- 10h15, các thí sinh thi khối C, D đã dừng bút trước bài thi môn Ngữ văn. Trước đó, 8h45, thí sinh thi khối B cũng đã hoàn tất bài thi môn Sinh học theo hình thức trắc nghiệm.
Gọi thí sinh vào phòng thi tại Học viện Báo chí. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đã thành thông lệ vài năm nay ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, đề thi môn Ngữ văn vào các khối C, D luôn dành một câu hỏi chiếm 3 điểm cho thí sinh viết nghị luận theo một chủ đề thời sự.

Năm nay, đề thi khối C yêu cầu thí sinh viết đoạn văn 600 chữ nêu ý kiến về quan niệm: "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lâp nên thành tựu".

Trong khi đó, đề thi khối D nêu vấn đề về thái độ với thần tượng: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa".
Đề thi môn Ngữ văn, khối D, kỳ thi ĐH năm 2012

Theo ghi nhận nhanh, câu hỏi dành cho C được thí sinh nhìn nhận là khá "rắn".  Còn câu hỏi nghị luận của đề thi khối D thì sát thực tế và không phải suy nghĩ nhiều khi viết.

Khối C: 'Rắn'!

Trong đề thi khối C, câu 1 thường được xem là "gỡ điểm" cho các thí sinh. Thế nhưng năm nay nhiều  sĩ tử phải "cắn bút" trong phòng thi bởi bỏ qua hoặc ôn sơ sài tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Thí sinh Hoàng Ngân (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: "Xem đề thi em rất run vì em không có bất cứ ý niệm nào, một chữ trong đầu về tác phẩm này cũng không biết thì sẽ làm sao đây? Nhiều bạn cùng phòng cũng phát khóc lên vì không học bài mà câu hỏi lại chỉ tập trung vào một chi tiết nhỏ".

Nhiều thí sinh khác tại điểm thi Học viện Báo chí cũng chung tâm trạng thất vọng về bài thi của mình.

Ngoài ra, thí sinh cũng than thở phần nghị luận xã hội về "bệnh" thành tích của những kẻ cơ hội" khá khó, nếu không đọc kỹ đề dễ nhầm lẫn. Để làm được trọn vẹn ý của câu này đòi hỏi học sinh trang bị tốt kiến thức xã hội và khả năng phân tích, lập luận logic.

Phần riêng của đề thi là "niềm hi vọng" của rất nhiều sĩ tử vì câu hỏi không mang tính chất đánh đố.

Một số thí sinh chọn câu phân tích tổng hợp hai đoạn thơ trong bài "Đây thôn vĩ dạ" của Hàn Mặc Tử và "Tương tư" của Nguyễn Bính với lý do bám sát vào thơ sẽ tìm được tư tưởng chung và sự khác biệt của vẻ đẹp rất đỗi bình dị, thân thương nơi quê nhà của hai tác giả.

Còn lại, nhiều bạn lựa chọn phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành. Đây là nhân vật tiêu biểu mang vẻ đẹp sử thi nổi bật và là tác phẩm được nhiều học sinh ưa thích.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ (giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐHQG Hà Nội) nhận xét:

"Đề thi năm nay cơ bản, mọi kiến thức đều nằm trong sách giáo khoa và cẩm nang ôn thi. Nếu thí sinh chịu khó đọc, học trong sách sẽ làm được. Nhìn chung tổng thể 3 câu có thể phân loại được thí sinh, phổ điểm tương đối rộng. Riêng câu 1 Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ví vẻ đẹp của hai dòng sông với hình ảnh hai người phụ nữ là tương đối chi tiết, ý nhỏ này ẩn trong tác phẩm nên nhiều em khi đọc bút ký sẽ không nhớ, không để tâm tới nên dễ bị mất điểm. Nhìn chung, dạng đề này khá an toàn cho cả người ra đề và người tổ chức ra đề".

Trần Anh Đức, học sinh lớp 12 chuyên văn, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội – giải Nhất văn quốc gia năm 2012 cho biết: “Đề thi khối C năm nay khiến nhiều bạn hơi bất ngờ vì một số tác phẩm đã hỏi ở đề thi năm trước. Câu 1 đã hỏi năm 2010 hay bài thơ Đây thôn vĩ dạ của Hàn Mặc Tử và cách hỏi so sánh với Tương tư của Nguyễn Bính cũng không mới.

Cách ra đề thi năm nay như mọi năm: cũng là một câu nghị luận xã hội, câu 5 điểm có câu hỏi riêng về kiến thức sách giáo khoa và một bài so sánh.

Anh Đức phân tích chi tiết: “Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? Của Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ hỏi kiến thức sách giáo khoa. Tuy nhiên đây là dạng ký, nhiều bạn cũng không thích học lắm. Phần này, các bạn ngoài việc phải nhớ văn bản, phát hiện ý trong bài và khẳng định đó là phát hiện mới của Hoàng Phủ Ngọc Tường về dòng sông Hương cũng như khẳng định được vai trò trí sông với nền văn hóa Huế nói chung.

Về câu hỏi nghị luận xã hội, theo Anh Đức: “Câu hỏi thú vị, dù không thời sự như khối D. Đề hỏi về thành công và cách đạt được, ứng xử với thành công của con người. Câu hỏi có 2 ý và mỗi ý em lấy ví dụ để chứng minh cụ thể. Đó là những ví dụ trong lịch sử, những danh nhân hay trong văn chương như trong  Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải đã thể hiện tình cảm về việc dâng hiến “một mùa xuân cho đời”. Đó là những người đã hy sinh lợi ích cá nhân vì hạnh phục của nhân dân và xã hội.

Em không lấy nhiều các ví dụ thực tế cuộc sống. Bởi thông qua những ví dụ trên và lập luận của bản thân cũng tức là thể hiện thái độ, suy nghĩ của mình rồi”.

Với bài làm 12 mặt giấy, Đức Anh chắc chắn mình được khoảng từ 7,5 đến 8 điểm. Năm nay bạn thi vào Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội.

Khối D: Phù hợp tâm lý lứa tuổi


Trong khi rất nhiều sĩ tử thở dài ngao ngán với đề khối C thì các thí sinh dự thi khối D có phần tươi tỉnh hơn. Các thí sinh  cho biết câu 5 điểm khá nhẹ nhàng vì phân tích đoạn trích trong tác phẩm "Tràng giang" không quá khó nếu hiểu và đặt đoạn thơ trong mạch tư tưởng chung của toàn bài.

Phần nghị luận xã hội được đánh giá khá hay khi "rơi vào" vấn đề "nóng", phù hợp tâm lý lứa tuổi, được nhiều bạn trẻ quan tâm. Các em rất hứng thú khi viết về chuyện "ngưỡng mộ và mê muội thần tượng".

Cũng tương tự như đề khối C, trong đề khối D, nhiều thí sinh vô tình để mất điểm ở câu 1 bởi chi tiết trong tác phẩm khá nhỏ, nhiều em không chú ý nên khó phân tích khi không hình dung ra bối cảnh, tác động của chi tiết tới diễn biến tâm lý của nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài.

Nguyễn Quang Phát, học sinh lớp 12, Trường THPT DL Lô-mô-lô-xốp, Hà Nội thi vào Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: “Nhiều bạn có hiện tượng quá say mê thần tượng, nhất là những ca sĩ hay nhóm nhạc. Em lấy ví dụ từ những gì mình thấy như chuyện thần tượng nhưng hay có cãi vã, cư xử thiếu văn hóa. Hâm mộ tới mê muội sẽ dẫn tới những hành động có thể không tốt như thế nào?”

Đề thi môn Ngữ văn, khối C, kỳ thi ĐH năm 2012


Lê Việt Cường, lớp 12 Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa bước ra khỏi phòng thi Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội phấn khởi: “Em làm bài khá tốt. Các câu hỏi không khó và không đánh đố.

Câu 3 điểm hỏi về việc hâm mô thần tượng. Sự việc gần đây xuất hiện rất nhiều trên báo chí.  Rất nhiều việc quá nhiều chuyện bức xúc. Ví dụ thần tượng Hàn Quốc sang Việt Nam nhận được quan tâm quá lớn. Có người xếp hàng nhiều ngày trước sân bay. Có người khóc , ngất khi phải chen lấn để được nhìn mặt thần tượng. Hay có người như Ngọc Trinh cũng được nhiều bạn 'thần tượng". Các bạn khi quá hâm mộ bắt chước từ đầu tóc quá màu mè đến hành động và lời lẽ. Trong khi chính thần tượng không phải ai cũng toàn diện và đáng học”.

Với đề bài này, chàng trai xứ Thanh chắc chắn mình được khoảng 7 điểm đến 8.

Nhìn chung, các thí sinh cho rằng để làm được đề này không khó nhưng nếu đạt điểm cao lại không phải chuyện dễ, hầu hết sĩ tử chỉ ước tính đạt từ 5 - 6 điểm.

Sứ mệnh của đề văn: Không chỉ để thi

Đánh giá về đề thi ĐH môn Văn khối D, thầy Nguyễn Quang Trung (T.S Ngữ văn, Tổ trưởng tổ các bộ môn Khoa học Xã hội, Trường Chuyên Ngữ, ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQG Hà Nội) cho biết: " Sứ mệnh của đề Văn không chỉ để thi mà còn góp phần định hướng cách học và dạy cho toàn xã hội. Điểm được của đề năm nay là đã chạm được vào kiến thức cơ bản trong chương trình lớp 11, 12, có tính mĩ cảm, kích thích cảm nhận về cái đẹp trong văn chương của thí sinh. Các chi tiết được chọn trong đề thi đều là những chi tiết hay, khắc phục được cách học chung chung đại khái, đòi hỏi học sinh phải nắm vững những chi tiết cụ thể, khắc phục cách học và dạy văn kiểu "xã hội học".

Tuy nhiên, cách hỏi về chi tiết nghệ thuật như con dao hai lưỡi, nó có điểm bất lợi là nếu thí sinh cảm thụ tác phẩm chỉ sa vào chi tiết sẽ quên đi cái toàn thể dễ dẫn tới cách học văn vụn vặt.

"Chí Phèo" và "Vợ nhặt" là hai truyện ngắn rất hay mà linh hồn của tác phẩm là nhân vật. Nhưng cách hỏi trong đề thi sẽ khiến học trò bỏ đi cái quan trọng nhất của truyện ngắn là về nhân vật mà chỉ chú tâm tới các chi tiết.

Thêm nữa, đề văn đại học trong mấy năm gần đây thường chọn những chi tiết như vậy dễ gây nhàm, nên đổi mới cách ra đề sinh động, hấp dẫn hơn.

Riêng đề khối C năm nay có thể không hấp dẫn một cách trực tiếp như khối D nhưng tôi đánh giá nó rất vững vàng về kiến thức tác giả, tác phẩm và đặc trưng thể loại".

  • Thu Thảo - Văn Chung
                   59 thí sinh bị đình chỉ trong sáng 9/7

Báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT cho biết: Trong buổi thi sáng 9/7 ở các môn thi khối B, C, D và Năng khiếu đã có 603.056 thí sinh đến dự thi, đạt tỷ lệ 80,76%.

So với cùng kỳ năm 2011, tỷ lệ thí sinh đến dự thi đại học đợt II khối B, C, D và Năng khiếu buổi sáng ngày 09/7/2012 tăng 0,27% (năm 2011 là 80,49%);

Trong buổi thi sáng 09/7/2012, thí sinh khối B thi môn Sinh học theo hình thức trắc nghiệm (90 phút), khối C, D và Năng khiếu thi môn Ngữ văn theo hình thức tự luận (180 phút). Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót.

Trong buổi thi, có 65 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 03, đình chỉ thi 59 và không được dự thi do đến muộn 03); có 01 cán bộ bị xử lý kỷ luật đình chỉ làm công tác thi.

Trong đợt thi này, lượng hồ sơ đăng ký nhiều nhất ở khối B (289.321 bộ), sau đó là khối D (219.522 bộ) và tiếp đến là khối C (84.455 bộ), các khối còn lại như M, N, T, H.
Văn Chung

Đề thi môn Ngữ văn khối C

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), ở phần nói về thượng nguồn sông Hương, Hoàng Phú Ngọc Tường đã ví vẻ đẹp của dòng sông này với hình ảnh hai người phụ nữ, đó là những hình ảnh nào? Ý nghĩa của những hình ảnh ấy?

Câu 2 (3,0 điểm)

Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu của phần riêng (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Cảm nhận về vẻ đẹp sử thi của hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011).

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Cảm nhận về hai đoạn thơ sau:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11 Nâng cao,

Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.46)

 

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

(Tương tư – Nguyễn Bính, Ngữ văn 11 Nâng cao,

Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.56)



Đề thi môn Ngữ văn khối D

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), việc Mị nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ diễn ra trong hoàn cảnh nào? Sự việc ấy có ý nghĩa gì đối với tâm lý của nhân vật Mị?

Câu 2 (3,0 điểm)

Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu của phần riêng (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao kết thúc bằng hình ảnh:

Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…

(Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.155)

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân kết thúc bằng hình ảnh:

Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.32)

Cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của những kết thúc trên.

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh tạo vật thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

 

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

(Tràng giang – Huy Cận, Ngữ văn 11 Nâng cao,

Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.49)



*****************
Mời bạn đọc gửi ý kiến về đề thi các môn theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn.

SOẠN TIN
DT <SBD> gửi 6524
Nhận kết quả điểm thi ngay khi công bố
 
DTG  <SBD> gửi 6724
Nhận gói điểm thi (điểm thi, chỉ tiêu, xếp hạng)
 
DC <mã trường> <khối> gửi 6524
Nhận điểm chuẩn ngay khi công bố
 
XH <SBD> gửi 6524
Để biết thứ hạng của mình so với các thí sinh khác