu đổi trác cũng dễ tan như bọt bèo, nhiều người nói vui rằng: “tiền hết, tình tan”.
Hoặc những cậu ấm, cô chiêu được chiều chuộng từ trong “trứng nước” thường lập thành những hội nhóm chơi với nhau thể hiện đẳng cấp vượt trội, phân biệt với các “tầng lớp” khác trong trường. Thậm chí, có nhiều “tiểu thư” còn tẩy chay hoặc bêu xấu bạn mình trước đám đông chỉ vì không có tiền.
“Lớp em chỉ chơi theo hội: hội học giỏi nhà nghèo, hội bình thường, hội quý tộc (con nhà giàu)…Trong đó hội quý tộc chịu chơi và phân biệt “chủng tộc nhất”. Có lần bạn H. xin vào hội nhưng vì xích mích cá nhân “tiểu thư” K. đã buông những lời xúc phạm không thương tiếc: “Nhìn lại mình đi, rách như tổ đỉa mà muốn chơi trội, đúng là chim cú đú phượng hoàng!”, bạn H. nghe xong ấm ức phát khóc”. – L.Dung (lớp 10 Trường THPT H.M) kể lại.
Đi hẹn hò mà uống nước lọc thì...chán
Khi Ngân khoe: “Tớ có bạn trai mới rồi!”, cả phòng nháo nhào xúm lại hỏi han, quan tâm từng chi tiết, dồn dập những tò mò về “chàng rể” mới được các nàng đưa ra: “Làm nghề gì? Đi xe gì? Nhà Hà Nội không? Lắm tiền (giàu) không? Ga lăng chứ? Đẹp trai?...và tính tình thế nào?”. Tuy không phải người hám của, chạy theo ma lực của đồng tiền nhưng một trong số câu hỏi trên cũng chính là tiêu chí chọn bạn trai của Ngân ( 22 tuổi, SV Trường ĐH Ngoại Thương).
Theo Ngân, rất nhiều cô bạn gái của mình đều muốn có người yêu tốt (về tính cách) nhưng vẫn phải đảm bảo khả năng kinh tế để không phải mệt mỏi khi yêu mà lúc nào cũng đau đầu vì tiền.
Tình yêu sinh viên xưa rồi? (Ảnh có tính chất minh họa) |
“Vật chất quyết định ý thức, tình yêu cũng không là ngoại lệ, bạn thử nghĩ xem bạn sẽ yêu như thế nào nếu cả bạn và chàng chỉ có vài chục ngàn trong túi, liệu có vui vẻ hạnh phúc được không?” – Ngân bày tỏ.
Tuy nhiên, một số nữ sinh dựa vào ngoại hình ưa nhìn, của mình để “kén” người yêu với tiêu chuẩn khá cao. N. (SV Trường CĐ Du Lịch Hà Nội) thẳng thắn: “Trước cũng có yêu một vài anh sinh viên, nhưng mà chán cảnh đi hẹn hò phải uống nước lọc, hít bụi đường, cuối tuần liên hoan bằng mỳ tôm độn rau nên mình dừng lại. Còn giờ con gái nên yêu các anh đã đi làm, có điều kiện. Tội gì yêu sinh viên cho khổ!”.
Cũng chính vì sợ bạn gái chê ít tiền, nghèo khó mà rất nhiều nam sinh viên mất tự tin khi bày tỏ tình cảm với bạn nữ mình thích. Có những chàng tưởng rằng đã được nàng dành trọn trái tim, “một lòng một dạ” với mình nhưng sau vài tháng vì ngán cảnh đón đưa nhau trên chiếc xe cà tàng, san sẻ nhau từng suất cơm sinh viên giá rẻ nên bạn gái đã từ chối khéo.
Tình tan vì dùng điện thoại "cục gạch"
“Muốn yêu thì ví phải dày, xe sang, điện thoại xịn. Độ bền của tình yêu do “polime” quyết định, còn sinh viên nghèo như chúng tớ chẳng dám mơ có bạn gái vì sợ bị chê ít tiền, hoặc chỉ yêu được một thời gian ngắn các em lại “chạy” mất hút” – Đức Anh (SV Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ.
Sở dĩ nói như vậy vì Đức Anh cũng từng bị người yêu “bỏ rơi” vì không có tiền mua cho nàng chiếc điện thoại mà nàng thích nhân dịp sinh nhật.
Hay như các bạn của cậu cũng nhiều phen rơi vào tình huống tương tự, theo lời kể của Đức Anh, N.Hưng (bạn cùng phòng) lần đầu tiên gặp mặt bạn gái đã chạy mất hút chỉ vì đi xe Dream cũ kỹ, dùng điện thoại “cục gạch”.
Xu hướng phân biệt “đẳng cấp” ngay cả trong tình yêu và cách sống bám víu, tầm gửi vào tiền của bạn trai của một số nữ sinh khiến không ít chàng ngán ngẩm, tự ti trong quá trình tìm hiểu bạn gái.
“Nếu liên tiếp bị từ chối vì ít tiền, nhà nghèo thế này thì không biết đến bao giờ mới kiếm nổi người yêu?” – Đức Anh thở dài.
- Thu Thảo