28-1-2011 là ngày hai bố con Thiều Quang - cậu học sinh lớp 4, trường quốc tế Singapore, Hà Nội bay sang Narita (Nhật Bản), từ đây bay tiếp đến Dallas (Mỹ) rồi lại bay sang Buenos Aires (Argentina) để bắt đầu chuyến du hành đến Nam Cực.
Theo lịch trình, ngày 1-2, từ Buenos Aires, Thiều Quang cùng bố sẽ bay đến thành phố cực Nam của thế giới Ushuaia (Argentina) và lên tàu MS Fram của Hãng Hurtigruten (Anh) vượt qua kênh Beagle đi Nam Cực. Sau khi vượt qua eo biển Drake Passage vào ngày 2-2, dự kiến, hai người sẽ đến bán đảo Nam Cực ở vị trí 66°33' vĩ tuyến Nam vào ngày 3-2, đúng mùng Một Tết Tân Mão.
Thiều Quang và bố trên đỉnh Jade Dragon Snow Mountain, Lijiang, Trung Quốc |
Đi Nam Cực làm phim về chim cánh cụt
Thiều Quang tỏ ra vô cùng hào hứng khi nói về chuyến đi đặc biệt này. Ham mê khám phá thế giới cũng như quan tâm đến lĩnh vực địa lý và các vấn đề môi trường, Quang đã rất thích tìm hiểu về Nam Cực từ khá lâu trước chuyến đi này. Hơn ba tháng trở lại đây, ngay sau khi chuyến thám hiểm Nam Cực đã được lên lịch, tất cả những thông tin liên quan đến địa danh thú vị này lại càng được Quang tích cực "nghiên cứu".
Nhìn cậu bé 10 tuổi nhanh nhẹn vào Internet, dùng Google Maps để miêu tả vanh vách từng chặng hành trình sẽ phải vượt qua để đến Nam Cực, dễ dàng cảm nhận được Quang đã chờ đón chuyến đi này như thế nào.
"Nhà thám hiểm nhí" tiết lộ về một kế hoạch hay ho khi tới Nam Cực, đó là cậu sẽ thực hiện một bộ phim dài 40 phút theo kiểu phim khoa học tài liệu có hình ảnh và lời bình. Trong bộ phim này, Quang sẽ ghi lại những hình ảnh của chim cánh cụt, cá voi, các địa danh nổi tiếng ở Nam Cực, công việc của các nhà khoa học, phòng máy trên tàu và những người bạn quốc tế cùng tham gia chuyến đi. Quang rất thích chim cánh cụt. Cậu có thể kể ra vanh vách một số loài chim cánh cụt hiện đang sống tại Nam Cực cũng như những đặc điểm tập quán tiêu biểu của chúng.
Bộ phim về chim cánh cụt và Nam Cực cùng với những bức ảnh đặc sắc được chính tay Quang ghi lại này, sau khi kết thúc hành trình và trở về Việt Nam, sẽ được "nhà thám hiểm" đem giới thiệu và chia sẻ với các thành viên trong lớp - theo như kế hoạch đã bàn bạc với thầy giáo và các bạn từ trước đó.
Thiều Quang (phải) và em trai Hoàng Anh trong một chuyến đạp xe ra bãi giữa sông Hồng, Hà Nội. |
Chuẩn bị cho chuyến đi
"Thách thức lớn nhất ở chuyến đi này là việc chuẩn bị, ví dụ là làm sao chọn được hành trình hợp lý nhất. Đồng thời, ngoài việc đáp ứng các quy định, thủ tục thì phải làm thế nào để thuyết phục công ty tổ chức đồng ý cho con trai tôi tham gia, vì thông thường, trẻ em trên 12 tuổi mới được đi Nam Cực" - anh Phạm Quang Vinh (bố Quang)- một doanh nhân quê ở Nghệ An, hiện sống và làm việc tại Hà Nội, chia sẻ.
Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, anh Vinh và con đã chọn chuyến đi trên tàu MS Fram của Hurtigruten vì có thể rút ngắn thời gian vượt qua eo biển Drake Passage với ít hơn 40 giờ, thay vì những con tàu khác cần 60 giờ để vượt qua chặng đường vất vả nhất của chuyến hành trình này.
Ở Nam Cực lúc này đang là mùa hè, nhiệt độ vào khoảng -14 độ đến -5 độ C, trời rất lạnh nhưng cũng rất nắng. Anh Vinh đã phải nhờ bạn bè ở nước ngoài tìm mua và gửi về một số tư trang như quần áo, kính, giày chuyên dụng để dùng tại Nam Cực. Giầy sử dụng tại đó phải là loại giày nhẹ, có khả năng chịu nước, hay ba lô cũng phải chọn loại không thấm nước biển.
Một vật dụng không thể thiếu nữa là "gaiters" - ghệt chống thấm nước quấn quanh chân từ giày đến đầu gối để tuyết và nước không lọt vào trong giày. Do Nam Cực rất gần mặt trời nên một đôi kính đen thẫm với khả năng chống tia UV cao giúp bảo vệ đôi mắt trong điều kiện nắng chói chang và lỗ thủng tầng ozone cũng là một vật dụng hết sức cần thiết…
Thể lực cũng là một vấn đề được hai bố con Thiều Quang quan tâm đầu tư. Trong 10 ngày khám phá Nam Cực, từ 3 đến 12-2, họ sẽ đến trạm nghiên cứu Rothera Station trên đảo Adelaide và một trạm nghiên cứu thuộc đế chế Anh trong những năm 1950 là Base E trên đảo Stonnington, ngoài ra là các đảo và vịnh như Deception, Half Moon, Yankee Harbour, Cuverville Island, Neko Harbour, Paradise Harbour, Lemaire Channel, Petermann Island, Port Lockroy,Wilhelmina Bay, Antarctic Sound và Brown Bluff…
Một danh sách các điểm đến dày đặc như vậy đòi hỏi các thành viên trong đoàn phải quen với việc vận động nhiều. Tuy nhiên, đây có vẻ không phải một thử thách đáng kể đối với hai bố con Quang, bởi họ vẫn thường xuyên hoạt động rèn luyện thể chất kết hợp với khám phá thiên nhiên.
Được biết, cứ Chủ nhật hàng tuần, Thiều Quang cùng với bố và em trai Hoàng Anh (sinh năm 2005) vẫn đạp xe ra bãi giữa sông Hồng để thư giãn trong một bầu không khí trong lành của sông nước cây cỏ. Mỗi lần như vậy, tính ra họ đã đạp xe với quãng đường khoảng 15-20km. Thiều Quang còn đứng ra vận động các bạn ở trường thành lập câu lạc bộ Hanoi Superkids Riding để cùng tổ chức các chuyến đạp xe dã ngoại.
Thiều Quang trên đỉnh Jade Dragon Snow Mountain, Lijiang, Trung Quốc năm 2009 |
Lập kỷ lục không phải là điều quan trọng nhất
Mặc dù khá thú vị với việc con trai mình sẽ thành người châu Á trẻ tuổi nhất đến Nam Cực nhưng anh Vinh vẫn khẳng định, đó không phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng hơn là hai bố con anh sẽ được cùng nhau thực hiện ước mơ khám phá thế giới theo kiểu "hai người bạn rủ nhau đi chơi".
"Hồi nhỏ mình luôn mơ ước được đi du lịch khắp nơi, có những ước mơ hồi ấy không có điều kiện thực hiện thì bây giờ mình muốn rủ con trai cùng làm, ví dụ như chuyến đi này" - anh Vinh chia sẻ. Tuy hai bố con cùng các thành viên khác trong gia đình đã du lịch tới nhiều nơi trên thế giới nhưng chắc chắn, chuyến đi Nam Cực lần này sẽ là một trải nghiệm ấn tượng nhất.
Không chỉ có Thiều Quang mà cả bố của cậu cũng rất háo hức với hành trình khám phá Nam Cực, để được lần đầu tiên trải qua một ngày dài của mùa hè Nam Cực với chỉ có một tiếng trời tối, hay được tận mắt nhìn thấy những chú cá voi, sư tử biển, hay cả bầy chim cánh cụt - những thứ vốn chỉ thấy qua tivi, sách báo… Và sau chuyến đi, họ sẽ có được những tư duy, hình ảnh rõ ràng về Nam Cực và những con người sống nơi đây.
"Đôi khi chúng ta nghĩ theo kiểu "cho trẻ con đi chúng không biết gì đâu", nhưng tôi không nghĩ như vậy, mỗi chuyến đi đều để lại cho trẻ những ấn tượng và ghi nhớ theo cách riêng của chúng. Và khi chúng ta biến một ước mơ thành hiện thực thì những ước mơ khác lại được hình thành" - anh Vinh tâm sự.
Người VN đầu tiên đặt chân đến Nam Cực và cắm cờ Tổ quốc tại đây là chị
Hoàng Thị Minh Hồng, vào năm 1997. Cùng với 34 thanh niên đến từ 24 quốc
gia khác, cô gái 25 tuổi Minh Hồng khi đó đã được chọn là đại diện duy
nhất của VN tham dự chuyến thám hiểm Nam Cực lần đầu dành cho thanh niên
thế giới, do tổ chức 2014 thực hiện. Tổ chức này hoạt động với mục đích
tuyên truyền về tầm quan trọng và bảo vệ hiệu lực của Hiệp ước Nam Cực,
để vùng châu lục hoang dã lớn nhất còn sót lại trên Trái đất không bao
giờ bị khai thác. |