Chuyện một phụ nữ từng có tuổi thơ bất hạnh và cuộc sống gian khó, nhưng vẫn vững vàng vượt qua để trở thành điểm tựa cho cả gia đình, nuôi dạy sáu con vào đại học đã là chuyện đáng kể. Càng đáng kể khi đó là một phụ nữ dân tộc Pakô sống tại vùng cao heo hút A Lưới của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Cô Hương Trinh trên bục giảng trường tiểu học Hồng Thượng của huyện A Lưới.

Những con chữ thay đổi cuộc đời

Cha mẹ mất sớm bởi bạo bệnh, Hương Trinh – cô gái người dân tộc Pakô – được gia đình người chú ruột cưu mang từ tấm bé. Gia đình chú cũng rất nghèo nên ngày ngày cô gái mồ côi lại lặn lội lên nương, vào rừng quần quật kiếm sống. Ở vùng rừng núi xa xôi A Lưới lúc bấy giờ, việc đến trường, nhận mặt con chữ là chuyện không ai nghĩ tới. Những tưởng cuộc đời một bé gái Pakô như cô sẽ quanh quẩn trong vòng vây đói nghèo lạc hậu, thì may mắn đã đến khi Nhà nước có chế độ ưu tiên cho trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn miền rừng núi ra Bắc học tập. Giờ đây, cô giáo Hương Trinh nhớ lại: “Khi được xét cử đi học, bản thân tôi và cả gia đình vẫn chưa ý thức được tri thức quan trọng với cuộc sống của mình như thế nào”.

Lần đầu tiên được tự tay viết những chữ cái tên mình, Hương Trinh không khỏi xúc động. Cô chợt ý thức được rằng, vì thiếu cái chữ mà biết bao thế hệ người dân quê cô phải sống trong u tối. Những con chữ nhỏ bé đã làm thay đổi cả cuộc đời của cô gái trẻ, cô tâm nguyện dù khó khăn thế nào cô cũng phải giúp trẻ em quê mình được học cái chữ, để qua đó nhìn thấy một thế giới rộng mở. Năm 1977, cô tốt nghiệp sơ cấp tiểu học và quay trở về A Lưới, đứng trên bục giảng tại trường tiểu học Hồng Thượng. Thế nhưng để các học trò được tới lớp, cô phải lặn lội đến từng nhà, lên tận nương rẫy các gia đình để khuyên cha mẹ các em mỗi ngày hãy cho con cái được đến trường một tiếng. Phải mất bao nhiêu công sức thuyết phục, nhiều bậc phụ huynh mới hiểu tấm lòng cô giáo trẻ…

Nghịch cảnh không cản ước mơ

Cô giáo Hương Trinh lập gia đình với người con trai cùng thôn, rồi sáu đứa con lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của hai vợ chồng. Nhưng cuộc sống vốn đã khó khăn càng trở nên gieo neo khi chồng cô bị chứng thấp khớp hành hạ rồi làm suy giảm khả năng lao động. Mọi gánh nặng chi tiêu của gia đình tám con người chỉ trông vào đồng lương giáo viên còi cọc của cô và những công việc nhà nông mà cô phải gồng mình gấp đôi, gấp ba người khác để con cái không phải dở dang sự học. Nhìn gia cảnh quá bi đát của cô, những người sống xung quanh đều khuyên cô nên cho mấy đứa lớn nghỉ học để phụ giúp. Thậm chí, người con trai đầu của cô là Phạm Viết Ninh (nay là cán bộ địa chính của xã Đông Sơn – huyện A Lưới) từng kiên quyết đòi nghỉ học giữa chừng, bởi không thể cầm lòng khi nhìn cha đau ốm nhưng vẫn ráng lên nương, vào rừng, nhìn mẹ gò lưng trên chiếc xe đạp cọc cạch đến trường cách nhà hơn mười cây số, sau đó lại quần quật với những việc mưu sinh nặng nhọc. Nhưng vợ chồng cô đã gạt phắt ý định đó của con. Cô tâm sự: “Một ngày tôi có thể chỉ cần ngủ hai tiếng, ăn chỉ một gói mì cầm hơi, nhưng các con tôi phải đi học! Chỉ có tri thức các con mới có một cuộc sống tươi sáng”.

Các con đã không phụ lòng cha mẹ khi chúng lần lượt biến ước mơ của vợ chồng cô thành hiện thực. Sáu người con của cô đều đỗ đại học, trong quá trình học tập đều có thành tích cao. Phạm Thị Tuyết, khi đang là sinh viên năm thứ tư đại học Văn hoá Hà Nội đã được bộ Văn hoá – thể thao và du lịch tặng danh hiệu sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm 2007 – 2008, được trường tặng giấy khen “sinh viên nghiên cứu khoa học giỏi”, nay là phát thanh viên xuất sắc của đài phát thanh truyền hình A Lưới. Người con thứ năm là Phạm Việt Tý, ba năm liền là sinh viên khá giỏi của đại học sư phạm Huế, được tổ chức PHF tặng quỹ học bổng tài trợ sinh viên dân tộc thiểu số năm học 2007 – 2008, sau khi tốt nghiệp được trường giữ lại giảng dạy khoa hoá. Người con gái út Phạm Thị Táo Hồng cũng đang hoàn thành năm cuối tại đại học Sư phạm Huế để chuẩn bị trở thành cô giáo. Hai người con khác của cô sau khi tốt nghiệp đại học đã trở thành viên chức nhà nước công tác ở các lĩnh vực địa chính, kiểm lâm.

Bà Hương Trinh chia sẻ: “Được nhìn thấy các con thành đạt, và thế hệ học trò người Pakô, Tà Ôi, Pa Hy nghèo khổ được tiếp cận tri thức, nhiều em đã thành công ngoài xã hội là bao công khó của tôi được tưởng thưởng xứng đáng rồi…”

(Theo
Minh Hạnh/ Sài gòn Tiếp thị)