- Sau khi ký sự của cô giáo mầm non được đăng tải, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện ngay chủ đề này để các thành viên vào chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm. Dạo quanh các trang ý kiến, không có gì khác với những chia sẻ gửi về VietNamNet, điều hiển hiện rõ ràng nhất là nỗi lo lắng của bố mẹ. Không ít độc giả đã không cầm được nước mắt.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Ký sự sởn da gà của cô giáo mầm non

Ảnh có tính chất minh họa.

Chuyện "thường ngày"

Độc giả Đặng Thị Huệ (Hà Nội) cho hay: “Đọc bài viết, tôi lại nhớ chuyện của con trai tôi thuở bé học mẫu giáo ở một trường công cũng vào hàng có tên có tuổi ở khu Thái Thịnh. Cháu ăn chậm nên các cô khuyến khích cháu đổ cơm vào nhà vệ sinh. Bữa sáng cũng đổ. Bữa trưa cũng đổ đi. Bố mẹ mãi mới biết, nhờ một bận, cháu hồn nhiên kể. Thảo nào mà con trai chả thấy lên cân. Nghe tin, tôi tức tốc lên báo cáo hiệu trưởng, đồng thời chuyển trường cho con ngay.”

Và câu chuyện của độc giả Vũ Thị Ngân: “Con em học mầm non trường công lập vì bức xúc quá mà em xin con chuyển ra tư thục, bé hiếu động và cuối cùng con em được kết luận "tăng động". Ngày nào em đến trường cũng bị cô phát biểu ý kiến đủ mọi điều. Em chán quá, cuối cùng chuyển trường cho con. Sau một tháng con tăng cân, có da có thịt, và quan trọng là “mẹ cho con học trường... con không về trường... đâu ạ”. Bé nhà em nghe lời hơn, chịu khó hơn và mỗi khi về nhà em cảm thấy bé vui vẻ hơn rất nhiều, ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa nên giờ em yên tâm hơn rất nhiều.”

Con còn quá nhỏ để tự bảo vệ, lại đang trong quá trình hình thành nhân cách, nhận thức. Đây chính là điều khiến phụ huynh xót lòng nhất khi gửi con đi trẻ trong bối cảnh giáo dục mầm non còn nhiều bất cập. Rất nhiều nỗi lòng của phụ huynh đã gửi về sau ký sự của cô giáo mầm non.

Độc giả Trịnh Thị Thu (Hà Nội) chia sẻ: “Đọc những dòng tâm sự của bạn, tôi thấy đau lòng và rớt nước mắt. Tôi cũng có con nhỏ đi mẫu giáo, nhìn thấy trẻ con đứa nào cũng rất thật đáng yêu, mỗi đứa một tính cách nhưng đều là những thiên thần, tôi cũng như tất cả những phụ huynh có con đều mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho con.”

Chị Thu tỏ ra thiếu niềm tin với đội ngũ giáo viên mầm non: “Tôi xin lỗi vì cũng không phải cô nào cũng thế nhưng hầu hết các cô giáo mầm non bây giờ không xứng đáng ở cương vị là "cô nuôi dạy trẻ". Họ không có kiến thức cũng như lương tâm của việc nuôi dạy các cháu, trẻ con như những tờ giấy trắng và cô giáo mầm non là người đầu tiên vẽ lên nó, không biết với những cô giáo như thế rồi xã hội sau này sẽ như thế nào khi mà" những tờ giấy trắng" bị chính tay các cô làm hoen ố.”

Một bà mẹ khác, chị Trịnh Yến nói lên tâm tư của người mẹ: “Tôi là một người mẹ. Trong thời buổi hiện nay, với những tiêu cực xảy ra tràn lan trong ngành giáo dục, thật là phúc đức cho những cha mẹ nào gặp được những cô bảo mẫu còn có tình thương và kinh nghiệm. Vì vậy, sau khi đọc "Ký sự sởn da gà của cô giáo mầm non", tôi vô cùng đau xót, cảm thương các cháu nhỏ trong hoàn cảnh như ký sự, và cảm thấy lương tâm con người càng ngày càng nhạt nhòa dưới áp lực của đồng lương, miếng cơm, manh áo và sự xuống cấp của xã hội.”

Rất nhiều phụ huynh thể hiện sư đồng cảm và thương xót với bé Bi, cậu bé bị coi là tự kỷ trong bài viết của cô giáo mầm non. Mong muốn của rất nhiều độc giả là cô giáo sẽ thông tin đến gia đình bé và khuyên họ gửi con ở một nơi đáng tin cậy hơn.

Độc giả Nguyễn Hải Hậu: “Tôi tình cờ đọc được ký sự ghi chép qua trang yahoo.com mà không cầm được nước mắt. Tôi thương cậu bé Bi. Nếu đúng là bé bị tự kỷ thì càng cần phải nhận được nhiều tình yêu thương hơn vì đó là một trong những cách làm thuyên giảm căn bệnh. Đọc đến hết bài báo tôi cứ thầm mong bạn Thảo trong một tháng thực tập tại trường mầm non đó ít nhất cũng tìm cách liên lạc với bố mẹ của bé để bố mẹ bé biết được tình trạng bé bị cô giáo ghẻ lạnh mà tìm một trường mầm non khác tốt hơn bởi sau khi bạn kết thúc thực tập, bé sẽ lại tiếp tục bị đối xử như vậy. Đọc xong bài ghi chép của bạn tôi cảm thấy xót xa và chẳng thấy yên tâm chút nào, cảm thấy như chính con trai mình đang bị đối xử như vây. Tôi mong tìm ra trường mầm non đó, thông báo cho hiệu trưởng nhà trường biết và cảnh cáo những cô giáo đó đồng thời thông báo cho bố mẹ của cháu bé biết mà chuyển con mình đến ngôi trường khác an toàn hơn.

Đối với người lớn, cách hành xử của giáo viên mầm non tương lai bị coi là “đáng xấu hổ” như ý kiến của bạn: “Thật chẳng thể hiểu nổi vì sao cả một tập thể giáo viên có thể đối xử với một cháu bé như vậy? Bé Bi có tự kỷ như các cô nhận định không? Đối với trẻ con chỉ có yêu thương, chỉ có trân trọng, gần gũi giúp đỡ mới có thể giúp trẻ phát triển bình thường”.

Giám sát mới yên tâm

Một sáng kiến và cũng là nguyện vọng của rất nhiều phụ huynh gửi về là được nhìn thấy con, theo dõi việc chăm sóc, dạy dỗ con của các cô giáo mầm non thông qua hệ thống camera giám sát. Đây là biện pháp được rất nhiều trường mầm non tư thục sử dụng.

Câu chuyện trong ký sự khiến độc giả Lê Thanh Bình thốt lên: “Tôi cũng có con nhỏ đang học mẫu giáo khi đọc bài viết này tôi lạnh toát cả người. Đây là lời cảnh báo đến những nhà chức trách.”

Theo chị: “Hãy trang bị mỗi lớp học của trẻ một camera quay lại cảnh sinh hoạt của trẻ.”

Độc giả khác hi vọng ở nhà quản lý: “Tôi cầu mong các nhà quản lý giáo dục mầm non hãy vì một thế hệ tương lai của đất nước mà lưu tâm, có những biện pháp hữu hiệu kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các tiêu cực như nêu trên. Biện pháp nên làm ngay là hãy sao bài ký sự này gửi ngay đến các trường mầm non, để ít nhất là đánh thức dậy tình thương, lương tâm và trách nhiệm trong các cô bảo mẫu....”.

Và có người chỉ hi vọng mong manh vì cho rằng: “Tôi thấy xúc động và tự dưng lại thấy nhói lòng. Với những bài viết nhỏ thế này, với những tâm tư nhỏ thế này, với những sức người nhỏ thế này thì làm sao có thể thay đổi được một sự thật ...oái oăm đang xảy ra hiện nay.”

Lương tâm và trách nhiệm của giáo viên mầm non đang bị đặt dấu hỏi thì một lần nữa, chiếc camera tiếp tục được nhắc đến trong giáo dục như là một phương thuốc sẽ điều trị thói vô cảm, gian dối và làm dịu bớt nỗi lo lắng của phụ huynh.

  • Nguyễn Hường (tổng hợp)