- Trước thềm năm học mới, nhiều trường từ cấp tiểu học tới đại học đều đang rục rịch tăng các loại phí trong tình hình giá cả leo thang, khiến phụ huynh không khỏi khốn đốn. Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất của các trường có tăng phù hợp với mức học phí hay không vẫn chưa thể khẳng định. Thông tin được các báo phản ánh hôm nay, 13/8.

Có trường liên tục thay đổi đồng phục theo kiểu “lớp 6 xanh dương, lớp 7 xanh lá, lớp 8 vàng, lớp 9 trắng”. Ảnh mang tính minh họa

Tiền ăn tăng, đồng phục thay mới

Báo Tuổi Trẻ cho biết ở bậc mầm non, các trường tư thục có lịch tựu trường sớm đã công bố thu các khoản tiền đầu năm, trong đó mức tiền ăn đã bắt đầu tăng từ 10-15%.

Trường mầm non tư thục HP (Thủ Đức) thu mức tiền ăn 792.000 đồng/tháng cho lớp nhà trẻ và 840.000 đồng/tháng cho lớp mẫu giáo. Trường mầm non BH (quận 7) công bố mức tiền ăn 40.000 đồng/ngày, bao gồm ba bữa chính (sáng - trưa - xế và một lần sữa tươi).

Tại quận Tân Bình, Tân Phú, một số trường phổ thông tư thục đã thông báo thu mức tiền ăn từ 100.000-120.000 đồng/ngày (ba bữa chính), tăng khoảng 10% so với năm học trước, tuy nhiên mức thu này được thông báo là không cố định đến suốt năm học. Một số trường tư có số lượng HS ít thì cho biết sẽ cố gắng giữ mức học phí và tiền ăn chỉ tăng đến 5% để giữ HS.

Cô P.B., đại diện ban giám hiệu một trường tiểu học tại quận 5, phân trần với Tuổi Trẻ: “Năm ngoái nhà trường thu mức tiền ăn bán trú là 18.000 đồng và phải chật vật bù qua bù lại mới cầm cự nổi cho tới hè. Năm nay tình hình vật giá tăng nên khoản tiền này chắc chắn không đủ và phải tăng thêm. Nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh đầu năm học để xin thêm 2.000 đồng/ngày/HS. Nếu tăng quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới phụ huynh nên chỉ dám tăng trong mức ít ỏi như vậy”.

Ngoài tiền ăn, tiền đồng phục cũng là một trong những mối lo của phụ huynh học sinh bậc tiểu học, THCS, THPT.

Một phụ huynh có con học lớp 10 một trường THPT ở quận 10, TPHCM cho biết năm nay trường bán đồng phục với giá 250.000 đồng/bộ nhưng đồ cũ vẫn còn tốt và kiểu dáng không đổi nên chị quyết định cho con mặc lại đồ năm ngoái.

“Đứa nhỏ học lớp 9, mấy năm qua đồng phục của cháu là áo trắng quần xanh, phụ huynh tự sắm và trường phát phù hiệu. Năm nay trường lại yêu cầu mặc đồng phục có viền cổ, cà vạt, viền cổ tay áo... Mỗi bộ gần 300.000 đồng, tính ra tôi mua ba bộ cho con mặc trong một năm học cũng ngót nghét cả triệu, chưa kể đồ thể dục 105.000 đồng/bộ. Trường cũng cho phụ huynh tự may nhưng nếu tự may thì mẫu vải, kiểu dáng khó giống như quy định của trường” - chị nói.

Chị P.N, có con học trường THCS Đoàn Thị Điểm, Q3, TPHCM thì than thở: “Cái áo sơmi đơn giản thế này cũng đã 105.000 đồng. Mà đâu phải chỉ mua một cái. Một bộ cả áo và quần tây là 235.000 đồng, tôi phải sắm cho con hai bộ để thay đổi”.

Trong khi tổ chức bán đồng phục, trường THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận cũng thông báo rõ ràng “phụ huynh có thể tự mua hoặc may đồng phục nhưng phải theo đúng quy cách của nhà trường”.

Theo Tuổi Trẻ, những bộ đồng phục áo trắng – quần xanh truyền thống ngày càng hiếm hoi, thay vào đó là đủ chủng loại, mẫu mã đồng phục bắt mắt và giá cả không hề rẻ so với thị trường. Có trường còn liên tục thay đổi đồng phục theo kiểu “lớp 6 xanh dương, lớp 7 xanh lá, lớp 8 vàng, lớp 9 trắng” khiến mỗi năm phụ huynh lại phải chạy vạy sắm cho con đồng phục mới mặc dù đồng phục cũ vẫn còn dùng tốt.

Học phí không thể không tăng?

Ảnh Giáo dục thời đại

Theo khảo sát của báo Pháp luật TP.HCM, sau một năm “giữ giá” theo khuyến cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học này các trường “hết chịu nổi” và bắt đầu tăng học phí từ 20% đến 30%, đặc biệt là các trường ngoài công lập. Cá biệt, có những trường tăng gần 100% học phí như Trường THCS-THPT Âu Lạc tăng từ 2,1 triệu đồng/tháng lên 3,8 triệu đồng/tháng, Trường THPT Phan Bội Châu tăng từ 950.000 đồng/tháng lên 2,3 triệu đồng/tháng.

Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường Dân lập Ngô Thời Nhiệm cho biết: ““Biết rằng tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến tài chính của phụ huynh nhưng buộc phải tăng vì vật giá đang leo thang, cái gì cũng tăng”.

Thầy Trần Kim Hảo, Phó Hiệu trưởng Trường Dân lập Hoàng Diệu, phân tích: Một học sinh lớp 10 nội trú thu 4,3 triệu đồng/tháng, tiền ăn đã là 1,7 triệu đồng (ăn sáng, ăn trưa, ăn tối) còn lại 2,6 triệu đồng chi cho các khoản liên quan đến dạy học cho các cháu, rất trầy trật để xoay sở.  

Việc tăng học phí ở các trường ngoài công lập không chỉ khiến phụ huynh lao đao, mà còn ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của chính các trường này. Trường THCS-THPT Đại Việt (Gò Vấp) dù đã sắp khai giảng nhưng mới chỉ tuyển được vài chục học sinh, trong khi chỉ tiêu cho cả hai cấp học là 300-350 học sinh. Trường THPT Thanh Bình tuyển 760 chỉ tiêu nhưng hiện nay còn thiếu gần 100 học sinh.

Đối với bậc đại học, cao đẳng, năm học 2012-2013, đứng đầu danh sách tăng học phí là ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM. Học phí trường này lên đến 2.410.000 đồng/ tín chỉ, học phí tiếng Anh 8.780.000 đồng/ cấp độ. Tổng thể, sinh viên phải đóng không dưới 70 triệu/ năm – một mức học phí khủng so với các trường công lập.

Năm ngoái, trường ĐH Hoa Sen thu học phí từ 15-19 triệu đồng/ học kỳ tùy theo ngành học. Năm nay, mức học phí dao động từ 37,2-39,6 triệu đồng/ năm đối với bậc cao đẳng; bậc đại học là 39,6-45,6 triệu đồng/ năm đối với chương trình học bằng tiếng Việt. Hai năm cuối, học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh sẽ áp dụng mức học phí từ 48-51,6 triệu đồng/ năm.

Trả lời báo Sinh viên Việt Nam, đại diện trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM cho rằng mỗi năm nhà trường điều chỉnh mức học phí tăng khoảng 10% để bù trượt giá, đầu tư cơ sở vật chất mới để phục vụ sinh viên tốt hơn.

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Bình, trưởng Phòng Tuyển sinh, ĐH Hoa Sen cho biết: “Mỗi năm học, nhà trường sẽ tính toán để đưa ra mức học phí cho tân sinh viên và sẽ giữ ổn định suốt khóa học. Năm nay, học phí tăng cao hơn là do giá cả thị trường tăng nên nhà trường cũng phải trả thù lao cho giảng viên, nhân viên cao hơn”.

Tuy nhiên, tờ Sinh viên Việt Nam cũng đưa ra một nghịch lý giữa mức học phí khủng và cơ sở vật chất của các trường đại học dân lập. Trong khi trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thu học phí bậc đại học trung bình 12,98 triệu/ năm và bậc cao đẳng là 11,78 triệu/ năm thì sinh viên trường này vẫn đang phải học theo kiểu “du mục” khắp chục cơ sở thuê mướn ở sâu trong hẻm. Cơ sở nào cũng nhỏ hẹp, thiếu thốn điều kiện học tập, nghiên cứu.

Thậm chí, trường ĐH Quốc tế Sài Gòn phải thuê tầng trệt của chung cư để làm nơi học tập cho sinh viên, trong khi mức học phí của trường này từ 42-49 triệu/ năm với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt và 109-120 triệu/ năm với chương trình dạy bằng tiếng Anh.

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)

TRA CỨU ÐIỂM THI ÐẠI HỌC, CAO ĐẲNG NĂM 2012

1. Ðiểm thi đại học
Soạn tin: DT {Số báo danh} gửi 6524
Ðể nhận kết quả điểm thi ngay khi công bố

2. Ðiểm thi trọn gói
Soạn tin: DTG {Số báo danh} gửi 6724
Ðể nhận trọn gói điểm thi (bao gồm điểm thi, chỉ tiêu, xếp hạng)

3. Xếp hạng
Soạn tin: XH {Số báo danh} gửi 6524
Ðể biết thứ hạng của mình so với các thí sinh khác

4. Ðiểm chuẩn
Soạn tin: DC {Mã trường} {Mã khối} gửi 6724
Nhận điểm chuẩn ngay khi công bố