- “Bài văn của học sinh phải được chấm 50% nội dung, 50% kỹ năng ngôn từ. Liệu chúng ta đã dám đột phá đến mức ấy chưa?”- theo dõi những đổi mới trong cách ra đề thi ĐH môn Ngữ văn trong những năm gần đây, TS Nguyễn Quang Trung, tổ trưởng tổ các môn Khoa học xã hội, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐHQGHN đã trao đổi với VietNamNet về cách dạy, cách học văn đang cần chuyển mình theo.

TS Nguyễn Quang Trung, tổ trưởng tổ các môn Khoa học xã hội, trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐHQGHN

Đề thi ĐH môn Ngữ văn được đánh giá là đang chuyển mình để định hướng cách dạy và học trong trường phổ thông. Xin TS cho biết đó là những đổi mới gì qua những đề thi gần đây?

Tôi cho rằng, số phận của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào đề thi. Cho nên sứ mệnh của đề thi rất nặng vì nó định hướng cách học và cách dạy của toàn xã hội. Chúng ta phải biết thông cảm với người ra đề và trân trọng những đóng góp của họ.

Mấy năm gần đây, người ra đề thi có nhiều cố gắng đổi mới cách ra đề. Đổi mới hay nhất là đề văn nghị luận xã hội (NLXH), cả đề tốt nghiệp lẫn Đại học. Đề nghị luận văn học (NLVH) thì còn trầy trật hơn, khó khăn hơn vì văn chương có cái phức tạp riêng của nó.

Nhưng ở đề nghị luận văn học, sự đổi mới đã hình thành nên cách học mới và đặc biệt khắc phục được lối học lấy “thế bản” thay cho văn bản.

Xin TS giải thích rõ hơn cách học “thế bản”? Đề thi đã xóa cách học này như thế nào?

Tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này nhé!

Một học sinh chuyên Ngữ đi thi. Đề ra vào tác phẩm Đôi mắt của Nam Cao, phân tích nhân vật Hoàng và Độ. Lúc em đang làm bài thì có một cậu bạn khều tay cầu cứu: “Mày ơi, mày nói cho tao biết ông Hoàng và ông Độ (hai nhân vật trong tác phẩm Đôi mắt của nhà văn Nam Cao- PV), ông nào tốt, ông nào xấu để tao còn bịa!”.

Học trò hiện nay không chịu đọc tác phẩm mà chỉ đọc bài phân tích, bài giảng của thầy cô giáo về văn bản, gọi là thế bản. Đó là kiến thức đi thi trực tiếp. Cho nên có những học sinh thi điểm văn rất cao nhưng chẳng hiểu gì về văn cả.

Cách hỏi rất chi tiết hiện nay bắt học sinh phải đọc văn bản, thậm chí phải nắm được chi tiết, khắc phục được lối học chung hcung đại khái và căn bệnh "xã hội học dung tục" chỉ chăm chăm khai thác nội dung chính trị-xã hội trong dạy và học văn.

Một ưu điểm nữa của đề văn hiện nay là giàu tính mỹ cảm. Xưa nay, các đề thi ĐH rất buổn tẻ, chỉ phân tích đoạn thơ, phân tích nhân vật, hỏi về tác giả, tác phẩm…Hiện nay, chỉ cần đọc đề là học sinh đã cảm thấy rạo rực, như thấy một phát hiện, một khám phá về tác phẩm.

Theo TS, ngoài những ưu điểm này, đề văn còn mặt nào cần hoàn thiện  nữa?

Nếu nói về những cái chưa được của cách ra đề văn những năm gần đây, tôi chỉ dung ba chữ: “Vụn”, “lặp” và “lệch”

Đầu tiên là chữ “vụn”. Như tôi đã nói, cách khai thác chi tiết ở câu 2 điểm là ổn. Nhưng ở câu 5 điểm thì theo tôi, nếu giả dụ không phải chi tiết nhỏ nào cũng làm nên tác phẩm lớn thì câu hỏi lúc nào cũng xoáy vào chi tiết thì sẽ sa vào cảm thụ cái nhỏ mà quên mất cái tổng thể, cái lớn. Đặc biệt khi chi tiết không đủ gánh tư tưởng tác phẩm.

Câu 5 điểm mà phân tích chi tiết là rất khó cho học sinh. Ví dụ: bát cháo hành, bát nước đầy hay có năm là tình huống trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” mà phải khai thác thành một bài văn. Bài 5 điểm ít ra cũng phải viết từ 4-5 trang. Học sinh có năng khiếu, giỏi thật mới làm được. Như thế, học sinh sẽ rơi vào việc “tán văn” cho đầy trang.

Thứ hai là “lặp”: Nên đa dạng hóa cách ra đề. Nếu cứ lặp lại thì sẽ không còn là cái mới nữa. Chính yếu tố này sẽ làm cách học trở thành máy móc.

Thứ ba là “lệch”: Nếu tập trung quá nhiều vào chi tiết sẽ làm mờ đặc trưng thể loại. Hiện nay, việc vi phạm đặc trưng thể loại đang là hiện tượng khá tràn lan. Ví dụ: có năm đề ra phân tích hình tượng nhân vật Lorca trong “Cây đàn ghita của Lorca”. Theo tôi đây là đề bài ra sai về kiến thức thể loại. Phân tích nhân vật là yêu cầu đối với truyện ngắn. Thơ trữ tình phân tích chủ thể trữ tình, còn truyện ngắn thì phân tích khách thể.

Như đề vừa rồi, phân tích cái kết thúc của Vợ nhặtChí Phèo. Nếu cứ khai thác như thế này thì học sinh sẽ không hiểu, trong truyện ngắn cái gì là quan trọng nhất. Nay chi tiết này, mai chi tiết khác khiến nhân vật, cái quan trọng nhất, biến mất khỏi truyện ngắn.

Cái “lệch” đáng nói nhất là đáp án. Nhiều lúc, tôi có cảm tưởng, người ra đề quan tâm đến việc ra đề mà không chú ý đến đáp án.

Chẳng hạn, loại bài thường thấy trong thi ĐH gần đây là bài so sánh. Đề ra phân tích hai đoạn thơ ở hai bài thơ khác nhau, hai tình huống truyện, hai yếu tố trong một đoạn thơ, tất yếu sẽ nảy sinh thao tác so sánh và đây mới là phần chính. Nhưng đáp án luôn tách bạch hai đối tượng riêng lẻ và đẩy phần so sánh xuống thành phần phụ, thậm chí bị xem nhẹ, chỉ có 0,5 điểm.

Điều này ảnh hưởng đến tư duy của học sinh. Sau này các em sẽ không biết quan sát hai đối tượng, từ đó không biết cảm thụ, phân tích đối tượng như thế nào cho phù hợp.

Nói về đáp án, liệu bài thi nghị luận có nhất thiết phải đáp ứng đủ ý như đáp án của Bộ? Để kích thích tư duy, nên cho các em “phóng bút”, thậm chí phá vỡ cấu trúc văn nghị luận được học trong chương trình và có những lối suy nghĩ hoàn toàn không giống “chuẩn” trong đáp án?

Tôi cho rằng, hiện nay sách giáo khoa và đáp án NLXH của các đề thi đang có một lỗ hổng lớn.

Dẫn chứng trong đề nghị luận rất quan trọng nhưng hiện nay đáp án mới chỉ quan tâm đến lý lẽ, bài học

Trong khi đó, bản thân dẫn chứng nhiều khi là những lý lẽ hùng hồn nhất. Chẳng hạn, với đề nói về hiện tượng mê muội thần tượng như năm nay, dẫn chứng về những fan cuồng chết tập thể theo cái chết của Micheal Jackson là một dẫn chứng rất đau lòng, rất “đắt”, sắc hơn mọi lý luận.

Vì thế, nên có yêu cầu rõ ràng về dẫn chứng trong đáp án. Những dẫn chứng trong xã hội sẽ khiến các em không chỉ quan tâm đến trang sách, mà còn quan tâm đến đời, đầu tiên là quê hương, địa phương, sau đó là đọc báo. Hiện nay trẻ con ít thích xem thời sự, ít quan tâm đến xã hội.

Dạy cách viết NLXH là để các em học cách trình bày một vấn đề vì không phải em nào cũng có kỹ năng viết. Nếu buông tay để các em tùy ý sẽ rối ngay. Nhưng đáp án nên rộng mở, kể cả đề nghị luận văn học cũng vậy để những học sinh không tuân thủ cách viết, thích phiêu lưu hay ngược lại hẳn với đáp án vẫn thuyết phục được người đọc. Tất nhiên, người chấm cũng phải có năng lực tốt để có thể đánh giá những sáng tạo vượt khung của học sinh.

Đề NLXH khiến môn Văn tới gần hơn với cuộc sống. Vậy làm thế nào để NLVH cũng làm được như vậy?

Có thể lấy hình ảnh, câu nói trong tác phẩm văn học để làm đề NLXH. Chẳng hạn, câu nói của nhân vật trong vở kịch “Hồn Trương Ba, Da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” để các em bàn luận về khát vọng sống là chính mình, trung thực. Trang văn sẽ ngay lập tức phập phồng hơi thở đời sống.

Còn để những tác phẩm văn học tới gần cuộc sống thì người thầy phải thổi hơi thở đời sống vào trang văn, dù là văn học cổ điển hay hiện đại. Thực tế, trong chương trình của chúng ta vãn còn những tác phẩm không phù hợp với thời đại. Trong chương trình, rất nên có những tiết học tạm gọi là “Thời sự văn học” để giới thiệu đến các em những tác phẩm văn học đương đại.

Bài học vỡ lòng của học sinh về văn là “Văn học là nghệ thuật của ngôn từ”. Theo ông, đề Văn của chúng ta đã kiểm tra được năng lực ngôn ngữ của học sinh chưa?

Tôi rất thích câu nói của nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng từ hồi văn học của ta còn nặng về nội dung tuyên truyền mà xem nhẹ nghệ thuật: “Một tác phẩm văn học hay, theo tôi, là phải 50% nội dung, 50% nghệ thuật.”

Đáng lẽ ra, bài văn của học sinh phải được chấm 50% nội dung, 50% ngôn từ. Liệu chúng ta đã dám đột phá đến mức đó chưa?

Ngay cả giáo viên, những người dạy văn lẽ ra phải là một sáng tạo thì hiện nay cũng chưa dám đột phá với bài giảng của mình. Tôi từng nói khi chấm một cuộc thi giáo viên giỏi: “Tôi nghĩ có lẽ nên đổi thành cuộc thi “thợ giỏi”.

Các vị chỉ chú ý đến tính an toàn, không ai dám phiêu lưu. Ai cũng bắt đầu bằng tìm hiểu chung, đặt câu hỏi, giáo viên nói một chút, học sinh nói một chút, rồi tổng kết. Không có tiết học nào giáo viên biến mất, hay chỉ cần từ một từ, một hình ảnh là dạy được cả bài.

Giáo viên phải vượt qua được nỗi sợ cố hữu, sợ bị đánh giá, xem, xét. Đề Văn của chúng ta cũng phải dần dần quay về bản chất của văn học để việc học văn đúng nghĩa.

Xin cảm ơn TS!

  • Nguyễn Hường (thực hiện)

SOẠN TIN
DT <SBD> gửi 6524
Nhận kết quả điểm thi ngay khi công bố
 
DTG  <SBD> gửi 6724
Nhận gói điểm thi (điểm thi, chỉ tiêu, xếp hạng)
 
DC <mã trường> <khối> gửi 6524
Nhận điểm chuẩn ngay khi công bố
 
XH <SBD> gửi 6524
Để biết thứ hạng của mình so với các thí sinh khác