- Tôi đang ở Nga, không có từ điển Việt – Nga bên mình, nên không nhớ được hết các nghĩa của từ “lễ”. Tôi có thể chia sẻ cảm nhận của mình. Câu ‘Tiên học lễ…” trong đời mình tôi đã từng dịch ra tiếng Nga. Nhưng không nhớ chính xác lúc đó mình đã dịch ra sao.


Vậy chúng ta bắt đầu từ đầu.

Ý nghĩa  của câu là đứa bé (và cả người lớn), cần phải học cách giao thiệp trong cộng đồng, để có thể diến đạt đúng tư duy của mình mà không làm người khác giận, hay cảm thấy bị lăng mạ. Để có thể hành động đúng, không vô tình, không “lỡ miệng” làm hỏng mối quan hệ của mình, và nhất là không tạo nên trong đầu người khác quan niệm không tốt về mình, chỉ vì muốn nói, muốn làm điều tốt, nhưng kết quả là làm hỏng chuyện, lại gieo vào đồng loại những cảm tưởng xấu về mình.
   
Chẳng hạn, có người muốn động viên một người bạn, vừa bị mất người thân của mình. Người muốn động viên muốn mang thông điệp là cuộc sống không phải vì thế mà chấm dứt, và cần phải trấn tĩnh, nên đã tới nhà tang lễ trong một chiếc áo rực rỡ, và hát những ca khúc. Điều này gây sốc, và hoàn toàn không hợp với tục lệ cư xử nghiêm trang trong các lễ tang, nơi người ta động viên nhau vượt qua nỗi buồn chỉ bằng một cái bắt tay chặt, và những lời lẽ tương thích. Theo văn hoá châu Âu, người ta mặc toàn đen, còn ở nhiều nước, người ta đeo vòng khăn tang màu trắng, hoặc mặc đồ trắng… Nhưng ở đâu cũng thế, nếu cư xử như người có thiện ý động viên nói trên, sẽ bị coi là xuẩn ngốc. Dù động cơ của anh ta tốt, anh ta đã không biết cách cư xử đúng phép tắc.

Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" được treo ở nhiều trường học

  
Còn đây là một trường hợp có thực, được nêu trên mạng Internet. Một gia đình người Liên Xô cũ đến chơi nhà người Việt Nam vào ngày sinh nhật của chủ nhà, và mua một cái bàn thờ làm quà tặng. Cái bàn thờ khá đẹp, và những người Nga ưng ý vì kiểu dáng mĩ nghệ của nó. Toàn gia đình người bạn Việt bị sốc. Chính bản thân tôi cũng không rõ hành động tặng bàn thờ có nghĩa gì. Có thể bị hiểu là mong nhau chết? Có thể bị hiểu là trách móc, rằng người bạn Việt đã không chịu bỏ tiền ra mua vật dụng cần thiết này? Chính tôi cũng không biết chắc. Nhưng tôi nhận thức được rằng chuyện này liên quan đến phong tục, và rất tinh tế, thuộc phạm trù quan hệ huyết thống, rất sâu lắng, thiêng liêng… nên tôi chắc chắn không bao giờ lại mua một món quà như thế. Thường tôi hỏi người bạn mình muốn được tặng gì vào ngày sinh: hoa, kẹo, rượu vang, hay những đồ kỷ niệm từ nước Nga (chỉ những đồ phù hợp với Việt Nam).
  
Cũng có trường hợp ai đó vào phòng nhưng không chào. Có thể vị này ngại ngùng, e thẹn gì đó. Nhưng thường người ta (người Âu) lại nghĩ là vị đó ngạo mạn, không coi trọng những người trong phòng. Ta nên giải thích cho anh ta rằng theo nguyên tắc xử thế được công nhận rộng rãi, người nào bước vào phòng chào trước tiên.
  
Hoặc có người bước từ trong nhà vệ sinh ra lập tức tiến đến bàn ăn mà không rửa tay, hoặc chìa tay, muốn bắt tay người mới đến. Với vị này, người ta có thể dừng ngay việc xúc tiếp lại, để loại trừ khả năng nhiễm khuản. Nhân vật của chúng ta lập tức tỏ ra vô lễ, cho dù là người rất có kiến thức về hoá học, nhớ thuộc lòng công thức của Formaldehit. Ông ta hẳn đã nghĩ quan trọng là có kiến thức cao siêu, còn cư xử ra sao không thành vấn đề. Ai cũng phải kính trọng mình về kiến thức. Đây là một nhận thức sai.

Với nhận thức về chữ lễ như vậy, tôi muốn dịch khẩu hiệu “Tiên học lễ…” sang tiếng Nga như sau:

- Trước hết học xử sự, sau hẵng tiếp nhận tri thức.
- Đầu tiên học cách cư xử đúng, rồi mới vào học.
-  Đầu tiên dạy trò cách hành xử theo thông lệ, sau đó dạy kiến thức.
- Đầu tiên dạy trò cách hành xử cho đúng quy tắc, sau mới dạy kiến thức.
-  Đầu tiên học cách cư xử phải phép, sau mới  nghiên cứu học thuật.
- Đầu tiên dạy xử sự đúng, sau mới cung cấp kiến thức.
- Đầu tiên nghiên cứu phong tục tập quán, sau mới nghiên cứu khoa học.

Trong các phương án trên, tôi thấy phương án sau có lẽ thích hợp với nguyên tác hơn:

- Đầu tiên học cách cư xử phải phép, sau mới  nghiên cứu học thuật.

Dĩ nhiên, các bạn có thể có các phương án khác. Nhân tiện, các bạn biết tiếng Nga định dịch câu này cho bạn Nga của mình ra sao?

Về bản chất, tác giả bài “Khẩu hiệu ‘Tiên học lễ…’ nên bỏ , đã coi lễ (phong tục, lễ nghi..) là không cần phải dạy đầu tiên, mà kiến thức quan trọng hơn? Có phải không?

Tôi nghĩ rằng mọi thứ phụ thuộc vào tỉ lệ, và cần được áp dụng hài hòa. Không nên trọng lễ nghi đến mức kiểu cách, khách sáo, khiên cưỡng. Chẳng hạn, không nên bắt trẻ em ngồi yên, không động đậy vào lúc chúng muốn chạy nhảy nô đùa. Vì trẻ em cần vận động, vốn có lợi cho sức khỏe các em. Nhưng cần dạy các em cách chào (trong tiếng Nga chào là: chúc sức khoẻ), đúng không ạ. Đỗi với trẻ, đó không phải là gánh nặng, mà giống như trò chơi. Tôi được gặp nhiều trẻ em ở Việt Nam, có những em mới 2 – 3 tuổi, mới nói được ít, nhưng đã khoanh tay và chào. Cần phải cùng một lúc, dạy phép tắc cư xử và cung cấp kiến thức.

  • Natalya Nikokosheva (Hội Hữu nghị Nga - Việt)