- Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 năm nay tại TP.HCM được học sinh đánh giá vừa sức và có yếu tố thực tế.
Còn ở Hà Nội, đề thi được đánh giá “an toàn”, nhưng nhiều HS vẫn nhăn mặt.
Vừa sức
Tại TP.HCM sau khi kết thúc môn Ngữ văn, thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái. Minh Anh, HS Trường Trung học thực hành Sài Gòn thi tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết, em thấy đề thi Ngữ văn “bàn về thế hệ gấu bông” không xa lạ với em trong cuộc sống hàng ngày.
Học sinh thi vào lớp 10 (Ảnh: Hiểu Minh) |
Còn Thanh Hằng (Trường THCS Phú Mỹ) chia sẻ: “Đề thi năm nay không khó, tuy nhiên câu số 4 cũng là câu chính của đề thi năm nay khiến em khó xác định là sẽ sử dụng bao nhiêu bài thơ”.
Nhìn chung các câu hỏi trong đề thi năm nay chỉ gói gọn trong chương trình lớp 9 nên không mấy khó khăn cho thí sinh. Cách ra đề tương đối mở vì không quá gò bó thí sinh vào chương trình học ở lớp mà mở rộng ra thế giới bên ngoài, đòi hỏi học sinh có cách phân tích về đời sống và kiến thức xã hội.
Phần lớn thí sinh đều mất nhiều thời gian suy nghĩ cho câu 4, câu hỏi buộc thí sinh phải thuộc và hiểu rõ ý nghĩa của nhiều bài thơ. Thí sinh sẽ làm tốt được câu này nếu như chọn đúng bài thơ có thể nêu bật được vẻ đẹp con người. Tuy nhiên khi được hỏi về câu số 4, nhiều thí sinh khá lúng túng ở khâu chọn bài thơ nào để phân tích.
Lương Ý Hảo (Trường THCS Lê Văn Tám) nhận định: “Em thấy câu số 4 hơi khó nhất là việc suy nghĩ nên chọn bài thơ nào mới đúng. Nhiều bạn chọn đến hai đoạn trong 2 bài thơ để phân tích, không biết cách đó có đúng không nữa”.
Tại Hà Nội, sáng 21/6, gần 80.000 HS Hà Nội dự thi vào lớp 10. Nhận định ban đầu, đề thi năm nay không có hỏi nghị luận và nằm trong chương trình SGK. Một số câu hỏi vẫn gây khó cho thí sinh.
Học sinh trao đổi bài thi môn Ngữ văn với giáo viên. (Ảnh Văn Chung)
Ghi nhận tại Hội đồng thi Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Kết thúc môn thi Ngữ văn không có thí sinh nào bị lập biên bản, kỉ luật do vi phạm quy chế thi. Hiện tượng thí sinh mang phao thi vào trường và vất phao tại cổng trường không xảy ra. Đề thi cơ bản, ra đúng trọng tâm nên nhiều thí sinh hớn hở, nộp bài từ trước đó 20 phút.
Học sinh Trần Quỳnh Trang đến từ Trường THCS Thị trấn Thường Tín cho biết:
“Dù không có câu nghị luận nhưng câu 2, phần hỏi về tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” khá
hay, tạo cảm hứng cho thí sinh làm bài. Tuy nhiên câu 1, khổ thơ trong bài Tiểu
đội xe không kính đó em ít để ý đến nên có thể làm chưa hết ý”.
Tuy nhiên, với những học sinh có sức học trung bình làm xong bài chỉ hi
vọng mình được khoảng 5 đến 6 điểm.
Giáo viên: Đề thi mang tính thời sự
Nhận xét về đề thi tại TP.HCM, cô Triệu Thị Huệ, giáo viên dạy văn của Trường Lê Hồng Phong nhận xét, đề văn có hình thức khá mới so với mọi năm, đề hấp dẫn, mang tính thời sự ở câu 3. Riêng câu 4 có cái hay là cho học sinh tự lựa chọn khổ thơ mình yêu thích để phân tích, không ép tất cả các em phải bình luận một khổ thơ mà có thể em không thích. Cách ra này cũng mới so với đề truyền thống trước đây.
Một giáo viên văn trường phổ thông dân lập nhận xét: Câu số 3 nêu hiện tượng rất gần gũi với cuộc sống của HS, phản ánh đúng hiện thực, là lời nhắn nhủ của người lớn đối với thế hệ trẻ.
Nhận định của một số phụ huynh khi đọc xong đề cho hay, đề thi năm nay không gây nhiều khó khăn cho HS. Tuy nhiên câu 3 sẽ phần nào đánh giá được HS có nắm được kiến thức xã hội và cách sống của giới trẻ hiện nay như thế nào.
Tâm trạng khác nhau của học sinh sau khi kết thúc bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội. (Ảnh Văn Chung) |
Nhận xét đề thi vào lớp 10 tại Hà Nội, cô Lan Anh, giáo viên môn Văn, Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Đề thi năm nay có điểm hay và khó hơn so với năm ngoái. Với đề này sẽ dễ dàng phân loại học sinh. Học sinh trung bình khá có thể đạt tối đa từ 6 điểm đến 7 điểm”.
Muốn đạt điểm cao theo cô Lan Anh: “Bên cạnh kỹ năng diễn đạt, học sinh
phải nắm thật chắc, cảm thụ tốt tác phẩm văn chương và các biện pháp được sử
dụng trong bài thơ”.
Chiều nay thí sinh tiếp tục thi môn Toán.
- Hương Giang-Hiểu Minh-Nguyễn Mai- Văn Chung