- "Các em ở tuổi vị thành niên thường tâm lý chưa ổn định, rất khó kiềm chế bản thân và đặc biệt thiếu kinh nghiệm sống. Đa phần sống theo cảm xúc, có thể cáu gắt, bực bội vì những chuyện hết sức nhỏ nhặt. Và tuổi này là tuổi thần tượng vì vậy con có thần tượng là điều rất bình thường. Bố mẹ ngăn cấm hoàn toàn không hợp lý - Chuyên gia tâm lý chương trình "Cửa sổ tình yêu" Vũ Minh Phượng phân tích hiện tượng teen lên mạng mạt sát người thân.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Câu nói phản cảm học từ ai?

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Minh Phượng, lứa tuổi này, các em chưa có suy luận chững chạc để phân tích, giải thích các vấn đề gặp phải và bị ảnh hưởng rất nhiều của bạn đồng đẳng. Chỉ cần có một, hai hiện tượng như thế chúng rất dễ adua, vui thì chúng adua theo vui, buồn thì chúng adua theo buồn. Nếu có một "làn sóng" tích cực trên mạng thì chúng sẽ là thành viên tích cực nhất và ngược lại.

Chuyên gia tâm lý Vũ Minh Phượng

Một điểm nữa, các bạn trẻ luôn muốn tự khẳng định bản thân, điều này sẽ bị mâu thuẫn nếu như ở gia đình bố mẹ không biết điều đó, càng quản lý chặt, khắt khe, ra mệnh lệnh với chúng thì chúng càng chống đối để thể hiện chúng là người lớn.

Một thực tế, không phải chỉ trên mạng mà ngay trong đời sống thường ngày, nhiều em tuổi vị thành niên, thanh niên văng tục, chửi bậy không chút ngượng ngùng, xấu hổ. Chúng ta lại đặt ra câu hỏi: Vậy những câu nói phản cảm đó học ở ai? Nhà trường rõ ràng không dạy, bố mẹ cũng không dạy. Chúng chỉ học theo cách bắt chước. Bắt chước bạn đồng đẳng, từ mọi hoạt động diễn ra xung quanh chúng, thậm chí học từ chính người lớn. Nhiều bậc cha mẹ đánh nhau, chửi nhau, văng bậy vô tình khiến trẻ "học" được, chúng phát ngôn như một "từ mới" và bạn bè chúng cứ thế nói theo, làm theo.

Tóm lại, một trong những nguyên nhân đẩy "căn bệnh lạ" lên tới cao trào, diễn ra một cách quá mức vì những đứa trẻ này đang ở tuổi vị thành niên, tâm sinh lý chưa ổn định.

Tại một hội thảo về vị thành niên, một chuyên gia người Thụy Điển đã nói: "Tuổi vị thành niên là tuổi của các bệnh tâm thần" tức là có những biểu hiện mà người ta nghĩ rằng chỉ có người tâm thần mới làm như vậy ví dụ như: xúc phạm cha mẹ. Chuyên gia này cũng nói rằng: "Khi đã tìm hiểu tâm sinh lý ở vị thành niên, nhiệm vụ của chúng ta phải làm thế nào để trẻ qua được cái tuổi xao động này không bị quá đà về văn hóa, và an toàn về bạo lực hay tình dục .

"Trong trường hợp này, cũng có lỗi của người lớn trong cách tiếp cận và cư xử với con. Nếu cha mẹ cùng ngồi bàn bạc, lên kế hoạch một cách thân thiện như bạn bè, tôn trọng con như người đã trưởng thành thì có thể chúng sẽ không phản ứng tiêu cực như vậy" - chuyên gia tâm lý Vũ Minh Phượng nhận định.

Thay vì ra lệnh, quát mắng, đe nẹt hay đánh đập con hãy chọn cách nói phù hợp với lứa tuổi như: "Hè này con thử khéo tay việc nhà đi" hay "Con trổ tài "nữ công gia chánh" cho cả nhà nhé...". Cha mẹ nên khích lệ, giao việc bằng cách cho chúng cơ hội để chúng thể hiện bản thân.

Thêm vào đó, chuyên gia Minh Phượng cũng khuyến cáo: Bố mẹ phải biết cách nói chuyện và giao việc cho con chứ không phải sáng đi làm chỉ lạnh lùng: "Ở nhà lo quét nhà, cơm nước đầy đủ, chăm em đi!".

Ngay cả người lớn cũng sống theo cảm xúc, ít kiềm chế được cảm xúc, và trẻ vị thành niên còn sống thiên hướng cảm xúc nhiều hơn. Khi tiếp nhận một thông tin mang tính chất áp đặt, khó chịu thì cảm xúc của chúng bị nén xuống, sẽ dẫn đến hành vi kháng cự lại hoặc im lặng. Nếu nhận được những cử chỉ vui vẻ, trẻ sẽ thấy được quan tâm, yêu thương hơn.

Khoan trách giới trẻ vô cảm

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình bố mẹ thường xuyên "tối mắt tối mũi" ở cơ quan, chịu sức ép lớn của công việc nên ít thời gian quan tâm tới con cái. Đến trường, học sinh bị nhồi quá nhiều chữ nhưng kết quả học nhiều nhưng vẫn không có việc làm. Lại thêm môi trường xã hội xung quanh các em nhiều nơi "ô nhiễm" về văn hóa, các giá trị truyền thống đang dần mất đi. Ví dụ gần gũi nhất là việc một em nhỏ đánh rơi chiếc mũ trên đường, nếu như cách đây chục năm về trước, sẽ có rất nhiều người dừng lại nhặt giúp nhưng ngày nay, hành động vốn dĩ đã hiếm hoi đó lại được xem như "chuyện lạ". Và khoan hãy vội trách giới trẻ ngày càng vô cảm, ích kỷ, thực dụng bởi có thể việc nó làm cũng chỉ là hành động "bắt chước" những gì nó nhìn thấy, lắng nghe từ người xung quanh.

Ảnh có tính chất minh họa

Xét từ góc độ gia đình, những bậc làm cha mẹ cần quan tâm và cư xử với con một cách hợp lý. Nếu thực sự hiểu chúng phải thay đổi cách tiếp cận, làm mẹ đồng thời làm bạn. Rất nhiều người có con ở độ tuổi này đã từng nghỉ làm để làm bạn với con để chúng tâm sự, chia sẻ những vấn đề của chúng mỗi ngày. Nếu chúng có những hành vi nguy hiểm, ngôn từ không chuẩn mực thì bố mẹ phải là người có kinh nghiệm để giải thích cho con hiểu, vì lúc đó chúng mất bình tĩnh như cốc nước đang sôi sùng sục, phải để nó lắng lại thì mới hiểu hết điều mình phân tích.

Bố mẹ cũng phải làm gương mẫu mực cho con cái từ những chuyện nhỏ nhất để tránh mâu thuẫn, xung đột trong gia đình. Như chuyện "cậu con trai bất hiếu" xin 2 triệu mua điện thoại không được cho nhưng nếu bố mẹ lại thay đổi điện thoại hàng chục triệu như chơi, rồi hội hè, ăn mặc xa xỉ, chúng cho rằng 2 triệu đó chẳng là gì cả mà bố mẹ "khó khăn" một cách vô lý.

Nhưng có những em lại so sánh 2 triệu với gia đình khá giả, bố mẹ sẵn sàng cho con nhiều hơn nhưng lại không hiểu kinh tế nhà mình khó khăn, bố mẹ không tiếc nhưng số tiền đó đã bằng 1/3 lương của bố mẹ, bằng một tháng tiền học thêm của con. Nếu nói cho con hiểu hoàn cảnh gia đình mình thay vì nhiếc móc, hằn học, nó sẽ không phản ứng gay gắt như vậy.

"Tuổi này là tuổi thần tượng vì vậy con có thần tượng là điều rất bình thường. Bố mẹ ngăn cấm hoàn toàn không hợp lý. Cần biết con hâm mộ người đó về khía cạnh nào để phân tích nếu thần tượng sai, lệch hướng, còn thần tượng đúng phải lấy ưu điểm để khích lệ con vì chỉ cấm không thì không được." - chuyên gia tâm lý Minh Phượng nói thêm.

  • Thu Thảo (ghi)