- Lê Tấn Việt là một trong những du học sinh giành được học bổng toàn phần vào một trường đại học ở Mỹ không phải nhờ thành tích học tập quá xuất sắc, mà nhờ tài chơi đàn piano trình độ “nghiệp dư” của mình.
ĐH Mỹ chọn học sinh giỏi học, giỏi chơi
Lê Tấn Việt hiện là sinh viên năm thứ hai, Trường ĐH Texas Christian (TCU), bang Texas, Hoa Kỳ. Chuyện Việt được hỗ trợ tài chính 100% của trường ĐH này như một giấc mơ cổ tích. Học xong lớp 11 và 12 ở Mỹ nhờ tài chính của gia đình, ba mẹ nói với Việt: “Con cố gắng giành được học bổng ĐH, vì lo học phí 4 năm ĐH ở Mỹ sợ lo không nổi”.
Việt cho biết, em khá lo lắng khi đặt mục tiêu tìm học bổng, vì rất nhiều bạn đi du học cũng chỉ được học bổng bán phần (nhà trường cho một phần học phí, còn lại gia đình phải đóng). Tuy nhiên, khi tham gia vào cộng đồng du học sinh của VietAbroader, nhiều anh chị đi trước đã giúp Việt nhận ra những ưu điểm của riêng mình, biết cách tạo dấu ấn trong hồ sơ xin học.
Việt trong lễ tốt nghiệp lớp 12 ở Mỹ (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Theo Việt, mỗi trường ĐH bên Mỹ là một cá tính hoàn toàn khác biệt nhau mà mọi người thường hay gọi là "school spirit" (linh hồn của trường). Vì vậy, khi xét đơn, các nhà tuyển sinh dựa trên đặc tính của trường để tìm những sinh viên phù hợp với trường. Có trường thì cần tìm những người thật giỏi và có những ý tưởng lớn lao, và có trường thì cần những học sinh có đam mê về hoạt động ngoại khoá và nghệ thuật.
“Em được nhận vào TCU, theo em, không phải là vì điểm số đâu. Điểm TOEFL và GPA (Grade Point Average) của em khá cao (em tốt nghiệp với số điểm trên 4.0, mức điểm tối đa, vì được điểm cộng từ những lớp Advanced Placement và Honors), tuy nhiên, điểm SAT của em chỉ ở mức ổn.
"Em nghĩ mình đã giành học bổng là nhờ những hoạt động ngoại khoá (chơi piano trong ban nhạc và hát trong dàn đồng ca của trường; chơi trong đội tuyển golf và tennis ở trường ), bài luận chính (em rất tâm đắc với bài này), và việc đạt huy chương vàng trong cuộc thi Piano Solo dành cho học sinh phổ thông của toàn bang Indiana là các yếu tố chính đã khiến TCU thích em..." - Việt chia sẻ.
Thi tốt nghiệp THPT ở Mỹ: nhẹ nhàng
Điều thú vị nhất ở giáo dục phổ thông Mỹ, theo Việt là "không có câu hỏi nào là ngu ngốc cả; bạn tự muốn mình trở nên ngu ngốc bằng cách không hỏi thôi."
Việt nói: “Em còn nhớ hồi đó ở lớp Lý, trước khi bắt đầu giờ học thầy luôn luôn hỏi: "Các em có thắc mắc gì không, nhưng phải liên quan đến khoa học đấy nhé?" Tụi em có thể hỏi bất cứ cái gì, thậm chí là làm cách nào để đánh trái banh golf đi xa. Rồi sau đó thầy mới dùng những câu hỏi đó để liên kết với bài học. Tụi em được tự do thắc mắc và vì đó là những gì tụi em thật sư muốn biết, tụi em nhớ rất nhanh và có thể liên hệ ngay vào thực tế. Em nghĩ là nền giáo dục ở Việt Nam nên khuyến khích nhiều hơn nữa việc đối đáp hai chiều giữa học sinh và các thầy cô giáo.”
Hỏi Việt có cảm nghĩ gì về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Bắc Giang vừa qua, Việt cho biết, “tiêu cực trong thi cử ở đâu cũng có, ở Mỹ cũng không tránh khỏi. Em không nghĩ là do chương trình học chán mà là tại vì chuyện thi cử được đặt quá nặng, vô tình tạo thành một áp lực cho các bạn học sinh. Các bạn không có quyền thất bại nên tất nhiên là sẽ bất chấp mọi cách để thành công. Đó là nguyên nhân sâu xa. Còn nguyên nhân trước mắt là do sự dễ dãi của các giám thị coi thi. Nếu các bạn được bật đèn xanh như vậy thì vụ việc tiêu cực này xảy ra cũng dễ hiểu thôi. Và sự dễ dãi của các giám thị phải chăng là do áp lực muốn trường của mình trở thành một trường tốt với tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao?”
Ở Mỹ, để tốt nghiệp phổ thông thì tụi em phải làm một bài thi gọi là GED (General Education Development), kiểm tra kiến thức tổng quát về Văn học, Toán, Khoa học xã hội và tự nhiên. Đối với em, bài kiểm tra này khá dễ; em đã đậu từ năm lớp 11 rồi. Nó cũng khá nhẹ nhàng với những bạn học sinh bản xứ vì những câu hỏi trong đó rất là căn bản, chỉ cần mình chịu để ý một chút trong lớp là có thể trả lời được. Không như ở Việt Nam là có tốt nghiệp loại giỏi, khá hay trung bình, GED chỉ có hai khả năng: đậu hoặc rớt, và nếu có rớt thì thi lại, không sao cả. Em thấy đây cũng là một cách để làm giảm áp lực trong thi cử.
Không có khái niệm “rớt đại học”
Chia sẻ với VietNamNet, Việt nói: Kỳ thi SAT hơn kỳ thi ĐH Việt Nam là SAT không kiểm tra các kiến thức của học sinh, mà kiểm tra những kĩ năng học tập để xem HS có sẵn sàng vào ĐH chưa. Và những kĩ năng mới là cái chúng ta thật sự cần, bởi vì phải có kĩ năng thì mới thu thập được kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Hỏi Việt có cảm nghĩ gì về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Bắc Giang vừa qua, Việt cho biết: "Tiêu cực trong thi cử ở đâu cũng có, ở Mỹ cũng không tránh khỏi. Em không nghĩ là do chương trình học chán mà là tại vì chuyện thi cử được đặt quá nặng, vô tình tạo thành một áp lực cho các bạn học sinh. Các bạn không có quyền thất bại nên tất nhiên là sẽ bất chấp mọi cách để thành công..." |
Theo em, ưu điểm lớn nhất của việc xét tuyển đại học ở Mỹ là không gây áp lực với học sinh và cho họ nhiều lựa chọn hơn với chuyện chọn ngành. Nếu điểm SAT chưa cao, mình có thể thi lại; nếu trường A không nhận mình thì mình chọn trường B, C; nếu nhận ra là mình không thích ngành này thì có thể đổi ngành khác mà sẽ không phải gặp quá nhiều khó khăn. Ở Mỹ hoàn toàn không có khái niệm "rớt đại học."
Hành trình nộp đơn vào đại học cũng như xin học bổng của em là một hành trình nước rút. Học kỳ đầu tiên của năm lớp 12 là một khoảng thời gian rất căng thẳng đối với em. Em vừa phải luyện thi SAT và TOEFL, vừa phải hoàn thiện các bài luận, và vừa phải học ở trường nữa. Cuối cùng, em cũng được nhận vào nhiều trường tốt như Rose-Hulman Institute of Technology, Drexel, hay Lafayette.
Em chọn TCU chủ yếu là do em nhận được nhiều hỗ trợ tài chính nhất từ trường này. Có thể nói, niềm vui lớn nhất của em trong quá trình nộp đơn là mở hòm thư ra và thấy một bao thư với tiêu đề: "Congratulations! You have been admitted!" (Chúc mừng! Bạn đã được nhận vào học!).
- Hương Giang