Hơn 80% trẻ cấp I tại Hà Nội và TP.HCM thiếu sự nhạy bén, yếu trong việc phân tích và giải quyết vấn đề (theo khảo sát của Viện Nghiên cứu giáo dục (NCGD) tháng 5/2012) là con số đáng để người lớn giật mình.

Rập khuôn theo mẫu, chờ giải pháp từ người lớn


Khả năng giải quyết vấn đề được xem là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá trí tuệ và khả năng nhạy bén của trẻ trong giai đoạn hiện tại cũng như tương lai. Khả năng này thường được đánh giá qua những tình huống trẻ gặp phải trong đời sống hàng ngày và những bài tập, câu hỏi … khác so với bài học.

Trong một cuộc tập huấn nhỏ về xử lý tình huống dành cho các em, khi tiếng còi báo động vang lên, cảnh tượng trở nên náo loạn. Em thì chạy thục mạng, chen lấn để lao ra cửa chính. Có em đứng yên và rươm rướm nước mắt: “Các bạn chạy hết còn lại mỗi mình con”. Trong khi đó, tấm bảng hiệu đề rõ “Lối thoát hiểm” thì không em nào quan tâm đến. Theo phản xạ, trẻ thấy ánh sáng từ cửa chính là chạy ra mà không để ý đến tấm bảng “Nguy hiểm”.

Để có thói quen bình tĩnh khi xử lý những tình huống bất ngờ, trẻ cần được rèn luyện kỹ năng quan sát, biết xác định vấn đề, tìm nguyên nhân và các phương án có thể giải quyết.

Khảo sát cho thấy có trên 55% các em chưa xử lý tốt các tình huống thực tế đã xảy ra. Trong học tập, trẻ có thể đạt được điểm 9, 10 ở các môn học, nhưng hầu hết đều lệ thuộc vào hướng dẫn từ giáo viên và bố mẹ, khi gặp khó thường chờ đợi giải pháp từ người lớn. Và ở những môn Văn, Toán và các môn xã hội khác, trẻ đều có xu hướng nản khi thấy đề bài không giống với những gì đã học.

Tư duy nhạy bén giúp trẻ luôn tìm được cách giải quyết vấn đề một cách tốt nhất

“Học sinh ít khi trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan đến nội dung học, đến thực tiễn đời sống. Các em cũng ít khi được tiếp xúc với các vấn đề thực tế và cũng chưa biết áp dụng các kiến thức đã học vào đời sống.” - Tiến sĩ Kim Dung, Viện phó Viện NCGD, tổ chức đã thực hiện khảo sát ở TP.HCM và Hà Nội, chia sẻ. “Kết quả khảo sát chỉ có 7.1% học sinh tiểu học được đánh giá tốt về kỹ năng phân tích thông tin là điều dễ hiểu”.

Vì đâu trẻ luôn bị động ?

Ở độ tuổi tiểu học, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu những bài học nhiều màu sắc, minh họa sinh động, hợp với sở thích và tâm lý, đồng thời góp phần phát huy hết khả năng tư duy, sự sáng tạo của trẻ. Trong khi đó, phương pháp giáo dục rập khuôn của nhà trường chưa tạo được sự hứng khởi cho trẻ là một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên.

Có đến 64% đối tượng tham gia khảo sát (phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý…) đều cho rằng cần giảm tải chương trình sách giáo khoa, tăng cường nội dung kỹ năng sống và chương trình ngoại khoá ở trường.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng chưa đủ chất cũng là nguyên nhân của sự thiếu nhạy bén. Trẻ vốn ham chơi nên nhiều khi lơ là việc ăn uống, càng làm gia tăng tình trạng thiếu dinh dưỡng. Đặc biệt, nếu thiếu hụt Omega 3 và Omega 6, trẻ sẽ rơi vào tình trạng tư duy kém, thiếu khả năng phân tích và giải quyết vấn đề.

Những người thành công trong cuộc sống và sự nghiệp luôn có tư duy nhạy bén ngay từ nhỏ. Một đứa trẻ có tư duy nhạy bén luôn chủ động tìm cách giải quyết vấn đề. Ngược lại, trẻ thiếu nhạy bén thường trông chờ vào sự giúp đỡ của người lớn, thụ động trong suy nghĩ và giải quyết vấn đề.

Vậy làm sao giúp trẻ nhạy bén trong tư duy và tự giải quyết những tình huống bất ngờ mà không cần có “bảo mẫu” bên cạnh vẫn đang là câu hỏi lớn đối với các cha mẹ, cũng như nhà trường trong chăm sóc, giáo dục trẻ hiện nay.

Thảo Minh