- Chiều 26 Tết, trong cái ửng nắng bất chợt giữa những ngày giá rét, Chiến vội vã bước ra khỏi cửa hiệu cầm đồ với hơn 2 triệu đồng trong tay. Chỉ chưa đầy 10 phút “giao dịch”, “chú dế cưng” Nokia E71 mẹ cậu sắm cho cách đây vài tháng đã “đội nón ra đi”.
Không mảy may tiếc nuối, anh chàng học cấp 3 một trường ở quận Thanh Xuâ (Hà Nội) tặc lưỡi: “Miễn là có tiền tiêu Tết, bố mẹ hỏi điện thoại thì bảo mất, kiểu gì chả được mua cái mới, bọn bạn em đứa nào chẳng thế!”
Những ngày giáp Tết không chỉ là thời điểm để mua sắm đồ đạc mà còn là dịp để các teen bán chác, kiếm tiền đi “xõa” hoặc trả nợ.
Vì “cháy túi” nên các bạn trẻ huy động hết vốn sẵn có từ điện thoại, laptop, máy ảnh đến xe máy đem “gửi” tại các cửa hàng mua bán điện thoại di động hoặc các tiệm cầm đồ.
Một số địa chỉ giao dịch của teen |
Lướt qua các dòng trạng thái trên cửa sổ chat của Tuấn (ở Cầu Giấy, Hà Nội) thấy nhản nhản những câu chào bán kiểu như: “ Cần bán gấp laptop Acer, còn bảo hành 11 tháng lấy tiền sống qua Tết”, hay “ Tạch lô, bán I phone giá rẻ!”….
Ngay cả Tuấn, cách đây vài ngày vì cần xoay tiền gấp để trả tiền game đã đem “cắm” cả chứng minh thư nhân dân bởi những gì cần bán cậu đã bán sạch.
Giải thích cho tình cảnh “lâm li bi đát” của mình, Tuấn kể lể: “ Em bán cả điện thoại, máy ảnh rồi nhưng tụi bạn lôi kéo chơi tá lả, gặp đúng vận đen nên phải cắm cả chứng minh thư để trả tiền game, qua Tết có lì xì thì gỡ vậy!”
Chiến “công tử” cũng vừa bán tống bán tháo chiếc điện thoại nokia E71 còn chưa hết bảo hành để lấy tiền chơi Tết. Cậu định Tết này đi “phượt” với bạn gái nên cần một khoản tiền kha khá. Với Chiến, bán đồ để ăn tiêu là chuyện bình thường, “cứ chơi đã, tính sau”.
Còn Hiếu (lớp 12 Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) lại bán đồ để “ chơi” theo cách khác.
Hiếu luôn mang trong mình mộng “làm giàu không khó”, bằng cách dốc hết hầu bao vào trò đỏ đen lô đề, cờ bạc.
Sau khi cho cái laptop “đi tàu bay giấy”, Hiếu tiếp tục bán luôn chiếc xe máy bố mua để cậu tiện đi học, rồi đầu tư đánh lô.
Theo lời Hiếu, mỗi lần đánh 100 điểm, chỉ mất hơn 2 triệu nhưng nếu trúng chỉ cần một nháy thì được những 8 triệu, chẳng cần tốn nhiều công sức mà thu về cả đống tiền.
Mất Tết vì… mất hết
Với Tuấn, sau một loạt “xì căng đan” bị phát giác, bố mẹ cậu quản lí chặt chuyện tiền nong, cắt luôn khoản tiêu vặt, lại không thể vay thêm được bạn bè để lấy chứng minh thư đã trót “cắm”.
Đến hạn, chủ tiệm cầm đồ thuê người dò tìm và “nã” cho cậu một trận “thừa sống thiếu chết”. Cuối cùng bố mẹ Tuấn phải đem tiền đến chuộc lại và quyết định cấm vận cậu đến hết Tết.
Chiến cũng bị một phen khốn đốn khi bố mẹ cậu phát hiện ra chiếc điện thoại đắt tiền không cánh mà bay.
Sau một hồi xét hỏi, cậu quý tử đã phải nộp hết số tiền bán máy còn lại và bị giam lỏng tới khi đi học. Kế hoạch “phượt” cùng người yêu của Chiến cũng tan thành mây khói.
Thiệt hại nặng nề nhất vẫn là Hiếu. Sau khi lao vào chơi lô đề, tiền trúng thưởng đâu chả thấy, chỉ thấy những đồng xanh đỏ trong túi cậu cứ lần lượt “đội nón ra đi”.
Kết quả là đến khi trắng tay, một lần trúng thưởng cũng không có. Mất hết tiền, Hiếu cũng không còn tâm trạng nào để ăn Tết ngon lành, tiền lì xì cả năm cũng chẳng đủ để gỡ cho những gì đã mất.
Bài học xương máu đối với những teen ham chơi mà bán hết đồ đạc như Tuấn, Chiến, và Hiếu chính là những chiếc lì xì ý nghĩa nhất trong năm mới này.
Thu Thảo