- Hãy tưởng tượng, đêm chung kết, tên Hoa hậu được xướng lên, cô gái Đặng Thu Thảo, làm nghề trang điểm, làm nghề bán café, hay học sinh trung cấp... chứ không phải sinh viên đại học, là Hoa hậu Việt Nam. Ắt sẽ giảm đi nhiều cảm xúc và hào quang!

Là học sinh trung cấp nhưng trên áp-phích buổi giao lưu khi về trường, tân hoa hậu vẫn được gọi là sinh viên

Thi đại học thì dưới 3 điểm/môn

Sau đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2012, thông tin trên báo chí đều đưa tin tân hoa hậu Đặng Thu Thảo là sinh viên đại học, Trường ĐH Tây Đô, Cần Thơ. Tuy nhiên, mới đây, người ta mới biết, cô chỉ đang theo học hệ trung cấp ở trường này

Việc Đặng Thu Thảo học hệ Trung cấp, có 3 trường hợp xảy ra. Hoặc cô không thi ĐH - CĐ, hoặc cô đã thi mà không đỗ, hoặc cô thi đỗ mà lại chọn học Trung cấp (cho rẻ?).

Trường ĐH Tây Đô là một trường dân lập ít uy tín, nằm ở top dưới cùng của hệ thống trường ĐH - CĐ. Trong suốt mấy năm qua từ khi thành lập, điểm chuẩn của trường ở tất cả các ngành chưa bao giờ cao hơn điểm sàn, và luôn phải tuyển một lượng lớn NV2 và NV3.

Ngành Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng mà hoa hậu theo học, dễ thấy chỉ tuyển sinh khối A hoặc D. Hai khối này mấy năm qua điểm sàn của Bộ GD-ĐT luôn là 13 điểm với hệ đại học, và 10 điểm với hệ cao đẳng.

Như vậy, nếu thi trượt Cao đẳng thì điểm thi của hoa hậu không đạt nổi 8,5 điểm (trung bình chưa được 3 điểm/môn). Bởi cả tỉnh Bạc Liêu của cô được xếp ở diện khu vực 1, tức là được cộng ưu tiên 1,5 điểm trong kỳ thi tuyển sinh ĐH – CĐ.

Thông tin trên báo chí thì hoàn cảnh gia đình (chứ không phải sức học) ảnh hưởng đến quyết định học cao hơn của Hoa hậu. Tuy nhiên…

Theo mức học phí của Trường ĐH Tây Đô (đăng trên website nhà trường), năm học 2011 – 2012, ngành học của cô thu phí 2,5 triệu đồng/học kỳ (với hệ Trung cấp), và 3 triệu đồng (với hệ Cao đẳng). Nghĩa là, nếu học cao đẳng, cô sẽ chỉ phải trả thêm 100 ngàn đồng/tháng. Vì thế, lý do tài chính xem ra không thuyết phục lắm trong trường hợp này.

Việc học hành của hoa hậu luôn được lý giải do hoàn cảnh gia đình, nhưng xem ra không được thuyết phục lắm

Có ý kiến cho rằng, có thể hoa hậu chọn học trung cấp vì thời gian ngắn hơn, ít tốn kém hơn, ra làm nghề nhanh hơn, và đôi khi học nghề, làm thợ còn dễ xin việc hơn tâm lý thích làm thầy, sính bằng cấp. Điều đó có thể hợp lý với trung cấp nghề ở một lĩnh vực nào đó như nấu ăn, sửa điện, hướng dẫn viên du lịch… những nghề chưa có hệ đào tạo cao hơn. Còn trong ngành học Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng, một điều rất dễ hiểu là mặt bằng đào tạo, cơ hội tìm việc, mức lương luôn khả dĩ hơn đối với bằng cấp cao hơn.

Vì sao hoa hậu học muộn 1 năm?

Hệ trung cấp chuyên nghiệp chỉ đào tạo trong vòng 2 năm, đối với học sinh đã tốt nghiệp THPT, hoặc bổ túc THPT. Hiện tại, Đặng Thu Thảo mới sắp tốt nghiệp Trung cấp, nghĩa là cô bắt đầu chương trình học vào năm 2010, trong khi nếu sinh năm 1991, cô thuộc lứa học sinh tốt nghiệp THPT năm 2009.

Hệ TCCN không thi, chỉ xét hồ sơ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp hoặc kết quả học tập của thí sinh theo học bạ THPT. Đặng Thu Thảo phải chờ tới 1 năm mới vào học trung cấp, không loại trừ khả năng lớn là cô không được xét ở năm đầu tiên.

Bởi lý do được kể lại trong các bài báo rằng cô quyết định nghỉ học 1 năm đi làm lấy tiền để dành học sau không cho thấy sự hợp lý và thuyết phục.

Trong khi học phí trung cấp là 2,5 triệu đồng/kỳ (năm 2009 có lẽ còn thấp hơn) thì học phí cho một khóa học trang điểm để làm nghề (không phải học trang điểm cá nhân) không hề rẻ, trung bình 3 – 5 triệu đồng/khóa 3 tháng, và ở những cơ sở nổi tiếng (chuyên gia trang điểm Đăng Hùng mà cô tìm đến theo học cũng thuộc diện có tiếng) thì lên tới 7 - 10 triệu là chuyện thường.

Sau mấy tháng học này, người trang điểm còn phải trải qua một thời gian học việc tương đối mới đến giai đoạn có thể kiếm tiền được bằng nghề. Thế nên, chuyện bỏ ra một khoản không nhỏ để học trang điểm chỉ với ý định làm như một nghề thời vụ không thuyết phục lắm. Nếu cô định theo nghề lâu dài thì đây còn là sự đầu tư hợp lý, còn không thì khá vô nghĩa, bởi đây không thuộc dạng part-time không tốn đầu tư, như tiếp thị, gia sư...

Cũng ngay trong các thông tin ca ngợi sự tích cực làm thêm của tân hoa hậu, cô sau đó còn đi bán mỹ phẩm trong siêu thị, làm trong quán café và học pha chế đồ uống… nghĩa là, việc học trang điểm chẳng được mấy hồi (nếu vậy thì là sự lỗ vốn!).

Cho đến khi quay trở lại học hành, không biết số tiền tích lũy làm thêm của cô được bao nhiêu (các công việc sau cũng không duy trì được lâu vì sợ hỏng da, rồi mỏi người…), trong khi ngần ấy thời gian "xin mẹ đi làm 1 năm tích tiền" cũng phải tiêu tốn sinh hoạt phí khi sống xa nhà.

Cũng theo báo chí, khi Thảo đến học trang điểm ở chuyên gia trang điểm Đặng Hùng, anh này đã khuyên cô thi Hoa hậu, nhưng cô đã từ chối. Chi tiết này khiến tân hoa hậu nhận được rất nhiều cảm tình của công chúng, vì "không háo danh" (?!). Tuy nhiên, xét trường hợp một cô gái đang cố gắng tìm cách kiếm tiền, để học hành, vì gia đình… và cũng chẳng hề thuộc tuýp dị ứng các cuộc thi nhan sắc (mơ ước từ nhỏ!) thì điều này hơi bất thường.

Không loại trừ khả năng, khi ấy, cô nữ sinh đi ra từ trường THPT Ngan Dừa chưa có bằng tốt nghiệp THPT – một trong những điều kiện tối thiểu để dự thi hoa hậu. Tất nhiên, đây chỉ là sự phỏng đoán!

Chuyện phiếm về sự trung thực!

Khi hình ảnh hoa hậu được xây dựng có phần lung linh, người ta có quyền đòi hỏi 1 chân dung xác thực hơn

Sự kiện lần đầu tiên một cô gái miền Tây đăng quang Hoa hậu Việt Nam tạo ra một hiệu ứng cảm xúc rất tích cực trong công chúng. Nét khả ái, mỏng manh, mềm mại của tân hoa hậu cùng những câu chuyện theo chiều hướng “emotional” (giàu cảm xúc) về cô và gia đình khiến điều này được cộng hưởng thêm nhiều lần.

Sau những dư luận ít nhiều chưa hài lòng với các hoa hậu những kỳ gần đây, Đặng Thu Thảo bỗng trở thành hoa hậu được lòng và được sự ủng hộ, hâm mộ của công chúng nhất.

Tuy nhiên, cũng như nhiều sự kiện truyền thông khác kiểu Uyên Linh thời VietNam Idol 2010, của The Voice khi mới ra mắt… mọi thứ về tân hoa hậu cũng đang được thổi vào hơi nhiều thứ không khí lung linh, lấp lánh. Và hình ảnh của cô đang được cả truyền thông và khán giả tô vẽ có phần đậm đặc hào quang so với chính cô.

Đành rằng, Đặng Thu Thảo có thể khai là sinh viên khi đăng ký dự thi, như tâm lý chung muốn làm đẹp hồ sơ của hầu hết mọi người khi thi thố. Nhưng khi nhận vinh quang, thiết nghĩ, cô, và ban tổ chức cũng như nhà trường cũng nên minh bạch.

Nếu như Vương Thu Phương đã nhận đủ bất bình và trách móc của dư luận về việc cố tình lập lờ, che giấu một sự kiện bất lợi về nhân thân trong cuộc thi. Và bị BTC thẳng thắn vạch tội “nói dối”, “thiếu trung thực”.

Nếu như Trần Thùy Dung đã từng nếm đủ ê chề, ghẻ lạnh của công chúng về việc khai man việc tốt nghiệp THPT để đảm bảo điều kiện đi thi hoa hậu. Và BTC cũng trải qua sóng gió trước dư luận đòi tước vương miện của cô.

… Thì, nên chăng, những thông tin về hoa hậu Đặng Thu Thảo cũng không cần nhập nhằng như hiện tại. Cả những thông tin đã sáng tỏ như chỉ học hệ trung cấp, và những thông tin tô vẽ, làm màu như nhiều chi tiết khác về bản thân, và cuộc sống của cô.

Không cực đoan tới mức đòi hỏi Hoa hậu phải vẹn toàn, vừa mỹ nhân, vừa bác học, vừa bồ tát, nhưng nếu như hình ảnh cô đang được xây dựng một cách tô hồng, che bớt chỗ thiếu tự hào, thổi phồng điểm dễ thiện cảm, lập lờ nơi tranh tối tranh sáng... thì cũng có quyền nghi ngờ và đòi hỏi một chân dung xác thực và tin cậy hơn. Về cô.

Minh Phương