Dường như tình hình tài chính của đất nước chưa đủ đau đầu nên trong năm qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã gây ra không ít căng thẳng liên quan đến nội dung các luận văn thời còn trên giảng đường. Như nhà tâm lý học Dan Ariely đã chỉ ra, các chính trị gia thường bị coi là thiếu trung thực. Chuỗi bê bối đạo văn mới đây nhất của các chính trị gia trên khắp thế giới củng cố thêm ý kiến này.
Thủ tướng Romani Victor Ponta – người bị tạp chí khoa học Nature cáo buộc tội sao chép hơn một nửa luận án Tiến sĩ năm 2003 từ sách của các học giả luật người Romani |
Hồi tháng 6, Thủ tướng Rumani Victor Ponta đã trở thành chính trị gia châu Âu được chú ý do dính vào vụ bê bối đạo văn khi tạp chí khoa học Nature cáo buộc ông tội sao chép hơn một nửa luận án Tiến sĩ năm 2003 từ sách của các học giả luật người Romani khác mà không được cho phép.
Chỉ vài tuần trước đó, tờ Nature cũng đã nhằm vào Bộ trưởng Giáo dục mới được bổ nhiệm của Romani khi cáo buộc ông đạo văn nghiêm trọng ít nhất 8 trang tài liệu về khoa học máy tính. Cáo buộc đạo văn đang trở thành một âm mưu phụ trong cuộc khủng hoảng hiến pháp đang diễn ra của đất nước này, trong đó ông Ponta coi cáo buộc này là lời vu khống của Tổng thống Rumani – người mà ông Ponta đang cố buộc tội và yêu cầu hội đồng học thuật giải tán.
Trường hợp của ông Ponta có lẽ là vụ bê bối đạo văn kịch tính nhất đánh vào một nhà lãnh đạo chính trị trong vài năm qua, song đó không phải là trường hợp cá biệt. Các Bộ trưởng Giao thông và Khoa học của Iran đều bị buộc tội đạo văn vào năm 2009. Giám đốc sáng tạo của Thái Lan và cố vấn trưởng khoa học của Chính phủ Ấn Độ cũng từng bị vạch trần.
Tuy nhiên, có vẻ như châu Âu đang tiến hành một chiến dịch vạch trần những kẻ đạo văn trong vài tháng gần đây. Nạn nhân đầu tiên của công cuộc vạch trần gian dối trong học thuật là Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg – người đã bị tước bỏ học vị Tiến sĩ hồi đầu năm 2011 sau khi Đại học Bayreuth xác nhận rằng ông đã sao chép một phần đáng kể trong luận văn của mình. Ông Guttenberg – người đã từng được bầu chọn là chính trị gia nổi tiếng nhất nước Đức và thường xuyên được cho là Thủ tướng tương lai – khẳng định rằng ông đã vô tình sao chép phần nội dung đó. Vào thời điểm nhận bằng, ông đã là một nhà lập pháp, tuy nhiên ông vẫn phải gánh chịu hậu quả. Giới truyền thông đã đặt cho “cậu bé vàng” một thời cái biệt danh “zu Googleberg”. Cuối cùng, ông phải đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 3 năm 2011.
Kẻ đạo văn tiếp theo bị “ngã ngựa” là một người Đức khác, Silvana Koch-Mehrin – người đã từ chức phó chủ tịch Quốc hội Châu Âu kiêm nữ chủ tịch Quốc hội Đảng Dân chủ tự do Đức hồi tháng 5 năm 2011 khi một trang web điều tra dấy lên những nghi ngờ về nguồn gốc luận văn năm 2001 của bà. Bà Koch-Mehrin không đưa ra bất kì bình luận nào về những cáo buộc nhưng nói rằng bà sẽ bước sang một bên “để Đảng của tôi dễ dàng hơn trong việc gây dựng một khởi đầu mới với một đội ngũ lãnh đạo mới”.
Ngày 2/4 năm nay, Tổng thống Hungary Pal Schimitt cũng đã từ chức sau một vài ngày bị Đại học Semmelweis, Budapest tước bằng Tiến sĩ. Smitt – cựu vận động viên đấu kiếm Olymlic – đã viết một tài liệu về lịch sử Thế vận hội Olympic nhưng trong đó có hàng chục trang văn bản, bảng biểu, biểu đồ giống hệt công trình của các tác giả khác mặc dù ông vẫn kiên quyết phủ nhận lời buộc tội.
Tuy nhiên, lời buộc tội đạo văn không phải lúc nào cũng là một bản án tử hình. Mới đây, Tổng thống Vladimir Putin đã bổ nhiệm nhà lịch sử chủ nghĩa dân tộc Vladimir Medinsky vào chức Bộ trưởng Văn hóa, làm dấy lên nhiều tranh cãi. Thậm chí, vào thời điểm đó, tờ RIA Novosti đưa tin rằng ông Medinsky bị cáo buộc “đạo văn nghiêm trọng” trong luận văn của mình.
Bản thân ông Putin cũng từng đối mặt với cáo buộc đạo văn. Năm 2006, nhà kinh tế học Clifford Gaddy của Viện Brookings khẳng định rằng Tổng thống Nga đã sao chép phần lớn luận văn năm 1997 mang tên “Kế hoạch chiến lược về sự tái sản xuất cơ sở tài nguyên” từ một cuốn sách giáo khoa của Mỹ. Ông Gaddy cho rằng rất có thể ông Putin – lúc đó là phó thị trưởng St. Petersburg – đã trả tiền cho ai đó để viết luận văn giúp ông – một thực tế phổ biến trong các trường đại học của Nga thời điểm đó (Có lẽ ông nên trả nhiều tiền hơn một chút).
Trong khi đang chạy đua cho vị trí ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa năm 1987, Joe Biden – phó Tổng thống hiện tại – buộc phải thừa nhận ông đã sao chép một bài báo về pháp luật khi ông còn đang là một sinh viên luật. Ông cũng bị phát hiện đã sử dụng một phần bài phát biểu của lãnh đạo Đảng Lao động Anh mà không được phép. Đối với bản thân họ, những cú ngã này có thể chỉ là những vi phạm nho nhỏ. Bản sao chép ở trường luật bị phát hiện và trừng phạt vào thời điểm đó, và Biden đã nhận được tấm bằng mà không gây ra bất cứ vụ việc nào khác.
Có hai kiểu đạo văn chính trị rất khác nhau, về mặt học thuật và về mặt ngôn từ. (Biden dường như phạm vào cả hai). Đạo văn các bài phát biểu sẽ khiến kẻ bị bắt rất xấu hổ nhưng không đến mức kết thúc sự nghiệp. Điều này có thể một phần là do hầu hết những bài phát biểu chính trị vốn đã tồn tại sự dối trá bởi các chính trị gia không phải là người viết phát biểu mà chỉ nhìn lướt qua tác phẩm của đội ngũ viết phát biểu và chuyên gia tư vấn. Trên các báo tràn ngập những bài xã luận dưới tên của các chính trị gia – những người chỉ góp phần chút ít vào việc duyệt bài viết từ tay các trợ lý.
Năm 2008, khi Thủ tướng Canada Stephen Harper bị phát hiện “chôm chỉa” một phần đáng kể trong bài phát biểu ủng hộ chiến tranh Iraq của cựu Thủ tướng Australia John Howard thì chính người viết bài phát biểu đó bị mất việc chứ không phải ông Harper. Khi Bộ trưởng Giao thông Australia Anthony Albanese bị vạch trần tội ăn cắp một trong những lời thoại của Michael Douglas trong bộ phim The American President vào năm nay, đó là một điều nhục nhã nhưng không ai cho rằng đó là căn cứ để miễn nhiệm ông. Và khi chiến dịch của Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton cáo buộc ông Obama đã mượn vài cụm từ của Thống đốc bang Massachusetts Deval Patrick trong suốt cuộc bầu cử chọn ứng viên cho Đảng Dân chủ năm 2008, cáo buộc này đã không thực sự có hiệu quả. Ông Patrick nói rằng ông và ông Obama là bạn bè và thường xuyên trao đổi những ý tưởng (giải thích cho sự trùng lặp một số câu nói).
Đạo văn học thuật là một vấn đề hoàn toàn khác. Nó ngụ ý với các cử tri rằng thủ phạm là kẻ lười biếng hoặc gian xảo, hơn là một chính trị gia bẻ cong sự thật. Điều này không có hiệu quả trong nhiều trường hợp gần đây. Thủ phạm muốn có thêm bằng cấp như một cách để làm cho mình trở nên “sang trọng” hơn trong khi sự nghiệp chính trị đang “xuôi chèo mát mái”.
Về việc Châu Âu bỗng dưng phát hiện ra một loạt những vụ đạo văn, rõ ràng cho thấy sự hiệu quả trong việc phát giác. Sau vụ bê bối của Guttenberg, giới truyền thông và các đảng đối lập nhận ra rằng các tác phẩm học thuật có thể được sử dụng để hạ bệ những nhân vật đầy quyền lực. Và như nhiều nhà báo xuất sắc đã biết trong thời gian gần đây, đạo văn đã được phát hiện dễ hơn nhiều trong thời đại của Google.
Có vẻ như những nhà lãnh đạo bị phát hiện cho tới thời điểm hiện tại không phải là những người duy nhất sử dụng một vài con đường tắt trong hành trình của mình để trở thành những nhà chính trị học thức cao. Và cũng rất hợp lý khi cá cược rằng đây không phải là những bê bối cuối cùng mà cuộc săn tìm bằng chứng của dối trá sẽ phanh phui ra. Những vụ phanh phui này đặt ra một câu hỏi rằng liệu có phải các chính trị gia giỏi hơn người khác trong việc lừa dối hay những hành động gian lận còn nhiều hơn chúng ta biết và các chính trị gia chỉ là những người bị phát hiện nhiều hơn. Dù bằng cách nào đi chăng nữa thì cũng sẽ không có gì phải ngạc nhiên nếu như một số luận văn cũ, vô vị bắt đầu biến mất khỏi thư viện các trường đại học trên khắp Châu Âu.
- Nguyễn Thảo (Theo Foreign Policy)