- Công an quận Đống Đa, Hà Nội vừa phá đường dây làm giả bằng tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ... Các đối tượng bị bắt giữ đều là những người đã tốt nghiệp ĐH hoặc đang là sinh viên.
Ngày 2/7, Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết vừa bắt giữ các đối tượng: Vũ Đình Quyền (SN 1983, quê Thanh Hóa); Đào Anh Tuấn (SN 1984, quê Thái Bình) và Nguyễn Đăng Đức (SN 1987, ở Hà Nội) để làm rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức của các đối tượng.
Quyền tại cơ quan công an và tang vật vụ án |
Trước đó, vào khoảng 17h ngày 13/6, Nguyễn Văn Bắc (SN 1979, trú tại Đống Đa, Hà Nội) thuê Vũ Đình Quyền làm giả 1 bằng cử nhân Kinh tế do Trường ĐH Ngoại Thương cấp cho Nguyễn Văn Bắc sinh ngày 13/2/1983, với giá 8,5 triệu đồng, có đặt trước 1 triệu đồng.
Sau khi nhận tiền, Quyền đã đưa thông tin và thuê đối tượng Quang (hiện chưa xác định được lai lịch) làm giả chiếc bằng trên với giá 5, 5 triệu đồng.
Đến khoảng 8h30 ngày 20/6, khi Vũ Đình Quyền đang giao chiếc bằng cử nhân kinh tế cho Nguyễn Văn Bắc tại một quán cafe trên phố Xã Đàn, Hà Nội thì bị Công an quận Đống Đa bắt quả tang.
Tại cơ quan công an, Quyền khai, ngoài chiếc bằng giả Quyền làm cho Bắc, anh ta còn làm khoảng 20 bằng tốt nghiệp các loại bán cho những người có nhu cầu.
Ngoài chiếc bằng tốt nghiệp ĐH bán cho Bắc, Quyền còn thuê Đào Anh Tuấn làm một số bằng giả, trong đó có 2 bằng (1 bằng tiến sĩ và 1 bằng thạc sĩ) mang tên Lê Thanh Minh, sinh ngày 20/8/1977.
Quyền nhận làm cho Minh với giá 12 triệu đồng đối với bằng thạc sĩ và 15 triệu đồng đối với bằng tiến sĩ, sau đó thỏa thuận với Tuấn làm bằng thạc sĩ giá 6,5 triệu đồng còn bằng tiến sĩ giá 8 triệu đồng.
Theo lời khai của Tuấn, sau khi nhận làm bằng giả cho Quyền, Tuấn đã thuê
Nguyễn Đăng Đức làm giả với giá 3 triệu đồng/ chiếc bằng. Cả Tuấn và Đức đều
khai nhận đã nhiều lần thực hiện hành vi mua bán bằng giả cho những người có nhu
cầu.
Tên tội phạm tố quản lý lỏng lẻo
Tốt nghiệp một trường ĐH có tiếng ở Hà Nội, sau khi bị bắt, tại cơ quan Công an, ngoài việc khai nhận về hành vi phạm tội của mình, tiếp xúc với phóng viên, Quyền còn đưa kiến nghị:
“Sở dĩ việc mua bán và làm bằng giả vẫn “phát” là vì các cơ quan chức năng chưa xây dựng được hệ thống hoàn chỉnh. Các tấm bằng giả thì tên người tốt nghiệp không hề có trong hồ sơ lưu ở các trường ĐH, CĐ... Nếu hệ thống của mình hiện đại, các cơ quan tuyển dụng chỉ cần gõ thông tin nhân viên của mình trên máy tính là có thể biết về quá trình học tập của nhân viên đó, tốt nghiệp năm nào, loại gì... Và như vậy thì người ta có thể kiểm chứng được bằng thật hay giả...”
Một tấm bằng giả |
Theo lời khai của Quyền, anh ta lên mạng rao bán các loại bằng, ghi rõ: “Dịch vụ bằng ĐH, CĐ...”, kèm số điện thoại liên hệ. Sau đó người có nhu cầu sẽ liên hệ với anh ta rồi hai bên ngã giá.
“Nguyên tắc” làm việc của Quyền là không bán bằng giả cho người quen, chỉ bán cho những người xa lạ. Mỗi tháng anh ta cũng bán được từ 4- 5 chiếc bằng giả. “Bằng tiến sĩ giá 15 triệu đồng, Bằng thạc sĩ giá 12 triệu đồng, ĐH 7,5- 8 triệu đồng”, Quyền khai nhận.
Cũng theo lời khai của Quyền, khách hàng tìm đến anh ta thường là những người đã hoặc sắp làm việc ở các công ty tư nhân.
Họ là những sinh viên lười học, nợ môn, mãi không thể tốt nghiệp, hoặc những người chỉ tốt nghiệp CĐ, Trung cấp nhưng lại muốn có tấm bằng tốt nghiệp ĐH nên đã tìm đến Quyền như một cứu cánh cho tương lai của mình. Và chỉ sau 3- 10 ngày trao tiền, “khách hàng” của Quyền đã có trong tay tấm bằng đỏ.
Hiện, cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ.
- T.Nhung