Trí thức Tây học

- Tôi may mắn được tiếp xúc với các vị trí thức Tây học như các bác sĩ Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước, Phạm Ngọc Thạch, GS Nguyễn Xiển, Tạ Quang Bửu và làm việc khá lâu với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện những năm sau này, khi ông là giám đốc Trung tâm nghiên cứu trẻ enm N-T. 

Đặc biệt, từ những năm 1997 trở về sau, qua anh Vũ Thế Khôi (con trai trưởng GSVũ Đình Hoè) giới thiệu tấm văn bia thờ thày giáo ở nhà cụ ở phố Phù Đổng Thiên Vương, có ghi cụ tổ ba đời của mẹ tôi là hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, trưởng tràng của cụ Nghè Từ Tháp Vũ Tông Phan (ở Trường Hồ Đình bên Hồ Hoàn Kiếm, là tổ 5 đời của cụ Hòe) .

Tôi có dịp đi đây đi đó, tham quan giáo dục mẫu giáo, tiểu học ở Hoa Kỳ, dự hội thảo về sức khoẻ tâm trí ở Đài Loan hoặc đi Anh, Pháp tìm tư liệu về Bác Hồ ... , đến thăm cụ Hòe, được tiếp niềm nở và ân cần hỏi han mọi chuyện rất thân mật. Và có những trao đổi ý kiến thật bổ ích.


Tôi khâm phục cụ đã sang tuổi 90 còn làm việc viết sách pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh thật nghiêm túc và kiên trì, vì sức khoẻ dù sao cũng đã giảm sút. Tôi xin đính kèm thư một số ý kiến bổ sung về cốt cách của những nhà trí thức này.


Những trí thức này đều đã dấn thân trong kháng chiến trường kỳ và cuộc đời họ có những cống hiến xuất sắc cho dân tộc, thông qua những ngành chuyên môn đã học.


Vì xuất thân trong những gia đình Nho học, coi trọng văn hoá giáo dục, đựoc hun đúc đạo lý dân tộc "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" (sau này được Bác Hồ chuyển thành nhân nghĩa trí dũng liêm), được học có bài bản, kiến thức toàn diện, dù sau này đi khoa học kỹ thuật, cũng có nền tảng nhân văn sâu sắc và tự trau dồi về văn hoá.


Chính trên nền tảng hiếu học, siêng năng, cần mẫn từ trong gia đình, nên có khi chỉ tốt nghiệp cao đẳng tiểu học, chưa qua tú tài, nhưng với kiến thức vững vàng được tiếp thu qua từng cấp, rồi nhờ biết tự học mà vẫn có những cống hiến xuất sắc như nhà báo, nhà giáo, ngưòi đấu tranh nghị trường nổi tiếng Phan Thanh, học giả Đào Duy Anh,v.v...


Ở cương vị Bộ trưởng Giáo dục, cụ Hoè đưa ra những quyết sách táo bạo và đúng đắn. Thí dụ, xung quanh vấn đề nâng cao dân trí từng bước qua việc xoá nạn mù chữ, việc mở lại ngay các trường phổ thông và đại học dạy toàn tiếng Việt không chần chừ, được Bác Hồ tán thành ngay cho thực thi liền.


Tôi nhớ ngay sau Cách mạng Tháng Tám, quân Tàu Tưởng ồ ạt vào Hà Nội chiếm hết các trường học công lập phổ thông, nhưng chúng tôi đã được cắp sách đi học, dù học ở các đình chùa ven đô, ở tiểu học, thiếu lớp thì học ghép vẫn có kết quả. Trong khi trước đó, từ sau đảo chính Nhật, chúng tôi phải nghỉ học hoàn toàn.


Việc mở ĐH, học ngay tiếng Việt làm cho thế giới thứ ba rất khâm phục vì hàm chứa tinh thần dân chủ, khoa học và đại chúng. Tuy nhiên, tôi nhớ, trong lúc giao thời đó, ta vẫn quan tâm đến việc học ngoại ngữ, không phải vì học tiếng  Việt ở các cấp mà sao lãng môn ngoại ngữ.


Tiếng Anh rất lạ lẫm với chúng tôi, nhưng năm 1946, tôi kết thúc tiểu học xuất sắc, được nhận phần thưởng của Quốc hội tặng là một cuốn sách học tiếng Anh của Lê Bá Kông, giấy in không đẹp như các sách tây nhưng nội dung là thực học.


Rất tiếc là sau này, do không có một chiến lược nhất quán và nôi dung thích hợp nên việc học ngoại ngữ ở phổ thông bị hình thức và vô bổ.


Học sinh, sinh viên ta ra nước ngoài,  nhiều người chỉ lo học chuyên môn hẹp, không đọc được sách văn học, không am hiểu nền văn hoá nước sở tại, ngay cả đi Nga, đi Đức - trừ những học sinh có nền tảng văn hoá gia đình tốt, có quan tâm đến việc trau dồi văn hoá. Khi quan tâm tới trau dồi văn hóa mới tiếp thu được những tinh hoa trong các nền văn hoá khác mà lớp thanh niên Tây học đã là nhân chứng tốt.


Thật thiếu sót nếu đi học phương Tây chỉ cần học chuyên môn, khoa học kỹ thuật. Nhưng phải hiểu nền văn hoá, văn minh châu Âu có nguồn gốc xa xưa từ cổ Hy Lạp, La Mã, mang tính khoa học và dân chủ lâu đời mà phát triển lên.


Thật nguy hiểm khi ngày nay, có nhiều dự án bị rút ruột khiến giáo dục không trung thực, mất chân giá trị mà đưa ra thành tích ảo, giá trị ảo, vàng thau lẫn lộn.


Bởi vậy, đào tạo con người trở không bị què quặt về tâm hồn, có nền tảng văn hoá, có nhân cách vững vàng như” thế hệ vàng“ mà giàu sang không sa đoạ, uy vũ không chuyển lay, nghèo không hạ mình... để vẫn có cốt cách cao thượng, đáng kính phục... đang là thách thức với giáo dục hôm nay.


  • Nguyễn Hạc Đạm Thư (Cán bộ nghiên cứu tâm lý giáo dục)