- "Tiên học lễ, hậu học văn", ngoài vẻ đẹp cao cả và mông lung, khẩu hiệu
này thiếu hẳn 3 cái đúng và thừa thãi 3 cái sai để có thể trở thánh một khẩu
hiệu có sức động viên và hấp dẫn chính những người thực hiện nó
Có lẽ nhờ sự quan tâm rộng rãi của mọi người về bài Khẩu hiệu có đem lại hiệu quả giáo dục? (của tác giả Lê Đỗ Huy) khiến toà soạn đặt nó vào diễn đàn của mục Giáo dục chăng? Quả thật, đây là cuộc thảo luận dân chủ, lôi cuốn và bổ ích. Tôi xin đưa vài ý kiến cá nhân, kết hợp với những điều tiếp thu được khi theo dõi diễn đàn này, để thử trả lời 3 câu hỏi đang được nêu lên.
1. Trước hết, câu hỏi: Khẩu hiệu có đem lại hiệu quả giáo dục?
a) Ba đúng, ba sai của một khẩu hiệu
Biện pháp nêu khẩu hiệu trong các cuộc vận động được sử dụng từ lâu, đến nay vẫn
được dùng, hẳn là chúng phải có một tác dụng nhất định.
Khẩu hiệu Người cày có ruộng đã động viên hàng chục triệu nông dân nghèo đứng lên tranh đấu lâu bền… cho đến tận thời điểm ruộng đất của họ được đưa vào hợp tác xã - để nông dân cùng cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH. Tính ra, khẩu hiệu có tác dụng suốt 30 năm. Nếu nay nêu lại, biết đâu vẫn còn tác dụng?
Khẩu hiện Tiên học lễ, hậu học văn có ở hầu khắp các trường, lớp |
Không cứ trong giáo dục, bất cứ lĩnh vực nào, nếu khẩu hiệu thích hợp (đúng
tâm nguyện của đối tượng), đúng lúc và đúng nơi (3 cái đúng) đều đem lại hiệu
quả. Còn 3 cái sai, là khẩu hiệu khó hiểu, huyênh hoang và không đi kèm biện
pháp thực hiện. Ông nội tôi bảo: Ngày trước, trong cuốn sách Sửa đổi lối làm,
cụ Hồ có nêu lên một bệnh: Bệnh Khẩu Hiệu.
b) Quả nhiên, khẩu hiệu Người cày có ruộng đã hội đủ “ba đúng” và tránh
được “ba sai”. Nó rất thích hợp với tâm nguyện của nông dân nghèo, nói trúng
khát vọng ngàn đời của họ, đưa ra đúng lúc, đúng nơi, đúng hoàn cảnh… Nội dung
khẩu hiệu thật dễ hiểu, không cần cắt nghĩa vòng vèo, không dừng lại ở mức “hiểu
theo nghĩa bóng” (tức là phải suy diễn hoặc giáng giải để hiểu). Và nông dân
được đưa vào đoàn thể và được hướng dẫn cách đấu tranh.
Tôi cứ hay so sánh “người cày có ruộng" với những khẩu hiệu mà tôi thấy gần đây:
Giữ vệ sinh là yêu nước; Đóng thuế là yêu nước; Đi bầu cử vừa là quyền lợi
vừa là nghĩa vụ… Sao mà chúng mơ hồ, khiên cưỡng, cứ phải suy diễn hoặc
giảng giải dài dòng mới tạm hiểu “những điều người ta bắt mình phải làm”. Chỉ
nơi nêu khẩu hiệu là được việc, còn đối tượng thì miễn cưỡng. Nếu đánh răng, rửa
mặt (giữ vệ sinh) là yêu nước thì… bọn phản động và thế lực thù địch cũng “đánh
răng, rửa mặt” y như chúng ta. Chứ sao?
2. Khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn… nên bỏ?
Đây chính là câu hỏi tạo nên cuộc thảo luận này. Tuy chưa ngã ngũ, nhưng phải
thừa nhận rằng cái chữ “lễ” quả là khó hiểu với trẻ em tiểu học. Ngay người lớn
(trước đây có cả tôi) cũng hiểu lơ mơ, thậm chí hiểu sai về nó. Sai ở chỗ:
- Gán cho “lễ” một ý nghĩa bao quát, chung chung, tuy đẹp lung linh.
Tôi từng cho rằng “lễ” là tất cả những gì cực kỳ tốt đẹp mà nhà trường và xã hội
cần phải dạy để trẻ em có hạnh kiểm tốt. Chữ “lễ” trong đầu tôi có cái nghĩa rất
rộng, rất đẹp, rất cao cả, nhưng cũng rất chung chung (tới mức trừu tượng), và -
với tâm trạng bay bổng - tôi thấy hoàn toàn không cần thiết phải cụ thể hoá nó.
Tôi chỉ cần một khẩu hiệu mang tính “phương châm”, cao cả, bao quát… Thế thì
khẩu hiệu Tiên học lễ… hoàn toàn đáp ứng. Và nếu quan niệm như vậy, đương nhiên
tôi lên án bất cứ ai muốn bỏ “lễ” mà bất cần hỏi người đó quan niệm “lễ” có
giống như tôi quan niệm hay không. Bởi vì, tôi cho rằng bỏ “lễ” tức là xã hội đã
“thả nổi” việc giáo dục hạnh kiểm cho thế hệ trẻ. Suy luận kiểu này khiến tôi
dám hô hoán (báo động) lên rằng xã hội sẽ ra sao, nếu không có “lễ”?.
- Thay đổi 180 độ khái niệm “lễ” của cụ Khổng cho hợp với XHCN, tôi từng nghĩ
vậy. Nếu không dùng “lễ” của đạo Nho, ta cứ việc gán cho nó một nội hàm khác.
Nhưng qua một số bài đã đọc, “lễ” thực ra là một khái niệm trong Nho giáo, xuất
hiện từ ngàn năm trước mà hôm nay chúng ta tiếp tục vay mượn để dùng. Đã vay
mượn thì phải tôn trọng “nghĩa gốc” của nó. Đó là nội dung của một bài mà tôi
tiếp thu được.
Gồm mấy điều:
a) Thời Nho Giáo còn độc tôn (hoặc còn có địa vị cao) trong giáo dục Việt Nam (trước 1945), cha ông ta đã dạy trẻ em chữ “lễ” đúng như nghĩa gốc của nó. Chữ “văn” cũng được các cụ xưa dạy đúng như nghĩa gốc. Đây là lương thiện.
b) Nay, thời thế đã khác, giáo dục của ta đã quá lạc hậu, nếu lại vẫn dạy “lễ” đúng nghĩa, trẻ em Việt Nam sẽ “trở nên” những con người chỉ biết kính cẩn và tuân phục. Đây chính là nghĩa gốc của chữ “ngoan” trong tiếng Việt.
c) Hay là chúng ta thay đổi nội dung chữ “lễ”? Nghĩa là trước kia có “lễ”
phong kiến, thì nay có “lễ” XHCN và điều đương nhiên là nghĩa gốc của chúng
ngược nhau. Vay mượn khái niệm, rồi thay đổi nó tận gốc là vi phạm đạo đức và
tính lương thiện.
3) Câu hỏi khác: Dựa vào gì để duy trì hay phế bỏ “học lễ”?
- Đương nhiên, phải dựa vào nội dung cụ thể của khái niệm “lễ”. Ai muốn giữ
“lễ”, hoặc ai muốn bỏ “lễ” đều cần giải thích tường tận cho các cháu tiểu học.
Quả là hiện nay các cháu và cha mẹ các cháu dẫu ham mê học “lễ” đến đâu cũng…
bói không ra thầy dạy “lễ”.
Nhiều nước từng là nơi đề xuất khái niệm “lễ” cũng đã bó “lễ” (thậm chỉ bỏ cả
một chủ thuyết đồ sộ chứa đựng “lễ”). Còn chúng ta, nếu chúng ta (nói dại) cũng
bỏ “lễ” thì biết thay nó bằng gì? Một tác giả ở diễn đàn này cho biết: Chúng ta
chẳng cần đơn độc sáng tạo “cái gì đó” thay cho “lễ”. Vô khối nước có nền giáo
dục tiên tiến hơn ta có thể để ta học tập.
"Tiên học lễ, hậu học văn", ngoài vẻ đẹp cao cả và mông lung, khẩu hiệu
này thiếu hẳn 3 cái đúng và thừa thãi 3 cái sai để có thể trở thánh một khẩu
hiệu có sức động viên và hấp dẫn chính những người thực hiện nó (là học sinh mới
tí tuổi đầu).
hotnews@vietnamnet.vn