- Mới đây, nhiều người sau đợt khảo sát trình độ tiếng Anh thấy hụt hẫng vì chỉ mỗi giáo viên tiếng Anh bị đem ra khảo sát trình độ. Kết quả thi chỉ có một số lãnh đạo ở sở GD-ĐT và hiệu trưởng biết, tuy nhiên, đó vẫn là áp lực nếu lần sau họ không đạt yêu cầu.

Không dễ

Cô Hồng Hạnh, giáo viên tiếng Anh Trường tiểu học Cát Linh, Hà Nội vừa đạt chuẩn B2 sau đợt học tập trung liên tục 3 tháng trong kế hoạch bồi dưỡng tiếng Anh của Sở GD-ĐT Hà Nội. Cô Hạnh là một trong số những người may mắn vì trước đó, cô đã được tham gia rất nhiều những khóa học bổ ích để nâng cao trình độ tiếng Anh, bao gồm cả đi nước ngoài.

Đầu tư cho việc dạy học tiếng Anh tốt phải tốn một khoản tiền không nhỏ. Trong ảnh: Một trong những phòng học tiếng Anh hiện đại do Hội đồng Anh tài trợ và phụ huynh trường tiểu học Lê Ngọc Hân đóng góp. Ảnh: HG.

Khi tham gia lớp tập huấn này, cô Hạnh đã đạt trình độ B1. Sau tập huấn, cô Hạnh và hầu hết các đồng nghiệp đã đạt trình độ B2 nhưng đồng thời họ cũng thừa nhận: phải rất vất vả và được thầy cô giáo giúp đỡ rất nhiều “bí kíp” luyện thi, họ mới có trình độ vững vàng.

Một giáo viên dạy tiếng Anh bậc THPT ở TP.HCM cho biết, việc giáo viên tiểu học và THCS thi chứng chỉ FCE (First Certificate in English) của ĐH Cambridge trình độ tương đương 6.0 IELTS là một điều không mấy khó khăn, tuy nhiên với giáo viên THPT mà phải đạt trình độ tương đương 7.5 IELTS là một điều không đơn giản, đặc biệt là giáo viên lớn tuổi.

Nếu vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh ra trường thì thi các chứng chỉ này tương đối dễ dàng. Nhưng đã đi dạy lâu rồi, một số kiến thức và từ vựng không dùng đến cũng mai một đi. Đi thi một loại chứng chỉ nào cũng phải dành thời gian ôn luyện theo kiểu thi của chứng chỉ đó, cho nên, phần lớn giáo viên thời gian qua thi không đạt là điều dễ hiểu.

Cô Dung, giáo viên trường tiểu học Thành Công B, Hà Nội đã đứng lớp gần 20 năm cho biết, bản thân cô đang dạy chương trình Let’Go, hàng năm được tham gia tập huấn chương trình này nhiều lần, nhưng để đạt được trình độ B1, cô cần một thời gian học tập thật sự nghiêm túc.

Giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học ở Quận 11 (TP.HCM) cho biết: Trong tháng 7, giáo viên trường lại có đợt thi lần một để lấy chứng chỉ FCE. Cô chưa thi chứng chỉ quốc tế lần nào nên cũng có chút áp lực, bởi vì những kiến thức tích lũy được trong quá trình còn đi học chưa thật sự thích hợp trong giao tiếp tiếng Anh. Theo ý kiến của giáo viên này, nếu dạy tiểu học thì không cần thiết phải thi FCE, vì kiến thức tiểu học cũng đơn giản.

Có nhất thiết tất cả phải đạt chuẩn quốc tế?

Thầy Hoàng Ngọc Hùng, giáo viên đội tuyển Anh của trường Phổ thông năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), người đã đào tạo nhiều học sinh giỏi Anh văn quốc gia cho biết: Tôi rất băn khoăn mục tiêu của Đề án ngoại ngữ đến 2020. Có nhất thiết bắt buộc tất cả giáo viên dạy ngoại ngữ phải đạt chuẩn quốc tế hay không, khi mà nhiều điều kiện cho ngoại ngữ phát triển ở Việt Nam, nhất là tiếng Anh chưa đáp ứng được.

Chẳng hạn, để tiếng Anh phát triển người dân phải có điều kiện sống trong môi trường nói và viết tiếng Anh nhiều hơn. Hãy thử tưởng tượng, các em HS ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, có khi cả đời không gặp một người nước ngoài, vậy thì có nhất thiết và có thể dùng tiếng Anh chuẩn?

Chúng ta liệu có thể có một tờ báo tiếng Anh cho mọi HS và giáo viên đọc, hay một kênh truyền hình tiếng Anh để phổ cập, hoặc sử dụng nhiều văn bản, giấy tờ chính thống có thêm tiếng Anh như nhiều nước khác? Cho nên, tôi thấy mục tiêu này xa vời và có vẻ xa xỉ trong điều kiện Việt Nam.

Theo thầy Hùng, việc chuẩn hoá trình độ ngoại ngữ phải làm từ từ từng bước một, trước mắt với chính giảng viên dạy ngoại ngữ của các trường sư phạm, các trường ĐH ngoại ngữ trước, thực hiện chuẩn hoá quốc tế với những giáo viên trẻ, với những thành phố phát triển, chứ không phải đồng loạt như hiện nay, tạo ra áp lực nặng nề không đáng có.

Trên trang web của một Khoa trực thuộc ĐHQG Hà Nội có công khai danh sách giáo viên chưa đạt chuẩn B2, C1. Theo danh sách giáo viên kiểm tra sát hạch trình độ tiếng Anh ngày 28/5/2011, trong tổng số 27 giảng viên, có tới 15 giảng viên chưa đạt chuẩn B2, C1. Nếu bắt giáo viên đang đi dạy phổ thông phải đạt chuẩn quốc tế trong khi chưa có gì đảm bảo rằng, những giảng viên ĐH từng đào tạo họ chưa chắc đạt chuẩn quốc tế thì có mất công bằng?

Các giáo viên tiếng Anh cho biết, khảo sát năng lực giáo viên dạy ngoại ngữ phải được đặt trong tổng thể, đằng này, chỉ đòi hỏi giáo viên ngoại ngữ phải đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt ở những vùng còn khó khăn đã tạo ra sự mất hài hoà trong môi trường giáo dục, gây căng thẳng cho giáo viên dạy ngoại ngữ.

Theo đại diện cơ quan khảo thí Cambridge tại Việt Nam, tỉ lệ người Việt Nam đỗ chứng chỉ FCE) vào năm 2011 chỉ có 47% (tức là cứ 100 người thi chứng chỉ FCE thì mới có 47 người đạt yêu cầu), trong khi đó tỉ lệ đỗ FCE của toàn cầu là 98%. Do vậy, 97% giáo viên THPT, 93% giáo viên tiểu học, THCS ở 30 tỉnh thành làm bài kiểm tra không đạt mức chuẩn B2, C1 như vừa qua là điều dễ hiểu.

Bài 2: Giáo viên không đạt 'bút chấm đọc' sẽ hỗ trợ

  • Hương Giang- Nguyễn Hường- Nguyễn Mai