- Mười hai con giáp, chỉ Mèo theo nghề dạy học. Cũng giống các thầy thời nay, Mèo gặp phải trò Hổ ngỗ nghịch, toan “Bạo lực học đường” với sư phụ, Mão sư tót lên cây, cũng kêu gọi “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mười hai con giáp, chỉ Mèo là khoan hòa, ít đua tranh. Giấu sự tinh anh, an nhàn như một triết gia, Mão sư náu mình nơi thâm sơn cùng cốc, không màng tới lợi danh. Làng giáo Hà Tĩnh cũng có những kì nhân tuổi Mão như vậy. Họ chối bỏ công danh đã nắm chắc trong tay, chọn cho mình cuộc sống ẩn cư thanh bần lạc đạo.

Thầy Đoàn Dánh

Đất trên vách gặp thời mưa gió

Thầy Nguyễn Mão sinh năm 1939. Sách tử vi viết: Tuổi Kỷ Mão: Mệnh Bích Thượng Thổ, nghĩa là đất nằm trên bờ tường.

Tốt nghiệp xuất sắc khoa Sinh, Trường ĐH Tổng hợp, chàng trai chân quê Nguyễn Mão được giữ lại làm giảng viên ĐH Quốc gia.
 
Khi có danh sách đi nghiên cứu sinh, thầy vội vàng xin về ĐH Vinh. Từ chối quyết định đề bạt ở ĐH Vinh để xin về quê, dạy cấp 3 Cao Thắng.

Lại thấy xe đạp lọc cọc đi dạy cấp 3 vất vả, thầy lại xin về dạy trường cấp 2 Sơn Kim ngay cạnh nhà.Người thầy cầm tinh con mèo ấy, kiên quyết lội ngược dòng công danh về nơi rừng núi. Mười hai năm nay nghỉ “trồng người” thầy trở thành một "người trồng vườn" đúng nghĩa.

Ngẫm ra, cuộc đời dạy học của thầy Mão cũng lạ thật. Tốt nghiệp xuất sắc cử nhân Sinh vật, dạy Triết học ở 2 trường Đại học, về dạy Chính trị ở cấp 3, rồi dạy giáo dục công dân ở cấp 2. Chỉ khi nghỉ hưu, mới được dùng đúng tấm bằng Sinh học sở trường ngày trước trên mảnh vườn của chính nhà mình.

 

Mệnh Bích Thượng Thổ còn gọi Thành đầu Thổ nghĩa là đất trên bờ tường, hay đất trên đầu thành cao. Chắc gặp phải thời mưa gió bất thường nên đất trên tường mới rơi xuống nhanh như vậy. Có thể thầy Mão mang vía Mèo lười, kị công danh, lại kỵ với môn học thầy cho là sở đoản. Mà cũng có thể, thầy muốn mau thực hành kiến thức sinh vật sở trường ngay vườn nhà. Hơn mười năm nghỉ hưu, quả thật, vườn cây cảnh của thầy nay đẹp như tranh.

Thầy Hồ Thành Kiểm cũng sinh năm Kỷ Mão 1939. Ra trường ít lâu, thầy được điều về Sở Giáo dục Vĩnh Phú. Đang là trưởng phòng phổ thông trẻ đầy năng lực, thầy tìm đủ mọi cách xin về quê Hương Sơn. Tỉnh Vĩnh Phú tìm mọi cách giữ người tài không xong, cũng đành chấp nhận.

Trong một lần họp ở Bộ, thầy Thái Bá Sô tình cờ nghe anh bạn là Giám đốc Sở  Giáo dục  Vĩnh Phú hỏi thăm đến tên Hồ Thành Kiểm, anh bạn đó tưởng thầy Kiểm về làm gì to lắm trong Hà Tĩnh.

Hóa ra, thầy Kiểm đang là giáo viên toán trường Lê Hữu Trác. Thế là bị mời ra làm phó phòng rồi lại làm hiệu trưởng. Hồi ấy công tác tổ chức còn “lạc hậu” lắm, chứ "bài bản" như bây giờ, mục thất mới tự dưng có người mời ra làm hiệu trưởng.

Với hiệu trưởng Hồ Thành Kiểm, Trường THPT Lê Hữu Trác I dần vươn lên soán ngôi trường đầu huyện. Dân Hương Sơn kính trọng thầy vì tài, lại cảm phục thầy vì đức. Làng giáo Hà Tĩnh coi thầy là một hiệu trưởng mẫu mực hiếm có. Năm thầy sắp nghỉ, thay vì nhận danh hiệu NGƯT lại là một án kỷ luật trời ơi.

Thương học sinh đi học trái nẻo, thầy nhận một số học sinh Trường Lê Hữu Trác 2 chuyển về trường mình, thế là án kỷ luật.
Dù làm đúng luật nhà nước, đúng quy định của Bộ, nhưng vì “phép vua thua lệ Sở” nên đành phải chịu.

Hôm đọc quyết định kỉ luật, nhiều giáo viên bất bình. Họ cho rằng giáng kỷ luật xuống một người hiền đức ngay trước khi nghỉ hưu, là vô đạo lý.

Thầy Kiểm là ông giáo "nhà quê" chất phác hơn là một “nhà này, nhà nọ”.

Không ô tô, nhà lầu như họ đã đành, xe máy thầy cũng không có nốt.

Gần ba mươi năm làm sếp, chỉ căn nhà cấp bốn đơn sơ. Mấy nhân viên cũ của thầy ở Vĩnh Phú, sau làm cán bộ to ở Bộ GD-ĐT cứ băn khoăn mãi, về cách dùng người của Hà Tĩnh. Vào thăm thầy, họ lại quá ngạc nhiên vì gia cảnh khó khăn của thầy.

Sách tử vi viết: Tuổi Kỷ Mão, Con nhà Huỳnh Đế, ẩn tàng sự Phú quý.

Mà thầy Nguyễn Mão với thầy Hồ Thành Kiểm, cùng tuổi Kỷ Mão, lại thấy cũng nghèo khổ như nhau. Chắc là sự phú quý của họ ẩn tàng bên trong sự thanh bần. Với các ông giáo Kỷ Mão này, câu: “Tri túc, tâm thường lạc. Vô cầu, tự phẩm cao” có lẽ hoàn toàn đúng.

Lửa trong lò cháy mãi không tàn

Thầy Đoàn Dánh sinh năm 1927, Sách tử vi viết: Tuổi Đinh Mão, Mệnh Lư Trung Hỏa, tức là ngọn lửa cháy trong chiếc lư đồng.
Thuở đi học, Đoàn Dánh nổi tiếng hay chữ lại hiền lành. Học xong sư phạm, về Tuyên Hóa dạy học, vài năm sau được cử ngay làm hiệu trưởng.
Hóa ra làm hiệu trưởng là họp hành, liên hoan ăn uống phiền hà. Hóa ra làm hiệu trưởng là tiếp khách, là người này người khác cầu cạnh và không có thời gian để tự học.

Thầy Dánh bèn trả lại chức hiệu trưởng cho Ty Giáo dục, để làm một giáo viên toán bình thường.

Chỉ ít lâu sau, Đoàn Dánh nổi danh là một giáo viên toán kiệt xuất của mấy tỉnh miền Trung. Thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung, dùng được ba ngoại ngữ nữa là Nga, Ba Lan, Hunggari để dịch sách toán.

Từ bỏ con đường công danh rộng mở ở Quảng Bình, thầy lại xin về quê Hương Sơn. May mà Hà Tĩnh không “bắt” thầy làm lãnh đạo.

Chỉ ai vững bản lĩnh làm người, mới có thể an nhiên giở những trang tiếp theo của cuốn sách cuộc đời mình. Mới biết, có mấy ai dám chối bỏ công danh ngay khi vừa nắm trong tay. Những người như thầy Mão, thầy Kiểm, thầy Dánh quả là những kỳ trân giữa cuộc đời này.

Nhưng làm chân tổ trưởng tổ toán vẫn cứ phiền hà. Xin nghỉ chân tổ trưởng tổ toán trường cấp 3 Hương Sơn, rồi thầy xin nghỉ hưu trước tuổi luôn.

Thầy lui về một góc núi đồi hẻo lánh nhất của xã Sơn Thủy để làm toán và soạn từ điển. Làm toán và soạn từ điển chỉ vì đam mê, hết soạn từ điển Hán nôm, từ điển Anh Việt, đến từ điển Pháp Việt nay thầy lại soạn từ điển tiếng địa phương Hương Sơn.

Soạn xong biếu bạn bè, học trò để họ sử dụng hay làm gì, có khi thầy cũng không quan tâm. Mấy bộ từ điển thầy tặng trường THPT Hương Sơn, nằm một góc trong thư viện, thỉnh thoảng mới có vài thầy cô tìm đọc.

Thầy quá nghèo, mà có lẽ thầy cũng không nghĩ là sẽ xuất bản chúng. Mấy vị trò cũ làm sếp, có hứa này hứa nọ. Nhưng có lẽ với họ, quốc đại gia sự là trọng, nên lời hứa với thầy cũ cứ theo gió bay đi mãi.

Năm nay tròn 85 tuổi, mới thoát cảnh nhà tranh vách đất, ấy là cũng nhờ các trò xưa là "phó thường dân" góp công góp sức thêm.

Bên căn nhà cấp bốn nho nhỏ mé đồi cao, ngày ngày ông già "bát tuần dư" lại ngồi dịch sách, làm vườn, câu cá với đọc thơ.

Tuổi Đinh Mão ứng mệnh Lư Trung Hỏa. Thầy Dánh quả là “ngọn lửa trong lư” sưởi ấm mãi lòng người xung quanh. Trò cũ về thăm, khi thì hỏi thầy về toán khi lại hỏi về văn thơ, khi nào cũng được thầy chỉ vẽ chu đáo. Mấy ông làm ở Viện Hán Nôm nhiều khi cũng điện thoại nhờ thầy trọng tài giùm các điển cố mà họ tranh luận chưa ngã ngũ.

Chỉ có các phòng ban chuyên môn của tỉnh nhà là hình như chưa có việc gì phải thỉnh đến thầy. Mà việc gì lại phải thỉnh đến thầy, họ chỉ ra cái đề thi, cũng đã bị phê phán chê cười quen đi rồi. Nên việc học hỏi thêm, có lẽ không cần thiết nữa. Kinh phí nghiên cứu khoa học của ngành cũng eo hẹp, nên chưa thể quan tâm đến các công trình nơi sơn cốc của thầy Dánh được.

Sách tử vi viết: Tuổi Đinh Mão Con nhà Xích đế, ẩn tàng Cô quạnh. Với thầy Dánh có lẽ đúng thế thật. Con cháu thầy ở xa, hai vợ chồng già đơn chiếc nơi xóm vắng thật cô liêu. Không biết là vận mệnh ứng vào, hay là bậc hiền nhân kỳ tài này không thể hòa lẫn được sự xô bồ bon chen của thời buổi ngày nay.

Có kẻ có chút chức quyền, không ai biết họ mang cầm tinh con gì. Bởi sợ cảnh từ cao xuống, họ tìm cách giấu niên canh, sửa đổi hồ sơ.

Mèo thì không biết giấu tuổi, chỉ biết giấu phân. Mấy người đó lại lo giấu tuổi, vô tình phơi ô uế cho bàn dân thiên hạ ngửi. Mấy năm cuối tại vị, ích nước quả không hay, lợi nhà họ thì ai cũng thấy.
 
Tranh thủ giao thời, bán tháo mấy chỗ ngồi, để xây thêm nhà cửa lăng tẩm. Sắp hạ màn, gạt luôn son phấn với mặt nạ phường chèo. Với họ, nhiều khi đáng thương hơn là đáng trách. Có kẻ thất thần, có người ngơ ngẩn, lột bỏ chức vụ công danh, lộ ngay bản ngã.

Chỉ ai vững bản lĩnh làm người, mới có thể an nhiên giở những trang tiếp theo của cuốn sách cuộc đời mình. Mới biết, có mấy ai dám chối bỏ công danh ngay khi vừa nắm trong tay. Những người như thầy Mão, thầy Kiểm, thầy Dánh quả là những kỳ trân giữa cuộc đời này.

  • Trần Đình Trợ (Hà Tĩnh)