- Sáng nay, hơn 20 triệu học sinh khai giảng năm học mới. Sau tiếng trống khai
giảng là trách nhiệm nặng nề đè lên vai những người làm giáo dục. Tận sâu đáy
lòng thầy cô, học trò, phụ huynh mỗi người một khát vọng, mong ước. Kế hoạch cụ thể, mong ước dài lâu của những người làm giáo dục đã được các báo phản ánh phong phú.
THÔNG TIN NGÀY KHAI TRƯỜNG
'Khai tử' cảm xúc ngày khai trường
Nữ sinh rạng rỡ ngày khai giảng
Học sinh quỳ đất có ghế ngồi ngày khai giảng
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai trường tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5, TP.HCM - Ảnh: Tuổi trẻ |
'Đặt hàng giáo dục' trong thư, diễn văn
Ngày 31/8, trong thư gửi thầy cô nhân dịp khai trường, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Ngành giáo dục cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; phát triển và nâng cao đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh...
Đồng thời, tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc như: dạy thêm học thêm không đúng quy định, hiện tượng lạm thu, thiếu trung thực trong thi cử, bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo...
Dự khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM) ngày 4/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được
yêu cầu, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội. Giáo dục kiến thức về xã hội,
kỹ năng công nghệ, trình độ ngoại ngữ còn yếu kém, chưa phát huy khả năng tự
học, tính chủ động sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Công tác quản lý nhà nước
về giáo dục còn nhiều bất cập, nội dung thiên về lý thuyết, nặng về dạy chữ,
chưa quan tâm đúng mức về dạy người …
"Năm học 2012- 2013, toàn ngành tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương
pháp dạy và học, thực hiện dạy chữ gắn với dạy người, quan tâm rèn luyện kĩ năng
tự học, tự lập, chủ động sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục, quan tâm
đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kĩ thuật..." - Thủ tướng nêu trong diễn văn.
|
Khai giảng ngày 5/9 tại Trường tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Bảo Anh) |
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, trong bài trả lời phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhìn nhận, trong năm học này sẽ tiếp tục điều chỉnh, đổi mới một số nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, thi - kiểm tra - đánh giá ở các cấp học, bậc học theo hướng chú trọng năng lực sáng tạo, tự học, tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Hiện Bộ được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Dự thảo đề án tập trung phân tích các thành tựu và bất cập, yếu kém của giáo dục và đào tạo VN, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan - nhất là đối với khuyết điểm, hạn chế của giáo dục - đào tạo. Hiện bản dự thảo đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6.
Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng diện thí điểm áp dụng phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột của Pháp’’, tăng cơ hội cho học sinh tự thực hành, thí nghiệm...Việc đổi mới phương pháp dạy học sẽ phải song song với đổi mới đánh giá, đánh giá học sinh trong cả quá trình học tập, quan tâm đến tiến bộ của các em.
|
Khai giảng tại Trường THPT chuyên Chu Văn An (Ảnh: Văn Chung) |
Khát vọng của giáo viên
Trước ngày khai giảng, PGS TS Văn Như Cương đã có bức thư gửi học trò Trường THDL Lương Thế Vinh. Ông dặn trò: "Hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, không lên mạng để “câu giờ”, không đàn đúm bê tha, không bàn luận những điều nhảm nhí…
Hãy học tập hết mình, học chủ động, sáng tạo, không hời hợt qua loa. Ngoài giờ lên lớp hãy tự học chứ đừng đi học thêm. Hãy trung thực đừng dối trá , hãy vị tha đừng vị kỉ, hãy hòa đồng đừng đố kị, hãy cao thượng đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ đừng a dua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao đừng buông câu tục tĩu …".
|
Thầy Văn Như Cương cùng các học trò |
Trong bài viết bày tỏ suy nghĩ nhân ngày khai trường đăng trên báo Tuổi Trẻ, cô Hoàng Tuyết, từ kinh
nghiệm đứng lớp ba mươi năm, bày tỏ: Nâng cao hiệu lực công tác quản lý hay chất lượng
của hoạt động giáo dục, dù thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nào thì cái gốc của sự
thành công không gì khác hơn là tâm nguyện vì học sinh của những nhà làm giáo
dục...
Và nếu thật sự vì học sinh thì xu hướng giáo dục nặng nề khoa cử cần phải được
loại bỏ. Muốn làm được vậy, xin hãy thay đổi chương trình sách giáo khoa sao cho
giáo viên không rơi vào tình trạng phải hi sinh hoặc bỏ qua việc tạo cơ hội cho
học sinh phát triển những kỹ năng và phẩm chất cần thiết.
Phát triển đội ngũ nhà giáo và quản lý lúc nào cũng vậy, luôn là nhiệm vụ trọng tâm của mọi nền giáo dục. Với nhiệm vụ trọng tâm này, nếu tiếp tục ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách nhằm tạo động lực phấn đấu cho nhà giáo, xin hãy nghĩ đến việc thay đổi tận gốc rễ quan điểm tiếp cận trong chính sách lương...
Trên báo Pháp luật TP.HCM, cô Dương Thu Trang, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) trăn trở khi đọc thư Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục.
Bức thư đề cập đến việc “... phát triển và nâng cao đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục;... tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc như vi phạm đạo đức nhà giáo...”. Đây không phải là vấn đề mới nhưng đó là nền tảng của giáo dục ở mọi thời đại. Chúng ta sẽ khó đưa giới trẻ tiến vào thế giới của “nền kinh tế tri thức” khi người thầy chưa hội tụ đủ “Nhân hiệu” và “Nhân phẩm”. Chỉ khi để tri thức và đạo đức dẫn đường, chúng ta mới đủ khả năng khai sáng những trí óc chưa phát triển hoàn chỉnh, những tâm hồn mong manh rất dễ tổn thương... của trẻ em.
|
Khai giảng tại Trường Tiểu học Bà Triệu (Ảnh: Quỳnh Anh) |
Để bước qua những rào cản của cuộc sống, những tổn thương trong tâm hồn do làn sóng sống thực dụng tràn vào giới trẻ làm lung lay truyền thống “Tôn sư trọng đạo”... chúng ta cần có lòng yêu nghề. Chỉ khi yêu nghề chúng ta mới yêu trẻ.
"Chúng ta cùng khai tâm, khai trí nhằm đưa giáo dục Việt Nam đi theo xu thế giáo dục hiện đại" - mong ước của cô Trang trước thềm năm học mới.Cô Huỳnh Thị Bực, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5 mong muốn: Trường nhanh chóng được xây mới để thực hiện lời hẹn với các em học sinh. Nếu cứ mãi học trong ngôi nhà sáu tầng kín mít này thì không biết khi nào tất cả HS của trường cùng được dự lễ khai giảng, lễ chào cờ hay được bay nhảy trong giờ ra chơi?.
Học trò: Mong nhà trường và ba mẹ không áp đặt
Chia sẻ với báo Phát luật TP.HCM, em Nguyễn Đức Hòa, HS lớp 10, Trường
THPT Năng khiếu ĐHQG TP.HCM nói: "Năm học mới, em chỉ muốn được lựa chọn con
đường học tập của mình. Có người học giỏi một số môn, có người giỏi đều, có
người chỉ giỏi môn năng khiếu… vì thế, nhà trường và ba mẹ hãy cho chúng em được
chọn cách học, đừng áp đặt vào khả năng của chúng em.
Khai giảng ngày 5/9 tại Trường tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Bảo Anh) |
Đại diện phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh - chị Nguyễn Thị Đăng Sinh trăn trở: Tôi có hai con đang theo học bán trú trong trường này nên có rất nhiều nỗi lo. Bước vào năm học mới, con em chúng tôi như bước vào ngôi nhà mới, chúng không chỉ được học mà còn được chăm sóc nhiều mặt khác như ăn, ngủ, nghỉ… Khi đó, giáo viên sẽ vừa là thầy vừa là cha mẹ thứ hai của chúng. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nhà trường cũng chỉ mong con mình được an toàn mọi mặt trong suốt năm học.
Anh Trần Việt Dũng chọn cách chia sẻ khi "Viết cho con, ngày con khai trường" đăng tải trên Người đưa tin. Anh viết: "Vậy là con đã đủ 6 tuổi, thời gian để Nhà nước cho con vào lớp 1, viên gạch đầu tiên của cuộc đời con, viên gạch quan trọng của cuộc đời ba..."
Ba hứa sẽ bên con vào giây phút này, cho dù thế giới đổi thay. Ba hy vọng mình sẽ đủ tự tin để bước đi bên con, đủ sức mạnh để cổ vũ nâng bước con vào đời. Nhiều ngày nhiều tháng, ba mẹ ước ao sẽ đưa con đến trường, để nhìn con vui tươi ngày khai giảng đầu tiên của đời người. Lúc ấy, trong ánh mắt mẹ con lung linh niềm tin yêu hy vọng "màu cờ sắc áo". Lúc ấy, ba nghĩ cuộc đời có gì khó khăn lắm đâu....
Ảnh Bảo Anh |
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) tản mạn trên tờ Sinh viên Việt Nam:
Dù ở cấp học nào - tiểu học, trung học hay ĐH - ngày tựu trường, đối với người đi học luôn là một ngày đặc biệt. Đó không chỉ là thời điểm bắt đầu một năm học mới mà còn là một điểm mốc đánh dấu nhiều thứ có ý nghĩa tích cực: thêm một bước trong quá trình trưởng thành về tuổi đời, tuổi học; thêm một bậc trong tiến trình đi lên đỉnh cao học vấn, tri thức, khoa học; thêm một nấc trong độ chín muồi về sự chuẩn bị hành trang hiểu biết và nhân cách cho cuộc dấn thân trọn vẹn vào đời sống cộng đồng, nghề nghiệp...
- Nguyễn Hiền (tổng hợp)