- Bây giờ, khi cả gia đình ngồi lại đây, bên mâm cơm ấm áp, tôi thầm mỉm cười cảm ơn mẹ nhiều lắm. Nếu ngày ấy mẹ quyết định ra đi, chắc giờ này gia đình tôi đâu có những bữa cơm đoàn viên như thế này.


Chị gái và  mình bị đánh, tôi thấy bình thường lắm. Nhưng lần nào thấy bố đánh mẹ, tôi cũng tức sôi sục và thương mẹ vô cùng. Ông đánh bà nhiều hơn và cũng đau hơn đánh chúng tôi.

Lần nào đánh ông cũng không quên kèm theo những lời chửi rủa kiểu mẹ tôi là người vô dụng, không biết dạy con, để nó “không nghe lời bố”, để bố mất mặt với họ hàng, làng xóm.

Từ ngày bố uống rượu, mọi công việc nặng nhẹ, lớn bé dồn cả lên đôi vai gầy của mẹ. Chuyện cày bừa, đánh xe bò vốn do người đàn ông là bố đảm nhiệm nay mẹ cũng phải tự họ mà làm. Chị em tôi phải đi học nên chỉ tranh thủ tát nước, cấy lúa, gặt lúa, bẻ ngô,..giúp mẹ.

Ngày nông nhàn, mẹ theo người làng lên vùng mạn ngược bán hàng nhựa, cân hàng trên đó kiếm tiền nuôi chị em tôi ăn học. Mỗi lần mẹ đi thường 20 ngày, lâu nhất là 45 ngày. Khi về ngoài dép guốc, hàng hóa, bao giờ mẹ cũng mang cho chị em tôi khi thì ít táo mèo vùng Yên Bái, khi thì quả mít, quả bưởi Phú Thọ.

Mong mẹ về bao nhiêu rồi lại mong mẹ đi bấy nhiêu, không phải vì tiền mà vì mẹ không ở nhà sẽ không bị bố đánh nữa. Nhìn dáng mẹ héo hon kẽo kẹt trên chiếc xe đạp hồ, hai bên đầy dép, xoong chậu cao ngất chầm chậm về trên con đường làng trong buổi chiều dần xuống, lòng tôi đau quặn thắt.

Lần nào mẹ về cũng bị bố đánh đập đòi đưa tiền bố mua rượu uống “bạn bè với người ta”. Mẹ vẫn thường đưa tiền cho tôi và chị giấu đi, chỉ giữ một ít đưa bố. Bị đánh nhưng bà chẳng bao giờ nói nơi để tiền. Càng được thể, bố càng đánh mẹ hơn.

Đã bao lần mẹ nuốt nước mắt vào trong, ôm tôi mà rằng: “Mẹ ở cái nhà này chỉ vì các con thôi. Mẹ thương thằng Nam học giỏi, thương cái Hương làm chị ngoan ngoãn”.

Nhưng “con giun xéo mãi cũng quằn”. Lá đơn li hôn mẹ viết từ khi nào chắc chỉ chờ khi bố kí vào là xong rồi mẹ cũng để lên bàn. Tôi nhớ hôm đó là mùng 2 Tết, cách đây 2 năm. Nước mắt mẹ như mưa khi tôi nhìn thấy lá đơn, đọc qua, đưa mắt sang giường nơi mẹ đang nằm ủ rũ, thểu não: “Mẹ xin Nam tha tội. Mẹ không chịu được nữa. Mẹ phải đi thôi con ơi!”

Mắt tôi cũng mờ đi, nhạt nhòa, đẫm lệ. Tôi tới ôm mẹ vào lòng. Sáng đó, ba mẹ con nằm bên nhau lâu, lâu lắm.

Rồi chú ba tôi nghe được tin. Vốn người nóng tính, không nói thì thôi, nói thì ai cũng phải nghe vì nể thì ít mà vị nhịn cái tính chú tôi là nhiều. Chú quyết định họp cả gia đình họ nội tôi về chuyện của bố tôi.

Phương án đã được lên. Mẹ tôi không phải đi đâu hết. Bố tôi sẽ có người theo sát trong vòng nửa năm. Tất cả các bạn rượu, người làng, các quán rượu trong làng, ngoài xã đều được chú tôi đến nhà đánh tiếng “đừng để việc nó rồi xong lại trách tôi không dặn trước”.

Tôi còn nhớ giữa bố và các chú có xảy ra xô xát. Sau lần đó, điều kì diệu đã đến với gia đình tôi. Giờ đây, đã gần 2 năm qua đi, lại một cái Tết nữa lại sắp về. Chị tôi giờ đã lập gia đình, có cháu. Tôi vẫn đi học dưới Hà Nội. Bữa cơm đoàn viên đã có mẹ có bố, có mọi người, ấm áp bên nhau.

Tôi hạnh phúc vì bố đã bỏ được rượu dù giờ ông phải uống nhiều thứ thuốc vì căn bệnh Viêm gan B. Xưởng mộc đã được mở lại dù không đông khách như ngày trước. Bố tôi lại trở về với hình ảnh yêu thương, chở che mẹ con tôi như ngày nào: chăm chỉ làm việc cả đêm và quan tâm mẹ con tôi hết mực.
Mẹ tôi đã cười nhiều hơn dù nụ cười vẫn còn chất chứa những mệt nhọc, lo toan. Nhưng giờ tất cả đã là một. Bữa cơm đoàn viên chiều nay sao ấm áp đến lạ thường.

  • Hoàng Nam (Vĩnh Phúc)