- Những kiến giải rất táo bạo và mới lạ về chữ “lễ” của tác giả Lê Đỗ Huy đã làm bạn đọc VietNamNet dậy sóng với hàng trăm phản hồi gửi về. Độc giả coi đây là những phân tích mới, góc nhìn mới có vẻ ít nhưng lượng người muốn “dạy” lại cho ông về chữ “lễ” thì nhiều…
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Coi “lễ” là đạo đức
Khác với những quan niệm về chữ “lễ” của tác giả Lễ Đỗ Huy, hầu hết độc giả không chỉ phản ứng gay gắt mà còn cho rằng ông hiểu không đúng về câu khẩu hiệu. Các ý kiến lý giải: “lễ” ở đây là lễ phép, lễ nghĩa, đạo đức…
Có ý kiến bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ..." |
Bạn đọc Trần Văn Minh phân tích: “Theo tôi nghĩ triết lý giáo dục " Tiên học lễ, hậu học văn " là một triết lý giáo dục rất sâu sắc của cha ông để lại, nó luôn luôn phù hợp với dân tộc ta. Theo tôi học lễ là học lễ độ, lễ phép, lễ nghi, lễ nghĩa, lễ giáo ... còn học văn là học văn học, văn hóa, văn minh ...tất cả đều học để làm Người.”
Một điều tương đồng là hầu hết các ý kiến của độc giả đều phân tích về chữ “lễ” theo cách hiểu tương tự như độc giả Trần Văn Minh. Chẳng hạn, bạn đọc Phùng Thanh: “Lễ là lễ nghi, là quy tắc ứng xử tối thiểu, là chào hỏi thưa gửi, dạ, vâng, cảm ơn xin lỗi ấy” và cho rằng “ Anh hiểu sai nên đưa những luận chứng sai hết cả rồi!”.
Một bạn đọc khác nhấn mạnh: “ Chữ Lễ, cần hiểu rằng nó ở trong Ngũ Thường của một nền tảng văn hóa cơ bản tạo nên rường cột xã hội, không chỉ trong xã hội phong kiến mà trong bất kỳ xã hội nào, chỉ có cách vận dụng cho đúng mà thôi.”
Chính vì vậy, một bạn đọc đã nhận xét: “Có lẽ cả cái đất nước này chỉ duy nhất một người hiểu như thế” và cho rằng tác giả Lê Đỗ Huy quá máy móc và cổ hủ. Có độc giả nhận xét, tác giả đã “cố ý bẻ cong chữ “lễ” theo hướng tiêu cực”, “bị ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.”
Về những hệ lụy từ cách dạy chữ “lễ” mà tác giả Lê Đỗ Huy lý giải trong bài, độc giả Bùi Việt nhận định: “Chính sự đi xuống của con người làm cho câu nói bị hiểu sai lệch mà lại đi đổ thừa cho nó là không đúng đắn.”
Đến lúc phải nhìn lại?
Trong hàng loạt phản hồi thể hiện sự bức xúc gay gắt, độc giả Trần Việt Nam điềm tĩnh hơn đã nhận ra: Bài viết này có thể khó hiểu, khó nghe và gây bực bội cho nhiều người. Nhưng nếu bỏ qua những suy nghĩ cảm tính ta sẽ thấy rất nhiều ý kiến đúng đắn của tác giả. Đạo Khổng đã ảnh hưởng đến người Việt Nam quá nhiều, nó đã đem đến cho chúng ta quá nhiều khổ đau bởi những lễ giáo bắt con người phải phục tùng số phận. Đã đến lúc người Việt Nam chúng ta nên duy lí hơn để phát triển đất nước.
Tác giả Lê Đỗ Huy đã đề cập và kiến giải trong bài những nguyên nhân sâu xa của các vẫn nạn xã hội hiện nay. Cách kiến giải của ông rút ruột từ văn hóa, một sức mạnh chìm trong lòng xã hội khiến cho những cố gắng thay đổi một tệ nạn nào đó nhiều khi không có hiệu quả. Vì vậy, nhiều độc giả coi những kiến giải của ông khiến cho những “bóng đèn” trong đầu họ sáng bừng lên.
Độc giả Ngọc Phạm chia sẻ niềm vui sướng khi tìm ra câu trả lời cho bài toán của mình từ cái nhìn của tác giả Lê Đỗ Huy: “Bắt đầu hiểu ý bác Huy qua hai bài viết liên tiếp. Thật sự sâu sắc! Chắc bác phải đầu tư thời gian và nghiên cứu nghiêm túc trong một thời gian dài. Tôi cũng đã thử tìm nguyên nhân của chủ nghĩa cục bộ nhưng chưa tìm thấy nguyên nhân gốc rễ như bác” và “Hi vọng bài viết của bác được ai đó có tâm tham khảo.”
Độc giả Đào Ngọc Thái, người coi Khổng giáo là công cụ của độc tài phân tích: “Tư tưởng của Khổng Tử là tư tưởng ấu trĩ nhất và nó hoàn toàn không còn phù hợp với xã hội hiện tại. Từ việc phân tích tư tưởng này cho thấy nhiều điểu rất rất là vô lý nhưng vẫn được duy trì cho đến ngày nay khiến không biết bao nhiêu con người phải chịu khổ sở. Đặc biệt là phụ nữ. Thực tế những người thành công trong mọi xã hội đều làm việc không theo nguyên tắc của Khổng Tử và họ phải vượt qua sự chống đối từ rất nhiều người - số đông trong xã hội theo đạo Khổng Tử. Thực ra ở các nước phương đông nói chung và việt nam nói riêng. Ngay từ khi sinh ra ai ai cũng bị áp đặt bởi tư tưởng của Khổng Tử và nó cho dù bất kì ai không ít thì nhiều đều bị tư tưởng này chi phối. Chỉ những người có nhận thức cao mới có thể nhận ra được những nhược điểm của tư tưởng này và chống lại nó thôi.”
Nói về “lễ” trong giáo dục, bạn đọc Đạt cũng đồng tình với suy nghĩ của tác giả Lê Đỗ Huy: “Tiên học lễ, hậu học văn” nghe qua thấy rất là phải, nhưng nó tạo ra một khoảng cách giữa thầy và trò, thầy "người luôn ở trên" và được người ta hiểu lầm là "luôn đúng", trò "người luôn ở dưới" và được người ta hiểu lầm là "luôn phải nghe". Và khi "người luôn dúng" lạm dụng quyền để hành động ắt dẫn đến những hành động mang tính cá nhân được bảo vệ từ câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, "người luôn nghe" xem đó là mặc định dù họ biết là ngoài qui định hay thậm chí không hợp pháp. Học sinh sẽ không dám khẳng định điều gì dần dà họ thụ động, thụ động là gánh nặng cho mọi công việc, kể cả việc học, làm xói mòn mơ ước, phí hoài cái đáng ra phải có.”
“Chữ “lễ” của Khổng Tử như thể lực hút mặt trời khiến các hành tinh quay quanh theo quỹ đạo. Nó tao sự ổn định nhưng cũng kìm hãm sự phát triển của xã hội. Như ai đó đã nhận xét: từ đời nhà Hán đến đời nhà Thanh hầu như Trung Quốc không có sự phát triển đáng kể nào.” Không nên quá câu nệ vào chữ “lễ", nhưng phá nó đi thì sẽ loạn hết, cũng không thể phá được vì Nho giáo ở Việt nam đang được xem như là một tôn giáo. Giữ (có mức độ) chữ “lễ” đồng thời sẵn sàng tiếp thu cái mới, điều này giống như thể một con tàu được đưa lên quỹ đạo rồi phóng tiếp vào vũ trụ. Có thể xem Nhật Bản là một mô hình như vậy.”- là ý kiến của một độc giả bổ sung thêm kiến giải của tác giả.
Kiến giải của tác giả Lê Đỗ Huy là tư tưởng mới để đánh giá lại đạo Khổng và khẩu hiệu được treo trên tất cả các trường học của Việt Nam hay chỉ là một cách mượn chữ “lễ” nói về những tiêu cực xã hội?
Hiện tại, với cách hiểu như lâu nay về câu nói này, tác giả không nhận được đồng tình của đông đảo độc giả nhưng có những độc giả đồng cảm về sự “cô đơn” của ông trong diễn đàn này và cho rằng: “Không phải ai cũng có cái nhìn như Đỗ Huy, khi nào họ phải có cơ hội tiếp xúc, chứng kiến và có thể sống và cảm nhận ở hai môi trường khác biệt thì lúc đó họ mới hiều Đỗ Huy viết gì. Những tư tưởng lớn không thể ngồi dưới gốc cây Dâm Bụt.”
- Nguyễn Hường (tổng hợp)