Những năm gần đây thuật ngữ kỹ năng sống được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết trong những câu chuyện về giáo dục. Ở một số trường học ngoài công lập, trường học quốc tế, kỹ năng sống đã trở thành một bộ môn chính khóa.

Sự hội nhập của “Kỹ năng sống”

Bắt đầu từ năm 1996, khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đề xuất bốn mục tiêu trụ cột của việc học tập là “Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để tự khẳng định mình”, nền giáo dục Việt Nam cũng bắt đầu hướng đến một chương trình giáo dục toàn diện: Dạy học là dạy cả tri thức, kỹ năng và thái độ sống để học sinh hội nhập và thích nghi với thế giới.

Cũng trong năm 1996, thuật ngữ Kỹ năng sống được biết đến ở Việt Nam bắt đầu từ chương trình của UNICEF ”Giáo dục kỹ năng sống để bảo vệ sức khỏe và phòng chống HIV/AIDS cho thanh thiếu niên trong và ngoài nhà trường“. Khi đó, quan niệm về kỹ năng sống được giới thiệu trong chương trình chỉ bao gồm những kỹ năng cốt lõi như: Kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng đặt mục tiêu...

Cho đến những năm gần đây, kỹ năng sống trở thành thuật ngữ được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết trong những câu chuyện về giáo dục. Và từ đó, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nói riêng, thế hệ trẻ nói chung trở thành vấn đề không chỉ được ngành giáo dục mà được cả xã hội quan tâm.

"Dạy chữ", "dạy người"

Năm học 2008 - 2009 với chủ trương xây dựng “Trường học thân thiện – Học sinh tích cực”, nội dung giáo dục kỹ năng sống trong trường học lần đầu tiên được Bộ GD&ĐT nhắc đến. Đặc biệt, ở một số trường học ngoài công lập, trường học quốc tế, việc giáo dục kỹ năng sống đã được quan tâm sớm hơn một bước và đã trở thành một bộ môn chính khóa.

Tại trường THCS & THPT Alfred Nobel - Thuộc Hệ thống Giáo dục Hà Nội VIP, ngay từ năm học đầu tiên sau khi nhà trường được thành lập, giáo dục kỹ năng sống đã được BGH nhà trường quan tâm, chú ý và đưa vào thời khóa biểu hàng tuần của học sinh.


Đến nay, trải qua 5 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự phát triển của nhà trường, bộ môn Kỹ năng sống đang trở thành một ưu thế nổi bật của trường ở tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT. Nhà trường đã thành lập được riêng một trung tâm đào tạo kỹ năng của hệ thống mang tên VSC (VIP Skills Center) với những phòng học chức năng dành riêng cho bộ môn kỹ năng sống.

Chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã được trung tâm nghiên cứu và thiết kế gồm 5 nhóm nội dung chính, trong đó mỗi nội dung lại bao gồm những nội dung cụ thể:

Kỹ năng tự nhận thức: Xác định được giá trị bản thân, tự tin và tự trọng; Kỹ năng giao tiếp: Phản hồi lắng nghe tích cực, trình bày suy nghĩ và ý tưởng, ứng xử-giao tiếp, thể hiện cảm thông; Kỹ năng suy nghĩ, sáng tạo: Nêu vấn đề, bình luận vấn đề, tìm kiếm và xử lý thông tin, phân tích-đối chiếu;

Kỹ năng ra quyết định: Xác định tìm kiếm các lựa chọn, giải quyết vấn đề, ứng phó, thương lượng; Kỹ năng làm chủ bản thân: Xác định và đạt được mục tiêu của bản thân, quản lý thời gian, đảm nhận trách nhiểm, kiểm soát cảm xúc.

Ngoài 2 tiết kỹ năng được nhà trường đưa vào giảng dạy và thực hành trên lớp, trường Alfred Nobel đặc biệt quan tâm đến việc:  Làm thế nào để học sinh có điều kiện áp dụng, thực hành các kỹ năng sống trong những tình huống và mối quan hệ mới ở quy mô lớn hơn? Chính bởi thế, ở mỗi học kỳ, nhà trường tổ chức các đợt tập huấn với thời gian 3 ngày 2 đêm cùng với nhiều hoạt động thú vị, đây là khoảng thời gian để tất cả các học sinh được tham gia trải nghiệm và thể hiện bản thân.

Tất cả những hoạt động và những kết quả mang lại đó không chỉ đóng góp một phần rất lớn vào mục tiêu đào tạo của riêng trường Alfred Nobel mà còn góp phần không nhỏ vào việc thực hiện chủ trương chung của Bộ GD&ĐT cũng như toàn xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ: Không chỉ “dạy chữ” mà còn phải “dạy người” giúp cho các em không chỉ có tri thức mà còn biết sống đúng, sống đẹp, sống có ích.

Anh Vũ