- Việc các hình thức quảng cáo, tiếp thị xuất hiện ngày một nhiều trong môi trường giáo dục đã khiến không ít học sinh và phụ huynh tỏ ra không thoải mái.
Bài 1: Phụ huynh tá hỏa với hàng loạt kiểu móc túi?
Tấn công mạnh dịp hè
Gần đây, tại nhiều trường học trong địa bàn TP.HCM thường xuyên xuất hiện các loại hình quảng cáo, tiếp thị sản phẩm đánh vào các khách hàng là học sinh, phụ huynh khi tham gia các lớp học hè của nhà trường.
Quảng cáo bánh Cream-O tại trường Tiểu học Bàu Sen, Q.5 |
Sản phẩm quảng cáo thường là các dịch vụ liên quan đến giáo dục, giải trí cho trẻ như: Dạy tiếng anh trẻ em, khóa học rèn luyện kỹ năng, các tour du lịch, hội trại hè...được in thành dạng tờ rơi, áp phích dán tường kèm tranh ảnh phụ họa đẹp mắt.
Ngoài ra, sản phẩm quảng cáo trong các trường học còn có sữa, nước ngọt, dịch vụ viễn thông... Để thu hút khách hàng đặc biệt là trẻ em, các công ty tiếp thị thường mở các gian hàng lưu động mini với đội ngũ nhân viên trẻ trung, nhiệt tình kèm hình thức cho sử dụng sản phẩm miễn phí. Đây là một trong những hình thức quảng cáo đơn giản, ít tốn kém hơn so với các hình thức quảng cáo khác nhưng lại luôn đạt hiệu quả cao.
Chị Cẩm Tiên, giáo viên tiểu học Q.2 cho biết: "Cứ vào dịp nghỉ hè lại có quảng cáo học Anh văn hè xuất hiện trong trường, phụ huynh nào quan tâm thì xem rồi cho con đi học còn không thì thôi, tôi thấy cũng bình thường chắc không gây ảnh hưởng gì.
Khi được hỏi ý kiến có nên hay không việc quảng cáo trong trường học, chị Mai Phương (Q.5) cho rằng: "Ở nhà cháu rất hay xem tivi nên đã xem quá nhiều quảng cáo rồi, thậm chí những câu nói, bài hát trong quảng cáo cháu còn thuộc nhanh hơn cả bài học. Tôi không muốn khi đến trường cháu lại tiếp tục gặp quảng cáo nữa".
Ngoài những phụ huynh tỏ ý phàn nàn về vấn đề này cũng không ít người cho rằng quảng cáo như vậy cũng có mặt tốt của nó. Chị Hồng Vân (Gò Vấp) cho biết: "Nhiều lúc đưa con đi học thấy người ta tiếp thị sữa thường cho các cháu chơi trò chơi có quà, rồi phát sữa hộp miễn phí cũng hay hay".
Giải thích vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng nhà trường chấp nhận cho quảng cáo vì nguồn lợi mà các công ty, doanh nghiệp mang lại cho nhà trường. Những trường có sự hiện diện của quảng cáo thường là các trường mầm non, tiểu học và một số trường THCS, THPT còn thiếu một số cơ sở vật chất. Các doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để quảng cáo bằng cách tài trợ một số cơ sở vật chất như bảng thông báo, sơn tường trường..., kèm theo phần diện tích quảng cáo khá nhiều cho sản phẩm của mình.
Quảng cáo của trường Nhật ngữ Đông Du tại trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ, Q.10 |
Thương mại hóa học đường
Táo bạo hơn, hiện nay ngành dịch vụ quảng cáo hàng hóa, sản phẩm còn ngang nhiên đăng thông tin giới thiệu hình thức quảng cáo trong trường học với những lời lẽ hết sức thuyết phục.
Một công ty quảng cáo ở Q.Bình Thạnh đăng thông tin trên mạng với nội dung: "Hình thức quảng cáo trong nhà trường...đã và đang trở thành sự lựa chọn đúng đắn, kinh tế và mang lại hiệu quả cao đối với các doanh nghiệp", "Nếu bạn muốn thương hiệu của công ty mình, doanh nghiệp mình đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, kinh tế nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi...". Như vậy, quảng cáo trong trường học đang ngày một tăng tính thương mại hóa nghĩa là đã đi ngược lại quy định cấm quảng cáo thương mại trong trường học.
Bạn có gặp bức xúc và gặp khó trước những lời chào mời "không thể từ chối" xin gửi bài viết hoặc ý kiến tới bangiaoduc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn! |
Đành rằng khi tiếp thị sản phẩm nào đó, doanh nghiệp đều kèm theo hình thức cho, biếu, dùng thử sản phẩm miễn phí khiến phụ huynh và học sinh thích thú nhưng về lâu dài nếu cứ tiếp tục cho phép quảng cáo trong trường học như vậy sẽ biến môi trường giáo dục thành một cái chợ không hơn không kém.
Quảng cáo sữa Insulac tại trường mầm non B2, Q.5. |
Có thể nói, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc quảng cáo cho thương hiệu của công ty, doanh nghiệp đòi hỏi phải có những hình thức mới phù hợp nhằm mang lại kinh tế cao.
Trong khi phương thức quảng cáo bằng các phương tiện truyền thông khá tốn kém và chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn của các doanh nghiệp thì việc thay đổi hình thức quảng cáo phù hợp là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc ngành công nghiệp quảng cáo ồ ạt lấn sâu vào môi trường giáo dục cần phải được xem xét kỹ lưỡng để trả lại cho trường học một môi trường học tập bình thường, giúp phụ huynh an tâm hơn khi đưa con em mình đến trường.
Chị Đặng Thị Hồng, có con học tại trường tiểu học Kim Đồng, Q.12 cho biết: “Tôi không biết trong trường có bày bán sản phẩm hay không, nhưng thấy một vài lần trong cặp con có tờ quảng cáo và nói ở trường đưa cho, trong đó có giới thiệu một số bộ đồ chơi ghép hình và một số dụng cụ học tập như bút màu, chì, thước kẻ. Tôi không có nhu cầu mua nên cũng không hỏi.” Chị Lê Thị Hà, Q.12: “Bé nhà tôi năm nay ra lớp một rồi, nhưng năm rồi bé học tại trường mầm non 1/6, cũng có nghe cô giáo nói về việc mua mấy sản phẩm đồ chơi cho bé. Tuy nhiên thì cái này nhà trường không bắt buộc gì cả, phụ huynh nào có nhu cầu thì mua về cho con.” Chị Thanh, có con học tại Trường tiểu học Lam Sơn, Q. Gò Vấp: “Trường bé nhà tôi chưa thấy quảng cáo nào, nhưng theo tôi, thì mỗi trường nên có sự liên kết với các công ty chuyên cung cấp đồ dùng học tập hay đồ chơi dành cho các cháu để phụ huynh nào có nhu cầu thì mua. Tôi nghĩ đó là một việc làm tốt nếu như nhà trường tìm được những công ty uy tín, đáng tin cậy. Tiện đường đưa đón con đi học, phụ huynh ghé vào trường mua, như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.”
|
- Hiểu Minh