- VietNamNet giới thiệu nội dung buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề: Từ gạo đến robot, Việt Nam đã chuẩn bị gì cho nguồn nhân lực tương lai? Mời các độc giả tiếp tục thảo luận với các câu hỏi của chuyên gia Ngân hàng Thế giới đưa ra TẠI ĐÂY và gửi ý kiến theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Nhà báo Hoàng Hường: Thưa quý vị, các vị khách mời và các chuyên gia tới từ Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như các bạn khách mời là độc giả VietNamNet có mặt trong trường quay hôm nay.

Hôm nay chúng ta ở đây để tổ chức một buổi giao lưu trực tuyến với các chuyên gia tạo nguồn nhân lực của WB. Chủ đề của chúng ta hôm nay là “Từ gạo đến robot – nhân lực Việt Nam đã sẵn sàng cho tương lai?”. Tôi hi vọng đây sẽ là một buổi giao lưu cung cấp nhiều thông tin, không chỉ là cơ hội cho người lao động VN, mà còn để các chuyên gia từ WB có thể hiểu hơn về người lao động VN, đồng thời có thể gặp được những tâm tư, nguyện vọng của người lao động VN và các trí thức trẻ VN. Những thắc mắc của các bạn sẽ được các chuyên gia giải đáp.

Trước hết, tôi xin giới thiệu khách mời của chúng ta hôm nay có 3 người từ WB: ông Jan Rutkowski - chuyên gia Kinh tế trưởng của Lĩnh vực Kinh tế Phát triển con người của WB khu vực Châu Âu và Trung Á.

Người thứ hai là bà Mai Thị Thanh - chuyên gia cao cấp về giáo dục của WB tại Việt Nam. Bà Thanh có bằng thạc sĩ về Kinh tế Tài chính của Trường Nghiên cứu Phương Ðông và Châu Phi thuộc Ðại học London.

Khách mời thứ 3 là ông Christian Bodewig: Chuyên gia Kinh tế cao cấp và Ðiều phối viên Quốc gia về Phát triển Con người của WB tại Việt Nam. Hiện nay ông đang phụ trách nhóm thực hiện Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2013 về chủ đề kỹ năng của lực lượng lao động.

Rất cảm ơn các vị khách mời đã tham dự buổi giao lưu.

  
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Văn Chung
Ông Christian Bodewig: Tôi xin cảm ơn tất cả quý vị đã cho tôi cơ hội được tham gia chương trình này.

Giáo dục được ưu tiên ở cấp độ rất cao ở VN. Có thể thấy điều này thông qua những nỗ lực mà các bậc phụ huynh đã bỏ ra để con em được học ở những trường tốt nhất. Hoặc ngày càng nhiều bạn trẻ nỗ lực để được học lên các bậc học như THPT, ĐH, cao học. Chính phủ xác định giáo dục là một trong 3 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 10 năm tới của VN – giai đoạn chuyển đổi để phát triển thành một nước công nghiệp.

Thực ra, giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực sẽ là những yếu tố hết sức quan trọng của VN trong giai đoạn phát triển sắp tới, khi mà VN trở thành nước có thu nhập trung bình, cũng như khi VN chuyển thành một nước công nghiệp hóa. Để thành công, VN rất cần đến những yếu tố đó.

Bởi vì giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực quan trọng đối với tất cả mọi người nên WB đã quyết định thực hiện một báo cáo để xem xét tình hình trong nền kinh tế của VN hiện tại, để xem xét đâu là bức tranh về kĩ năng của người lao động VN, đâu là trình độ học vấn mà người lao động VN có cũng như đâu là yêu cầu của người sử dụng lao động ở các công ty đối với người lao động và làm sao để người lao động chuẩn bị tốt hơn cho những bước phát triển tiếp theo của VN.

Tình hình đó nghe có vẻ là hiển nhiên, nhưng cũng có một số vấn đề còn chưa hiểu được bởi vì hiện nay, ngày càng nhiều bạn trẻ cố gắng để học lên các bậc học cao hơn. Điều đó có nghĩa là trình độ học vấn của người dân đã tăng lên rất nhiều. Nhưng đồng thời, các nhà tuyển dụng lại phàn nàn về việc người lao động mà họ tuyển không có đúng những kĩ năng mà họ mong muốn. Vì vậy, chúng tôi muốn tìm hiểu mối tương quan giữa trình độ giáo dục với kĩ năng.

Hiện nay, chúng tôi đang bắt đầu quá trình phân tích của mình. Đối với chúng tôi, việc đối thoại với người dân VN rất quan trọng.

  
Ông Christian Bodewig

Nhà tuyển dụng chú trọng đến kỹ năng

Nhà báo Hoàng Hường: Ông vừa nói đến việc người dân VN bây giờ rất chú trọng đến việc học và bằng cấp. Hiện nay, SV VN đang tìm rất nhiều cách để có được học bổng, được tiếp cận những nền giáo dục văn minh và có rất nhiều loại bằng cấp khác nhau. Có luồng ý kiến cho rằng: các bạn trẻ suy nghĩ việc trang bị một bằng cấp tốt đã là một hành trang đầy đủ để có một công việc, một tương lai, một sự nghiệp tốt. Thế nhưng, cũng có không ít quan niệm: bằng cấp ấy vẫn chưa đủ mà còn phải có kĩ năng như ông vừa nói. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Christan: Theo những phát hiện ban đầu mà chúng tôi đã có dựa trên những cuộc phỏng vấn với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cũng như xem xét cách tuyển người thì yếu tố mà các doanh nghiệp mong muốn ở ứng viên không phải là bằng cấp, mà chính là những kĩ năng có được từ sự giáo dục đó.

Họ muốn người lao động có những kĩ năng thực tế liên quan đến công việc sẽ làm, chứ không phải chỉ có kiến thức lý thuyết. Những đơn vị sử dụng lao động rất mong muốn ứng viên có kĩ năng tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc theo nhóm. Tất nhiên là ở trường, không có những môn học dạy riêng những kỹ năng này nhưng đây là những phẩm chất mà các ứng viên được tuyển cần phải có để có thể làm việc tốt trong môi trường của mình sau khi đã được giáo dục trong nhà trường.

Tôi cũng phải nói rằng đây không phải chỉ là vấn đề ở VN, mà là một thông điệp chúng tôi nhận được dựa trên khảo sát của những đơn vị sử dụng lao động ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều nước phát triển.

Đây không phải là một xu thế tạm thời trong giai đoạn hiện nay của VN mà còn là xu thế tiếp tục trong những giai đoạn tiếp theo khi VN trở thành một nước phát triển hơn, công nghiệp hóa, trình độ cao hơn.

Nhà báo Hoàng Hường: Thưa ông Christan,  đã có cơ hội làm việc với cả những nước phát triển và đang phát triển, ông có thể đưa ra những kinh nghiệm, quan điểm riêng trong quá trình sử dụng lao động? Có thể đúng hoặc không nhưng có những ý kiến cho rằng hệ thống giáo dục ở các nước đang phát triển vẫn chưa được trang bị những kiến thức cần thiết cho SV để có được hành trang bước vào thị trường quốc tế. Ông có chia sẻ gì với những HS, SV chưa được tiếp cận với nền giáo dục quốc tế không?

Điều phối viên Christan: Đây là một câu hỏi lớn. Nó còn phải được nghiên cứu thêm để xem đâu là những yếu tố để giúp cho một hệ thống giáo dục có thể trang bị cho người học những kĩ năng cần thiết để họ có thể tham gia vào thị trường lao động.

Có một điều rất quan trọng để đảm bảo rằng SV tốt nghiệp ra có được kĩ năng và thu nhận được kĩ năng khi đã làm việc là phải hiểu được thị trường lao động cần gì. Như vậy, phải có luồng trao đổi thông tin giữa thị trường lao động (công ty, doanh nghiệp sử dụng lao động) và những cơ sở giáo dục đào tạo để những cơ sở đào tạo hiểu được đâu là những yếu tố mà người sử dụng lao động cần. Đó không chỉ là vấn đề bằng cấp, mà là kĩ năng. Nó vượt ra ngoài khuôn khổ của bằng cấp. Đó là những kĩ năng mà tôi đã nói trước đó.

Thực ra, chúng tôi đến đây không chỉ để nói quan điểm của mình về vấn đề này. Chúng tôi rất muốn nghe quan điểm từ phía khán giả. Theo các bạn, đâu là những yếu tố quan trọng để người lao động có thể tìm được việc làm trong những lĩnh vực mà các bạn đang tìm kiếm? Nếu có những công ty sử dụng lao động, chúng tôi cũng muốn hỏi luôn xem đâu là những kĩ năng các bạn đang mong muốn tìm kiếm ở các ứng viên ? Tất nhiên là ngoài vấn đề kiến thức trong nhà trường.

  
Ông Jan Rutkowski  

Nhà báo Hoàng Hường: Thưa ông Jan Rutkowski, đã có nhiều kinh nghiệm làm việc ở châu Âu và châu Á, có thể ông cũng có những kinh nghiệm muốn chia sẻ trực tiếp với các bạn ở đây chăng ? Rất nhiều SV của chúng tôi cũng sắp đi học ở châu Âu, ông có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm với họ trong việc tiếp cận thị trường này hoặc có thể áp dụng được những cái họ học từ những nước đang phát triển vào thị trường của chúng tôi? Hoặc ông có muốn đặt câu hỏi nào cho các bạn ở đây không?

Chuyên gia kinh tế Jan Rutkowski : Xin cảm ơn về câu hỏi rất thú vị. Thực ra, tôi cũng có một số người bạn là người Việt Nam, hiện nay đang học ở Ba Lan. Và tôi biết người VN thường cũng có xu hướng tiếp cận những nền giáo dục như vậy.

Nhìn chung, việc các bạn trẻ được tiếp xúc với những môi trường khác nhau, nền văn hóa khác nhau, biết được những yêu cầu khác nhau, những kì vọng khác nhau… là những yếu tố quý báu để giúp cho các bạn trẻ làm việc tốt hơn trong môi trường.

Tôi nghĩ rằng việc các bạn trẻ đi ra nước ngoài để học tập và được làm quen với những môi trường như vậy là sự đầu tư hữu ích. Bởi vì việc đó giúp các bạn thu được những kĩ năng bổ sung, kiến thức bổ sung, có thể giúp các bạn kiếm được việc làm, có được sự nghiệp trong những thị trường lao động quốc tế. Kể cả là ở thị trường trong nước, khi có được những kĩ năng bổ sung như thế cũng rất hữu ích.

Hiện nay, trên thế giới mức độ dịch chuyển lao động rất cao. Có rất nhiều bạn trẻ có xu hướng tìm kiếm việc làm ở những quốc gia khác. Điều đó cũng rất hữu ích. Đối với những nước thu nhận, họ có thể học được rất nhiều từ những bạn trẻ đến đó, nhưng ngoài ra, những bạn trẻ đi học nước ngoài cũng học được rất nhiều từ nước họ đến làm việc.

Dù vậy, các bạn đi học ở nước ngoài không nhất thiết phải đi học đầy đủ 4 năm ở một trường nào đó. Hiện nay, có rất nhiều chương trình trao đổi SV kéo dài chỉ khoảng 1-3 tháng. Tham gia những chương trình này cũng rất có lợi. Nhưng để có thể tham gia được và thực sự hưởng lợi từ những chương trình trao đổi SV như vậy thì chúng ta phải có kĩ năng về ngoại ngữ. Theo kết quả mà chúng tôi nghiên cứu thì đây không phải là một điểm mạnh trong hệ thống giáo dục của VN. Cho nên việc đầu tư vào học một ngoại ngữ thực sự sẽ mang lại một sự đền đáp, giúp chúng ta có được những cơ hội về việc làm cũng như sự nghiệp.

(còn tiếp)
  • Thực hiện: Ban Giáo dục